Công ty Cổ phần Đầu tư IMG của ông Lê Tự Minh: Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm liên tiếp

Mặc dù có doanh thu khá ổn định trong giai đoạn 2018 - 2020 song lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Đầu tư IMG lại diễn biến khá xấu khi âm liên tiếp trong các năm 2019 và 2020.

a-1624759247.png

Công ty Cổ phần Đầu tư IMG của ông Lê Tự Minh: Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh âm liên tiếp (Ảnh: Dự án Artemis của IMG Group).

Sơ phác hình hài IMG Group của ông Lê Tự Minh

Công ty Cổ phần Đầu tư IMG được thành lập năm 2007 nhưng lịch sử của IMG Group đã được viết từ 11 năm trước đó, khi ông Lê Tự Minh thành lập Gili Taxi Vũng Tàu rồi Gili Taxi Huế - hai doanh nghiệp kinh doanh taxi.

Ông Lê Tự Minh, sinh năm 1959 tại Huế, là một vị doanh nhân khá đặc biệt, rất kín tiếng với giới truyền thông. Tốt nghiệp khoa Kinh tế chính trị - Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội), ông Minh từng có thời gian làm giảng viên Trường Sĩ quan Pháo phòng không (nay là Học viện Phòng không - Không quân).

Ông cũng từng là học viên của Học viện Quân chính Lênin (nay là Đại học quân sự Moscow – Liên bang Nga) và bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1995.  Năm 1996, ông về nước và bắt đầu kinh doanh, khởi đầu bằng doanh nghiệp taxi như đã kể trên, trước khi phát triển cơ nghiệp của mình thành một đế chế như hiện nay.

Quá trình đầu tư bất động sản của ông Lê Tự Minh có lẽ bắt đầu vào năm 2002 với việc góp vốn thành lập Công ty TNHH Trường Xuân để kinh doanh khu đô thị Trường Xuân – Quảng Ngãi (công ty này đã giải thể năm 2014).

Bước đi nối tiếp là góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Khách sạn Hoàng Thành, đầu tư khách sạn Gerbera Huế vào năm 2006, song ông Minh cũng đã chuyển nhượng hết vào năm 2013.

Sự kiện mang tính cột mốc phải kể đến là việc thành lập Công ty IMG Phước Đông để kinh doanh khu công nghiệp cầu cảng Phước Đông và đặc biệt là sự ra đời của Công ty Cổ phần IMG cùng vào năm 2007. Cả hai công ty này đều do ông Minh làm chủ tịch HĐQT.

Năm 2008, ông Minh tiếp tục cho ra đời Công ty IMG Huế, đánh dấu cho sự xuất hiện của khu đô thị An Cựu City (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) và Công ty ACC – Thăng Long, chủ đầu tư dự án Artemis (tọa lạc trên đường Trường Chinh, Hà Nội).

Năm 2009, ông Minh thành lập thêm Công ty Cổ phần Việt Long Quảng Ngãi kinh doanh bất động sản và nhà hàng; năm 2014 lập tiếp Công ty TNHH IMG Quảng Ngãi kinh doanh bất động sản. Cả hai công ty này sau đó lần lượt được sáp nhập vào Công ty IMG và Công ty IMG Huế.

Trong những nỗ lực hướng ra thị trường ngoại, SMIG được lập ra ở Singapore năm 2012 và AIMG được lập ra tại Úc năm 2017. Tuy vậy, thành tựu hoạt động của 2 công ty này vẫn chưa được nổi bật.

Năm 2020, ACC – Thăng Long được đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư MHL. Chi nhánh phía nam cũng được đổi tên theo – đây là pháp nhân triển khai dự án chung cư 448 Nguyễn Tất Thành tại TP. HCM.

Năm 2021, hoạt động nổi bật của IMG chính là khánh thành khu công nghiệp cầu cảng Phước Đông – dự án do Công ty IMG Phước Đông làm chủ đầu tư.

Ông Lê Tự Minh

Những điểm đáng lo ngại của Công ty Cổ phần Đầu tư IMG

Được lập ra vào năm 2007, Công ty Cổ phần Đầu tư IMG (tên cũ là Công ty Cổ phần IMG) là công ty mẹ của IMG Group. Tại công ty này, 2 cổ đông là ông Lê Tự Minh và bà Đặng Thị Hoài Thu đều đã thoái vốn với tư cách cá nhân.

Trong 5 năm gần nhất, quy mô tài sản của Đầu tư IMG tăng khá đáng kể, từ 798 tỷ đồng lên 1.563 tỷ đồng, tức tăng gấp 2 lần. Tuy vậy, điểm tăng trưởng chỉ rơi vào năm 2017, còn các năm sau đó, quy mô tài sản dao động trong khoảng 1.500 – 1.600 tỷ đồng.

Cơ cấu tài sản cho thấy rõ đây là công ty đầu tư với khoản mục đầu tư tài chính dài hạn chiếm gần một nửa tổng tài sản (hơn 700 tỷ đồng). Chất lượng tài sản không có vấn đề khi các khoản phải thu chiếm tỷ trọng thấp (dù cho dự phòng phải thu khó đòi tăng mạnh từ 61 triệu năm 2018 lên 3,6 tỷ đồng năm 2019 – 2020).

Trong cùng giai đoạn trên, nợ phải trả của công ty tăng khá mạnh, từ 121 tỷ đồng lên 856 tỷ đồng, tức tăng gấp 7 lần. Song cũng như tài sản, điểm tăng trưởng chỉ rơi vào năm 2017, các năm sau đó quy mô nợ lên xuống trong khoảng 800 – 900 tỷ đồng.

Với vốn chủ sở hữu dày dặn (trong 5 năm dao động trong khoảng 650 – 800 tỷ đồng), hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty ở mức thấp, khá an toàn. Tuy nhiên, điểm mất an toàn nằm ở hệ số khả năng thanh toán. Năm 2018, nợ ngắn hạn của công ty đã vượt xa tài sản ngắn hạn (481 tỷ đồng/338 tỷ đồng).

Tình trạng này tiếp tục lặp lại ở năm 2019 với mức độ còn nghiêm trọng và đáng báo động hơn (478 tỷ đồng/161 tỷ đồng). Phải tới năm 2020, tình trạng này mới được cải thiện phần nào.

Về kinh doanh, giai đoạn 2016 – 2019 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu của Đầu tư IMG khi tăng đều đặn qua các năm từ 1,6 tỷ đồng lên 139 tỷ đồng, tức tăng gấp 87 lần. Tuy nhiên, đà tăng này đã bị bẻ gãy vào năm 2020 khi doanh thu sụt giảm còn 93 tỷ đồng, tức giảm 33% so với năm 2019.

Sự suy giảm của lợi nhuận gộp còn đến sớm hơn thế, bắt đầu ngay từ năm 2019, giảm 41% so với 2018. Và mặc dù có sự hồi phục trong năm 2020, nhưng so với năm 2018, lợi nhuận gộp vẫn giảm tới 24%.

Một điều khá đáng chú ý là mặc dù có vai trò như một công ty đầu tư, song doanh thu tài chính của Đầu tư IMG lại khá thấp. Trong 3 năm gần nhất (2018 – 2020), doanh thu tài chính chỉ khoảng vài tỷ đồng. Trong khi đó, công ty lại phải chịu chi phí lãi vay lên tới hơn 30 tỷ đồng.

Điều này cộng với chi phí quản lý neo ở mức cao (hơn 32 tỷ đồng) đã khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Đầu tư IMG bị ăn mòn sạch sẽ. Ngoại trừ năm 2018, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt giá trị dương 6,8 tỷ đồng, các năm 2019 – 2020, chỉ tiêu này đều là số âm, lần lượt là: -22,2 tỷ đồng và -3 tỷ đồng.

Phải nhờ tới khoản lợi nhuận khác có giá trị rất lớn, Đầu tư IMG mới tránh khỏi tình cảnh lỗ trước thuế liên tiếp vào năm 2020.

Nhìn lại toàn giai đoạn 2016 – 2020, có thể thấy lãi sau thuế của Đầu tư IMG biến động khá dữ dội và ở trong xu hướng đi xuống. Cụ thể, 2016, lãi sau thuế đạt mức đỉnh cao 40,4 tỷ đồng. Các năm sau đó, đồ thị lãi sau thuế “cắm đầu” lao xuống các mốc 5,1 tỷ đồng (2017), 4,8 tỷ đồng (2018) rồi -20 tỷ đồng (2019) trước khi hồi lên mốc gần 30 tỷ đồng (2020).

Một diễn biến đáng lo ngại khác của Đầu tư IMG là dòng  tiền. Các năm 2018 và 2020, lưu chuyển tiền thuần của công ty đều âm với mức âm khá nặng, lần lượt là -18 tỷ đồng và -36 tỷ đồng. Điều này khiến quy mô vốn bằng tiền giảm sút, phần nào ảnh hưởng tới mức độ an toàn của ngân quỹ. Thực tế, trong năm 2018, tiền và tương đương tiền của công ty chỉ còn 6 tỷ đồng, năm 2020 còn “thảm” hơn khi chỉ còn 1,5 tỷ đồng.

Hệ sinh thái IMG Group làm ăn ra sao?

Trong số các thành viên của IMG Group, có 3 đơn vị thu hút sự chú ý là: IMG Huế, IMG Phước Đông và Đầu tư MHL (tức ACC – Thăng Long).

IMG Huế lập ra năm 2008, đóng trụ sở tại phường An Đông, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là chủ đầu tư của dự án An Cựu City. TÍnh đến năm 2019, vốn điều lệ của công ty là 113,57 tỷ đồng, giám đốc là Nguyễn Hồng Phúc, các cổ đông cá nhân có: Lê Thị Hiền Mai (0,62%) và Đỗ Thị Điệp (0,41%).

Doanh thu của IMG Huế trồi sụt trong giai đoạn 2016 – 2019, từ 83 tỷ đồng xuống 50 tỷ đồng rồi vọt lên 95 tỷ đồng và cán mốc 109 tỷ đồng. Lãi sau thuế cũng biến thiên mạnh với các giá trị lần lượt là: 20,7 tỷ đồng, 6,9 tỷ đồng, 36,7 tỷ đồng và 19,6 tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý của IMG Huế là nợ phải trả tăng mạnh, từ 303 tỷ đồng (2016) lên 508 tỷ đồng (2019). Với vốn chủ sở hữu dao động trong khoảng 120 – 140 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty luôn ở mức khá cao, đạt tới 3,5 lần vào năm 2020!

Với Đầu tư MHL, tình trạng phụ thuộc vào nợ phải trả còn “kinh khủng” hơn. Với vốn chủ sở hữu ở mức trung bình, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty này luôn ở mức “ngất ngưởng”, lần lượt là: 15,7 lần (2016), 21 lần (2017), 15,6 lần (2018) và 8,4 lần (2019).

Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2016 – 2018 ghi nhận sự tốc biến về doanh thu, từ 30,4 tỷ đồng lên 1.064 tỷ đồng (thời điểm bàn giao dự án Artemis), kéo theo lãi sau thuế tăng từ 3,6 triệu đồng lên 9,5 tỷ đồng. Năm 2020, doanh thu giảm gần một nửa xuống 595 tỷ đồng song lợi nhuận sau thuế vẫn tiếp tục tăng lên, đạt 43 tỷ đồng.

Về IMG Phước Đông, doanh nghiệp này thành lập năm 2007. Tính đến năm 2019, vốn điều lệ là 372 tỷ đồng, tổng giám đốc là ông Trần Tấn Sĩ, cổ đông cá nhân là ông Chu Đình Khiêm đã rút vốn.

Trái ngược với 2 doanh nghiệp trên, kinh doanh có lãi, IMG Phước Đông thường rơi vào cảnh thua lỗ. Giai đoạn 2016 – 2019, ngoại trừ mức lãi sau thuế 5,8 tỷ đồng vào năm 2018, các năm còn lại đều chìm trong thua lỗ với mức lỗ lần lượt là: -7,7 tỷ đồng, -4,5 tỷ đồng và -827 triệu đồng.

Điều an ủi của IMG Phước Đông là nợ phải trả của doanh nghiệp này thấp hơn vốn chủ sở hữu, khiến tình hình tài chính không căng thẳng như IMG Huế hay Đầu tư MHL.

Ái Châu Tử - Chuyên trang Đầu Tư Tài Chính Việt Nam/VietnamFinance