Theo Daily Mail, tháng 12/2020, Siobhan Harrison (24 tuổi, ở New Tredegar, South Wales, Anh) đang mặc quần áo thì vô tình phát hiện có vết sưng trên ngực. Tưởng là nốt mụn, cô gái trẻ cố nặn nó ra nhưng vết sưng nhanh chóng trở nên thâm tím và to dần lên. Ngay lập tức, Siobhan đặt lịch khám với bác sĩ.
Nghi ngờ đó là dấu hiệu của ung thư, bác sĩ đã khuyên cô gái trẻ đi làm sinh thiết. Tháng 6/2021, khi nhận được kết quả sinh thiết, Siobhan sững sỡ khi biết mình mắc bệnh ung thư vú bộ ba âm tính giai đoạn 2.
Cô gái 24 tuổi đã được các bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ khối u ở ngực trái vào tháng 7/2021, sau đó đông lạnh trứng trước khi bước vào 12 đợt hóa trị bắt đầu từ tháng 8/2021 do việc này có thể giảm khả năng sinh sản. Đến đầu năm 2022, Siobhan được xạ trị 2 tuần nhằm ngăn ung thư tái phát.
“Tôi cảm thấy rất khó chịu. Khối u phát triển rất nhanh và kích thước đã hơn 2cm. Các bác sĩ lên lịch phẫu thuật cho tôi vào ngay tuần sau đó. Mọi việc diễn ra quá nhanh.
Khi tôi hồi phục sau ca phẫu thuật, chuyên gia tư vấn nói rằng bước tiếp theo sẽ là hóa trị nhưng có khả năng sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của tôi. Vậy nên, trước khi bắt đầu điều trị, tôi đã đông lạnh trứng để phòng trường hợp bị vô sinh sau khi hóa trị”, cô gái 24 tuổi nhớ lại.
Sau đợt hóa trị đầu tiên, Siobhan bắt đầu bị rụng tóc. Tuy đã lường trước mọi chuyện nhưng cô không ngờ hóa trị lại tác động đến mình nhiều như vậy. Cô gái trẻ nhanh chóng mua một bộ tóc giả để “giúp mình trông giống bản thân hơn”.
Về sau, bác sĩ quyết định thay đổi một chút phác đồ điều trị, Siobhan hóa trị thường xuyên hơn nhưng với liều lượng thấp hơn. Cả quá trình hóa trị 12 đợt được cô gái mô tả bằng 3 từ “rất mệt mỏi”.
Siobhan chia sẻ: “Tôi chưa từng nghĩ mình có nguy cơ mắc ung thư, đặc biệt là ở độ tuổi trẻ như vậy. Đây thực sự là cú sốc đối với tôi và gia đình. Tôi muốn cảnh báo tất cả phụ nữ nên kiểm tra ngực thường xuyên và báo ngay với bác sĩ nếu phát hiện bất cứ thay đổi bất thường nào.
Thật không may cho tôi khi mắc ung thư nhưng ở một khía cạnh nào đó, tôi vẫn may mắn khi khối u của tôi xuất hiện rõ ràng, nhờ vậy tôi có thể nhanh chóng đi kiểm tra và điều trị. Tôi thấy sợ hãi khi nghĩ về hậu quả có thể xảy ra nếu khối u không được phát hiện”.
“Khi nhận được kết quả, tôi bán tín bán nghi và hy vong đó là u nang hoặc cái gì đó lành tính. Dù lo lắng nhưng tôi không mong đợi kết quả quá tồi tệ. Đáng tiếc, khối u là ung thư vú giai đoạn 2, có nghĩa nó đã phát triển sang các mô lân cận nhưng chưa di căn đến các cơ quan khác”, cô gái 24 tuổi cho biết thêm.
Sau 2 năm chiến đấu, Siobhan đã khỏi hẳn ung thư vào mùa xuân năm 2022. Tuy nhiên, cô vẫn được theo dõi thường xuyên và được thử nghiệm sàng lọc máu vài lần một tuần để kiểm tra các tế bào ung thư. Cho đến nay, tình trạng sức khỏe của cô gái trẻ đã bình thường trở lại. Siobhan hiện đang tập trung cải thiện thể lực của mình sau khi trở lại làm việc vào tháng 3/2022.
Được biết, ung thứ vú bộ ba âm tính là một loại ung thư vú ít phổ biến hơn, phát triển ở khoảng 1/5 phụ nữ bị ung thư vú (khoàng 15-20%). Phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có thể gặp loại ung thư này nhưng phổ biến hơn cả là ở độ tuổi dưới 40.
Tế bào ung thư vú có các thụ thể mà các hormone hoặc một loại protein có tên HER2 có thể gắn vào. Bác sĩ chuyên khoa ung thư ví lấy mẫu tế bào ung thư trong quá trình sinh thiết hoặc phẫu thuật để kiểm tra các thụ thể này.
Nếu các thu thể này được tìm thấy, người bệnh thường được điều trị bằng các liệu pháp điều trị nội tiết tố hoặc nhắm mục tiêu. Tuy nhiên, ung thư vú bộ ba âm tính không có thị thể đối với hormone hoặc HER2, có nghĩa hai liệu pháp điều trị nói trên sẽ không có hiệu quả.
Hóa trị cùng với phẫu thuật và xạ trị là phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với ung thư vú bộ ba âm tính.
Đinh Kim (Theo Daily Mail)