Thị trường chứng khoán ngày 17/6 mở cửa với những biến động xấu. Thị trường chứng khoán thế giới giảm điểm khiến ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu trong nước. Hầu hết nhà đầu tư tỏ ra bi quan, điều này khiến thị trường chứng khoán trong nước đi xuống theo.
Hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu vấp phải áp lực bán mạnh khiến các chỉ số giảm sâu ngay từ đầu phiên. Trong đó, các mã chứng khoán và ngân hàng bị bán rất mạnh nhất. Nhóm thép, bất động sản… cũng giảm sâu.
Cả phiên giao dịch, VN-Index đều ở dưới mốc tham chiếu. Không có thời điểm nào trong phiên thị trường tăng điểm, hàng trăm mã thuộc tất cả các ngành đều đỏ lửa.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 19,33 điểm, tương ứng 1,56% xuống 1.217,3 điểm. Toàn sàn có 87 mã tăng, 391 mã giảm và 37 mã đứng giá. HNX-Index giảm 7,71 điểm, tương ứng 2,68% xuống 280,06 điểm. Toàn sàn có 34 mã tăng, 201 mã giảm và 26 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 2,15 điểm, tương ứng 2,41% xuống 87,1 điểm.
Chỉ số nhóm VN30 phiên giao dịch ngày 17/6 giảm tới 22 điểm. Nhóm này có tới 22 mã giảm giá và một mã giảm sàn. Những cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến thị trường hầu hết ở nhóm VN30 và tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng. Dẫn đầu là VCB, theo sau đó là MBB, CTG, TCB, VPB, BID, ACB… Hầu hết nhóm cổ phiếu ngân hàng đều đỏ lửa suốt cả phiên, hai mã VIB, MSB giảm kịch sàn.
Các mã cổ phiếu nhóm chứng khoán cũng nằm trong top những cổ phiếu tác động tiêu cực tới thị trường. Nhóm cổ phiếu này giảm theo đà giảm chung của thị trường. Hai mã đầu ngành là SSI, VND tiếp tục giảm sàn. Nhiều mã khác cùng nhóm là MBS, APS, VIX, SBS, FTS, CTS cũng đều rơi về mức giá sàn. Nhóm cổ đông đầu tư vào các mã thuộc nhóm từ đầu tháng 4 đến nay đã chịu mức lỗ từ 30-50%.
Hàng loạt cổ phiếu nhóm bất động sản và xây dựng cũng chìm trong áp lực bán tháo. Hàng loạt mã DIG, CEO, CII, NBB, HQC, QCG, VCG, FCN, HDC, LDG, CRE... đều kết phiên trong sắc xanh lơ của mức giá sàn. NVL của Novaland nằm trong nhóm tác động tiêu cực nhất tới chỉ số chung.
Tương tự, nhóm cổ phiếu ngành thép cũng lao dốc. Cổ phiếu đầu ngành là HPG giảm 1,07% về mức thấp nhất 2021 đến nay, dù hôm nay là ngày chia cổ tức của mã HPG. Trong khi đó, các mã khác như HSG, NKG, SMC, TLH giảm kịch sàn. Cổ phiếu đầu ngành HPG của Hòa Phát cũng rơi tiếp 1,1% về mức thấp nhất 2021 đến nay dù hôm nay là ngày chia cổ tức.
Nhóm cổ phiếu đầu cơ cũng lao dốc khi không có lực cầu. Nhóm cổ phiếu đầu cơ cũng không khá khẩm hơn khi sắc xanh lơ là màu chủ đạo. Các cổ phiếu họ FLC cũng đều chạm giá thấp nhất ngày, trong đó ROS và HAI giảm sàn. Nhóm "ho Louis” ghi nhận TGG, BII, SMT giảm sàn. Họ Apec, Gelex hay cổ phiếu liên quan đến hệ sinh thái Nhựa Đồng Nai cũng giảm mạnh, nhiều mã về mức giá sàn.
Dù vậy, phiên giao dịch ngày 17/6 vẫn có những mã ngược dòng thị trường. Hai mã cao su HRC và BRC tím trần. Một vài mã thuộc nhóm logistic cũng tăng tốt, thậm chí tăng trần như TIX, VOS, DAT…
Nhóm cổ phiếu điện cũng có một phiên giao dịch bứt phá, EMC tăng 4,63%, POW tăng 4,5%, GEG tăng trần, HDG tăng 5,2%, VSH tăng 4,7%, PC1 tăng 3,3% hay NT2 tăng 2,5%...
Cổ phiếu nhóm bán lẻ lại tiếp tục có phiên giao dịch bứt phá, MSN của Masan Group tăng 5,7% lên 117.000 đồng/cổ phiếu và trở thành một trong những mã tác động tích cực nhất tới thị trường, PET chạm giá trần, FRT tăng 4,4%, PNJ cũng kết phiên trong sắc xanh.
Khối ngoại phiên giao dịch ngày 17/6 mua ròng 309 tỷ đồng. HPG tiếp tục được khối ngoại “bắt đáy” hơn 100 tỷ đồng. VND cũng được mua ròng 70,8 tỷ đồng, DXG được mua ròng 67 tỷ đồng… Trong khi đó, VIC mà mã bị bán mạnh nhất phiên giao dịch hôm nay với 150 tỷ đồng. DGC bị bán 103 tỷ đồng, NVL bị bán 65 tỷ đồng, MWG bị bán hơn 50 tỷ đồng…
Thanh khoản thị trường tăng so với phiên trước với tổng giá trị khớp lệnh đạt 17.797 tỷ đồng, tăng 11,3%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 13,2% lên 15.637 tỷ đồng. Riêng nhóm VN30 được sang tay 209 triệu cổ phiếu, tương đương 6.600 tỷ đồng.
Trần Thu Thảo