Có con với cơ phó Hàn Quốc, nữ tiếp viên hàng không Việt thấm thía câu nói của ca nương Kiều Anh

CTV
Ước mơ bay gác lại, nhưng cựu tiếp viên hàng không lại tìm được ước mơ khác vô cùng ý nghĩa với bản thân.

Tiếp viên hàng không là nghề mơ ước của nhiều thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay. Nhưng với đặc thù công việc, những tiếp viên hàng không thường dành hầu hết thời gian cho các hành trình bay của mình. Chính vì thế mà khi bước vào chương mới của cuộc đời, lấy chồng sinh con, họ gặp khá nhiều khó khăn để có thể cân bằng được giữa công việc và gia đình.

Đó là lý do mà khi trở thành mẹ, nhiều tiếp viên hàng không đã phải gác lại ước mơ bay để có thể toàn tâm toàn ý chăm sóc con cái. Chị Nguyễn Thị Hoà cũng không ngoại lệ. Từng có 5 năm gắn bó với nghề, 9X xinh đẹp gốc Đà Nẵng đã quyết định dừng công việc tiếp viên hàng không, và lùi về lo cho gia đình nhỏ của mình.

Gia đình nhỏ của nàng cựu tiếp viên hàng không 9X Đà Nẵng.

Chào chị, chị có thể chia sẻ một chút về lý do chị lựa chọn dừng công việc tiếp viên hàng không đã gắn bó với mình 5 năm? 

Có thể nói, 5 năm làm tiếp viên hàng không đã giúp mình đạt được những mục tiêu mà mình đề ra với công việc này. Đến giai đoạn lập gia đình và sinh em bé là khoảnh khắc mình phải đưa ra lựa chọn đâu là điều quan trọng nhất hiện tại để mình tập trung nhiều hơn, và mình đã chọn gia đình là điều ưu tiên của hiện tại. 

Có bao giờ chị cảm thấy nuối tiếc khi quyết định từ bỏ công việc trong mơ đối với nhiều bạn trẻ? 

Đối với các bạn trẻ có lẽ là điều nuối tiếc, vì lúc mình ở độ tuổi trẻ mình cũng yêu công việc tiếp viên hàng không đến nhường nào. Nhưng mình không tiếc nuối những gì đã qua, mà mình trân trọng mọi thứ mình đã từng có. “Cái nắng của ngày hôm qua không thể hong khô chiếc áo của ngày hôm nay”, nên mình tập trung sống cho hiện tại nhiều hơn. 

5 năm gắn bó với nghề, chị Hoà quyết định dừng ước mơ bay để lùi về chăm sóc gia đình nhỏ.

Cơ duyên nào mà chị và chồng gặp nhau, sau đó quyết định tiến đến hôn nhân? 

Mối nhân duyên này có thể xem như là định mệnh. Mình và chồng quen nhau qua mạng xã hội. Anh là người chủ động nhắn tin với mình trước, nhưng mình là người phát triển mối quan hệ này trở nên thân thiết và gắn bó hơn.

Có lẽ bởi vì đều là người làm hàng không nên chúng mình có sự thấu hiểu về đặc thù công việc, về thời gian để đồng hành, kết nối và chia sẻ cùng nhau.  

Mối tình 2 năm của chúng mình cũng trải qua nhiều thăng trầm và khó khăn. Sự xuất hiện của em bé là cột mốc mà chúng mình quyết định tiến đến hôn nhân. 

Cột mốc trở thành mẹ có ý nghĩa như thế nào đối với chị? 

Con đến với cuộc đời mình có thể xem như là một mảnh ghép còn thiếu trong bức tranh mơ ước của mình. Mình luôn ao ước có một bức hình có đủ thành viên trong gia đình, có bố, có mẹ và các con.

Vì gia đình mình bố mẹ ly dị từ nhỏ, nên ước mơ đó mình nghĩ sẽ chỉ mãi là mơ ước. Nhưng rồi mình nhận ra rằng, mình có thể thực hiện được ước mơ đó, nhưng không phải với vai trò là một đứa con mà ở vai trò là một người mẹ, người vợ.

Con là mảnh ghép mơ ước của mình, là lời nhắc nhở về vai trò và trách nhiệm ở vị trí mới mà mình đảm nhiệm, đó là làm mẹ và làm vợ. 

Chị Hoà ước mơ có thể tự vun đắp một gia đình nhỏ hạnh phúc, đầy đủ của riêng mình.

Hành trình con gái nhỏ đến với gia đình như thế nào, có kỷ niệm gì đáng nhớ nhất với chị trong khoảng thời gian mang bầu hay đi sinh con không? 

Sau 2 năm quen nhau và một năm chờ đợi thì em bé mới đến với chúng mình thật bất ngờ. Trong suốt 24 năm sinh ra và lớn lên, mình thấy giai đoạn hạnh phúc nhất và sung sướng nhất là lúc mang bầu. Mình ăn được, ngủ được, có thời gian đi du lịch, nghỉ dưỡng, về quê ăn tết, thăm hỏi gia đình, anh em. Làm những điều mà suốt 5 năm đi bay mình không thể làm được.  

Một kỷ niệm khó quên lúc đi sinh là JooA sinh vào đúng dịp toàn thành phố "lock down" vì covid bùng phát đợt đầu tiên. Hai vợ chồng đã tính thuê dịch vụ sau sinh, rồi thuê người nấu ăn như thế nào nhưng mọi kế hoạch đều đổ vỡ, và cuối cùng 2 vợ chồng phải tự chăm sóc con theo bản năng.

Đến nỗi mình bị tắc sữa nhưng không có người thông tắc tia sữa, mình sốt cao và ngã khuỵ giữa nhà. Lúc đó mình đã nghĩ, đúng là người tính không bằng trời tính, và mình cũng đã rút ra kinh nghiệm rằng bản thân phải luôn chủ động tìm hiểu và chuẩn bị mọi thứ tốt nhất.  

Gia đình chồng hỗ trợ chị trong việc nuôi dạy con cái ra sao? 

Nhà mình ở Việt Nam và ông bà nội ở Hàn Quốc nên việc nuôi dạy con cái theo phong cách của vợ chồng mình không bị ảnh hưởng nhiều. Chúng mình cũng thống nhất với nhau từ trước về quan điểm, con mình mình phải có trách nhiệm chăm sóc và dạy dỗ, ông bà cũng đã từng vất vả nuôi các con lớn khôn rồi thì giờ là khoảng thời gian để ông bà nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống riêng.

Ông bà muốn chăm sóc và chơi với cháu để vun bồi và gắn kết tình cảm, thì vợ chồng mình rất biết ơn những điều đó. Ngoài ra thì mẹ chồng hay hỗ trợ mình về phần chăm sóc thể chất cho cháu, mỗi khi gia đình mình qua Hàn Quốc chơi. 

Khi đã trở thành bố mẹ, chị cảm thấy bản thân và chồng có gì thay đổi? 

Khi trở thành bố mẹ, mọi thứ đều rất mới đối với cả hai, những cảm xúc được đẩy lên tận đỉnh như dâng trào hạnh phúc, tình yêu thương, lòng bao dung, biết ơn, trách nhiệm nhưng cũng có những cảm xúc bị đẩy xuống tận đáy như bất lực, loay hoay, tức giận, mất bình tĩnh cũng được bộc lộ ra trong khoảng thời gian đầu.

Mỗi lần cảm xúc không được kiểm soát thì cả 2 góp ý cho nhau và nhắc nhở nhau sửa đổi cách phản ứng, bình tĩnh hơn để cùng phân tích vấn đề. Cả hai vợ chồng đã có trải nghiệm và học được rất nhiều bài học trên hành trình này. 

Mình cũng không ra ngoài gặp gỡ bạn bè, đi chơi, hay học hỏi thêm gì như trước mà chỉ có tập trung vào chăm sóc con. Chồng mình nếu có hẹn với đồng nghiệp cũng sẽ luôn về sớm, luôn gửi định vị và gọi video cho mình liên tục mỗi khi ra ngoài vì sợ vợ ở nhà buồn. 

Ông xã phi công Hàn dù công việc bận rộn, vẫn luôn đặt gia đình lên hàng đầu.

Nuôi dạy con trong gia đình đa văn hoá, chị có gặp trắc trở gì? 

Vì gia đình đa văn hoá nên con có chút rối loạn ngôn ngữ. Con bị chậm nói hơn so với các bạn đồng trang lứa, nên mình cũng cảm thấy khá lo lắng và bối rối.

Sau khi mình tìm hiểu và thử nhiều cách để giúp con, thì gần đây mình và chồng đã thống nhất được ngôn ngữ cố định để giao tiếp với con. Ba chỉ nói tiếng Hàn, mẹ chỉ nói tiếng Anh với con, và cô giáo chỉ nói tiếng Việt.

Hiện tại con hơn 3 tuổi nhưng đã hát được một số bài hát, tiến bộ hẳn so với trước kia và chủ động trò chuyện, giao tiếp nhiều hơn. 

Với tính chất công việc phi công bận rộn, chị và chồng chia sẻ công việc nuôi dạy con thế nào? 

Mình sẽ chia theo quỹ thời gian của mỗi người. Chồng mình đi bay 21 ngày và có 7 ngày nghỉ liên tục hằng tháng. Anh sẽ dành thời gian cho gia đình và con 100% khi ở nhà. Bố sẽ chủ yếu là cho con sự bảo vệ, môi trường giáo dục quốc tế và những trải nghiệm khám phá bằng những chuyến du lịch xa nhà, dịch vụ chất lượng. 

21 ngày còn lại mình sẽ đồng hành cùng con, đưa đón con đi học và ăn tối, đưa con đi chơi gần nhà, trải nghiệm, kết nối, thực hành giao tiếp, chia sẻ và chơi với các bạn. Mình dạy con vun bồi, rèn 3 gốc cùng mình, đó là đạo đức, nghị lực và trí tuệ.

Cặp vợ chồng trẻ luôn san sẻ với nhau công việc nuôi dạy con.

Một số người nói rằng, nghề phi công có nhiều cám dỗ bên ngoài, hay đi xa nhà, tiếp xúc nhiều người, vậy chị có bao giờ ghen? 

Giai đoạn 2 năm đầu tiên sau kết hôn và sinh con 2020-2022, mình chỉ ở nhà loanh quanh với con cái, không chăm sóc bản thân, không có biết gì về xã hội. Thời điểm đó, vợ chồng mình đã bị xa cách nhau, không hiểu nhau, lại gặp khác biệt về văn hoá, khác biệt về độ tuổi và thế hệ, chăm sóc con cái cũng chưa thống nhất nên câu chuyện đã đi đến mức cả 2 không thể nào nói chuyện được với nhau.

Giai đoạn đó thực sự mình bị cạn kiệt năng lượng, quá tải, phải nói là mình ghen tỵ, chứ không phải là ghen tuông. Mình chỉ chăm chăm vào chồng mình để vùng vẫy, tìm cớ để cãi nhau, để giải thoát những năng lượng tiêu cực đang tích tụ trong mình đẩy qua hết cho chồng mình, và hậu quả càng làm cho mối quan hệ tệ đi và đẩy chồng mình ra xa hơn. Đó hoàn toàn không phải điều mà mình mong muốn.

Sau đó mình nhận ra mình cần quay về tập trung vào chính bản thân, mình có những nhận định đúng về con người mình, cũng như tập trung học tập và phát triển bản thân, nâng cao giá trị của mình để có thể theo kịp được những gì mà chồng mình đang có hiện tại. Làm sao để mình có thể ở nhà, nhưng cũng không bị thui chột năng lực và giá trị so với xã hội. 

Và mình cũng rất may mắn có cơ duyên được gặp chị Ca Nương Kiều Anh. Được chị Kiều Anh chia sẻ về hành trình bước ra khỏi vùng an toàn, trở thành người phụ nữ tự tin, tràn đầy năng lượng và làm những điều mình thích. Câu nói mà mình nhớ nhất chị đã chia sẻ của cố GS.TS Văn Như Cương “Hôn nhân chính là học cách yêu đi yêu lại một người”. 

Làm thế nào để chị cân bằng giữa việc làm vợ, làm mẹ và theo đuổi công việc riêng, chăm sóc bản thân? 

Để có thể cân bằng được công việc gia đình, sự nghiệp và bản thân. Mình cần xác định chính xác đâu là điều mình cần ưu tiên giai đoạn này. 

Gia đình có 2 vợ chồng đều đi bay thì sẽ không có ai bên cạnh chăm sóc con gái, nên mình quyết định lùi lại phía sau  để lo cho gia đình và chọn cho mình một công việc thoả mãn các điều kiện: thời gian linh hoạt, tự do sắp xếp thời gian, được liên tục học tập và phát triển bản thân, môi trường tích cực và tiến bộ, có thể làm việc tại nhà, hỗ trợ được chồng và con.  

Rất may mắn là mình đã tìm được một công việc về mảng Coaching thần số học, thoả mãn các điều kiện mà mình đề ra. Thậm chí còn giúp mình thấu hiểu nhân tâm chồng và con để cùng đồng hành trên chặng đường dài. 

Công việc phù hợp là yếu tố khó nhất nhưng mình cũng đã giải quyết xong, rồi đến việc sắp xếp lịch theo thứ tự ưu tiên, mức độ ảnh hưởng đến nhiều người để mình xây dựng lịch cho mình như: lịch bay của chồng, lịch học của con, còn lại dư ra thời gian con đi học là thời gian mình dành cho bản thân.

Chị có thể chia sẻ một chút về con gái, quan điểm nuôi dạy con và cảm nhận về cuộc sống gia đình hiện tại? 

JooA là một em bé lớn lên trong gia đình đa văn hoá, lại là con đầu tiên, nên mình hiểu được những thách thức từ khi sinh ra của con là rất lớn, nhưng đó không phải là rào cản, thách thức luôn đi kèm với cơ hội. Và để nắm bắt cơ hội thì mình dạy con với tâm thế là “luôn luôn chủ động, chuẩn bị sẵn sàng để nắm bắt cơ hội“. Và cái chuẩn bị cơ bản, cấp thiết nhất là tính tự lập. 

Nàng cựu tiếp viên cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống hôn nhân, gia đình hiện tại.

Còn lại thì mình tập trung vào việc sửa mình, không ngừng cải thiện và phát triển bản thân. Bởi vì con sẽ nhìn mình làm gương và học hỏi, nếu như nói hay, dạy hay nhưng làm không chuẩn thì cũng uổng công vô ích. Và điều mà mình học được từ khoá học về "những tài sản cha mẹ nên để lại cho con" rất hay, qua đây mình cũng muốn chia sẻ cùng mọi người:  

- Để lại cho con 

+ Giá trị về tâm: Hãy để lại cho con bạn bè tốt của bố mẹ, đừng để lại cho con kẻ thù. 

+ Giá trị về trí tuệ: Hãy để cho con có một ít tiền với một cái đầu sáng suốt, đừng để lại cho con một đống tiền nhưng với cái đầu thụ động. 

+ Giá trị về thân: Hãy cho con thói quen tốt làm gương từ bố mẹ. 

Nhìn lại hành trình mà gia đình mình vừa trải qua, nó thực sự giống như biểu đồ hình sin cos, có lúc lên lúc xuống, lúc thăng lúc trầm. Nhưng mình hiểu rằng, mọi thứ đến với chúng mình chỉ là thử thách và chúng mình cần tìm cách để vượt qua thử thách ấy, cách này không được thì thử cách khác, quan trọng là mình không bao giờ bỏ cuộc trên hành trình xây dựng hạnh phúc gia đình.

Phần thưởng mà chúng mình nhận được chính là sự thấu hiểu và gắn bó với nhau chặt chẽ hơn, học được những bài học quý giá trong những thử thách ấy. Mình học được cách chấp nhận sự khác biệt, bao dung, lắng nghe đến tận cùng, kiên nhẫn và kiên trì, tiếp tục học tập trau dồi bản thân để không ngừng tiến bộ.  

Cảm ơn chị đã chia sẻ!