Mở lớp phụ đạo tiếng Anh miễn phí cho học sinh nghèo
Từng là một cô bé vốn “mù tịt” tiếng Anh, nhờ nhận được sự chỉ dạy tận tình của thầy giáo chủ nhiệm cấp 3, mà nữ sinh Lâm Yến Phương (SN 1978) đã có bước “trở mình” đầy ấn tượng, theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo dạy tiếng Anh.
Đó là những ký ức rất đẹp trong đôi mắt của cô giáo Lâm Yến Phương, giáo viên tiếng Anh, trường THCS Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh). Cô Phương nhớ lại: “Ngay từ nhỏ, tôi đã rất yêu thích nghề giáo, luôn mơ ước mình sẽ trở thành một giáo viên trong tương lai. Có lẽ, một phần bởi gia đình tôi vốn có truyền thống dạy học, từ bố mẹ, các dì, các cậu... đều đi theo sự nghiệp “trồng người”. Phần vì ngưỡng mộ khi nhìn thầy cô đứng trên bục giảng, mà bằng mọi giá phải theo nghề.
Tuy nhiên, trở thành một giáo viên tiếng Anh, với tôi, lại là một cơ duyên. Hồi cấp 2, tôi gần như chẳng biết gì về tiếng Anh cả. Đến khi lên lớp 10, tôi lại vào đúng lớp của thầy chủ nhiệm dạy tiếng Anh. Tôi còn nhớ, trong buổi đầu tiên thầy trò gặp mặt, sau khi giới thiệu về bản thân, thầy đã hỏi chúng tôi có điều gì muốn chia sẻ không. Và không hiểu can đảm từ đâu mà lúc đó, tôi lại mạnh dạn đứng phắt dậy, nói với thầy: “Thầy ơi, con không biết tiếng Anh, mong thầy hãy tìm lại “gốc” cho con. Nhưng... xin thầy đừng đánh con nha thầy...”.
Thầy chỉ nở một nụ cười hiền và khe khẽ gật đầu. Những ngày sau đó, thầy luôn dành thời gian sát sao giúp tôi học tiếng Anh, đến hơn một năm sau, kết quả của môn học này đã cải thiện rõ rệt. Tôi xác định rõ, mình nhất định thi vào ngành Sư phạm tiếng Anh.
Nhìn tôi đặt nguyện vọng vào sư phạm, các thầy cô còn được phen giật mình, bởi hồi đó, tôi là một nữ sinh khá nghịch ngợm. Thầy hỏi tôi: “Ôi trời, Phương ơi, con nghịch vậy mà con thi sư phạm thì dạy ai hả Phương?”. Nhưng tôi ngay lập tức cười giòn: “Chính vì con nghịch nên con mới có “mẹo” trị được học sinh nghịch giống con đó thầy”. Rồi đến khi tôi ra trường, trở thành giáo viên được một thời gian, trong dịp về thăm trường, thầy cô ai cũng hỏi han tôi. Tôi vội “khoe” với thầy cô: “Con không ngờ học sinh bây giờ còn quậy hơn con ngày xưa nữa... Nhưng mà không sao, con vẫn trị được!”. Ai nấy đều được dịp cười rôm rả”.
Trở thành giáo viên, cô Yến Phương vẫn không quên những hình ảnh tận tụy của người thầy đã từng giúp mình cải thiện tiếng Anh, vậy nên, cô cũng nảy ra ý tưởng giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn bị “mất gốc” tìm lại căn bản.
“Điều kiện của học sinh ở vùng nông thôn không được như ở thành thị, đặc biệt là điều kiện tiếp cận với các phương pháp bổ trợ để học ngoại ngữ. Vậy nên, nhìn học sinh của mình không theo kịp chương trình, thậm chí có những con “mất gốc”, tôi thấy rất thương nên đã tổ chức một lớp phụ đạo 0 đồng, kèm thêm cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Có thể do không khí lớp học thoải mái và cô có nhiều thời gian hơn để giảng cặn kẽ từng chút một, nên bạn nào cũng tiến bộ, dù nhanh hay chậm. Có học trò sau khi đã hiểu bài, còn thốt lên: “À thì ra là dễ như vậy mà trước nay con không biết”. Nhìn những gương mặt rạng rỡ khi từng ngày tiếp thu thêm kiến thức, tôi thấy như mình được tiếp thêm sức mạnh vậy”, cô Phương chia sẻ.
Học trò là động lực để vực dậy bản thân khi khó khăn
Cô giáo Lâm Yến Phương luôn tâm niệm: “Nếu chúng ta yêu thương, quan tâm và chăm sóc học trò bằng cả cái tâm, thì sẽ không có học trò nào không cảm nhận được, không có học trò nào muốn chối bỏ sự quan tâm ấy. Bởi thế, tôi luôn dành hết sự yêu thương của mình cho học trò...”.
Có lẽ, bởi thế, nên trong suốt 23 năm đứng trên bục giảng, cô Phương đã trở thành một “người mẹ” thân thương trong mắt biết bao thế hệ học trò.
Nữ giáo viên tâm sự: “Các con thường gọi tôi là “mom” chứ ít khi nào kêu là “cô”. Và chúng cũng luôn dành tình cảm cho tôi như những đứa con dành cho mẹ vậy. Học trò dù ra trường bao nhiêu năm, vẫn thường xuyên gọi điện hỏi han và dịp lễ Tết nếu được nghỉ đều về thăm tôi. Đặc biệt, mỗi dịp sinh nhật tôi, đúng dịp nghỉ lễ 2/9, nên các con cứ thay nhau gọi điện, hẹn về ăn sinh nhật cùng “mom”. Người ta mỗi năm chỉ đón sinh nhật một lần, nhưng tôi thì mỗi năm có cả tuần lễ sinh nhật, vì mỗi nhóm học sinh lại hẹn về thăm tôi và chúc mừng sinh nhật vào một ngày khác nhau. Năm nay, do dịch bệnh phức tạp, các con không về được, nhưng cũng tíu tít chúc mừng sinh nhật “mom” qua... hình thức trực tuyến”.
“Có thể, nhiều người cho rằng, giáo viên luôn là “chỗ dựa tinh thần”, luôn là người che chở cho học sinh... Nhưng với tôi, đôi khi, chính học trò lại là nguồn động lực mới mẻ, tràn đầy năng lượng tích cực. Trong cuộc sống, cũng có những sự cố, có lúc, tôi tưởng như mình không bước qua được, nhưng chính những học trò thân thương đã vực tôi dậy khi tôi cảm thấy khó khăn nhất. Mỗi khi tôi có chuyện buồn, các con sẽ thay nhau đến nhà chơi, nói đủ thứ chuyện, không để tôi có thời gian kịp buồn...”, cô Phương bật cười chia sẻ.
Nhắc đến một món quà ý nghĩa không thể quên từ học sinh, cô giáo Phương vui vẻ kể: “Tôi nhớ nhất kỷ niệm 3 năm trước, tôi chủ nhiệm lớp 8A4 khi vừa tròn 20 năm trong nghề. Vì các con còn chưa ngoan nên đến ngày 20/11 tôi vẫn “làm mặt giận”, không lên lớp. Nhưng bé lớp trưởng xuống tận sân trường níu tay cô và nói là dẫn cô đi xem một bất ngờ. Mấy đứa nhỏ dùng tay bịt mắt tôi lại và đưa lên đến tầng 2, tôi thực sự bị xúc động, khi thấy tập thể lớp đã đứng chờ sẵn.
Trên bảng có ghi một bài thơ do các con tự sáng tác. Bài thơ có ý miêu tả tôi giống như một “công chúa đáng yêu”, và cả lớp xúm lại tặng tôi một bó hoa, có cả vành hoa kết đội đầu nữa. Rồi cả lớp cùng đồng thanh hát theo một giai điệu rất ngẫu hứng: “Cô ơi, đừng giận tụi con nữa nhé!”.
Tôi không thể kìm được xúc động, miệng thì cười nhưng khóe mắt như muốn rưng rưng ngay khoảnh khắc ấy. Và đó là cách mà các con “dỗ dành” cô giáo khi trót gây ra lỗi. Tôi cũng thực sự rất ấn tượng với tình cảm của các con, có cái gì đó chân chất, khó diễn tả”.
Tạo cơ hội cho học trò trải nghiệm hoạt động thiện nguyện
Không chỉ mở lớp dạy ôn tiếng Anh 0 đồng, cô giáo Lâm Yến Phương còn tích cực tham gia tổ chức bữa ăn tình thương cho học trò nghèo, từ khi được phân công nhiệm vụ trong công tác hội và phong trào Chữ thập đỏ tại trường, năm 2007. “Mỗi khi nhìn các con được ăn một bữa cơm đủ chất và ngon miệng, gương mặt bạn nào bạn nấy cùng rạng rỡ, là tôi lại thấy rất ấm áp. Bên cạnh những bữa ăn tình thương, nhà trường cũng thường xuyên có những suất quà hỗ trợ kịp thời đến học trò nghèo, góp phần nâng bước các con đến trường”.
Hằng năm, cô Phương thường cùng các học trò của mình tham gia kêu gọi, vận động ủng hộ quần áo, chăn màn, sách vở hay một số nhu yếu phẩm để gửi tặng đồng bào miền Trung lũ lụt. Nữ giáo viên bộc bạch: “Năm nào, các con cũng hào hứng tham gia lắm. Được tự tay thu gom và phân loại đồ, đóng gói để gửi tặng bà con miền Trung, bé nào cũng phấn khởi. Hành động tuy nhỏ bé nhưng cũng góp phần giáo dục các con về tình yêu thương và sự sẻ chia trong cuộc sống. Đó sẽ là những bài học vun đắp cho mỗi tâm hồn.
Năm nay, vì dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp trên địa bàn, tôi không thể cùng các con tập trung và gom đồ được, nên tôi cũng cố gắng ủng hộ công tác phòng chống dịch, tuy không nhiều nhưng cũng là tấm lòng của mình. Giữa lúc khó khăn, mình có bao nhiêu thì góp sức bấy nhiêu”.
Mới đây, cô giáo Lâm Yến Phương đã vinh dự được nhận bằng khen của Bộ trưởng bộ GD&ĐT, sau suốt 23 năm tận tụy vì các thế hệ học sinh. Với cô, đây là một sự ghi nhận rất “có sức nặng”. Cô bày tỏ: “Tôi thực sự rất vui vì được nhận bằng khen, mà vui hơn cả, là ngay khi “nghe ngóng” được tin tôi ra Hà Nội nhận bằng khen, điện thoại của tôi bị “bão” tin nhắn: “Mom ơi, con chúc mừng mom!”... Đến giờ, cảm xúc trong tôi vẫn có gì đó lâng lâng khó tả, lòng tự nguyện sẽ nỗ lực hơn nữa để dìu dắt thêm nhiều học sinh trên chặng đường học tập”.
(Ảnh: NVCC).