Mới đây, tại tòa án nhân dân quận Cù Giang, thành phố Cù Châu, Chiết Giang, Trung Quốc có một cặp vợ chồng già tới nộp đơn ly hôn.
Cụ ông năm nay 89 tuổi, cụ bà 84 tuổi. Cả hai đều không còn khỏe mạnh, đi đứng rất chậm chạp.
Phía tòa án đã nhiều lần hòa giải cho hai cụ vì cảm thấy, hai cụ không giống như những cặp vợ chồng mâu thuẫn khác. Thế nhưng, cả hai vẫn kiên quyết ly hôn.
“Tôi nghĩ, hai cụ có chuyện gì đó chưa nói ra nên đã mời hai cụ vào phòng riêng để nói chuyện”, thẩm phán Chai Hongwei - người thụ lý vụ ly hôn cho biết.
Theo ông Chai, với nhiều năm kinh nghiệm xử lý các vụ ly hôn, ông nghĩ rằng, cụ ông và cụ bà vẫn còn yêu thương nhau rất nhiều. Họ chắc chắn không muốn sống xa nhau.
“Tôi chứng kiến cụ ông và cụ bà đi lên phòng hòa giải. Khi bước lên những bậc cầu thang, họ dường như đưa tay cùng lúc để đỡ lấy nhau. Hành động đó rất nhỏ nhưng bằng trực quan của mình, tôi biết hai cụ rất quan tâm đến nhau…”, thẩm phán Chai nói.
Trong quá trình trò chuyện, hai cụ đã mở lòng hơn với vị thẩm phán. Hóa ra, trước khi đến với nhau, hai người đều từng đổ vỡ trong hôn nhân và có những đứa con riêng.
Khi làm chung đơn vị, cả hai có nhiều sở thích chung, nói chuyện với nhau cũng hợp nên dần dần tiến lại gần nhau hơn.
Ở tuổi trung niên, họ mang theo những đứa con và tổ chức lại một gia đình hạnh phúc, cùng chung sống và chăm sóc các con.
Đến khi 3 con (đều là con riêng của 2 người) khôn lớn trưởng thành, xây dựng gia đình nhỏ, căn nhà chỉ còn lại 2 ông bà.
Họ nương tựa vào nhau và sống vui vẻ. Thế nhưng, tuổi tác của ông bà ngày càng lớn, sức khỏe giảm sút nhiều, cả hai buồn bã nhận ra rằng, họ không những không còn chăm sóc được nhau mà ngay cả việc chăm sóc bản thân cũng trở thành vấn đề nan giải.
Hai người quyết định dọn đến sống ở viện dưỡng lão. Nhưng ở đó một thời gian, hai ông bà liên tục nhìn thấy cái chết của những người bạn nên vô cùng buồn bã, tinh thần sa sút. Cuối cùng, họ quyết định dọn hành lý, trở về nhà.
Sau khi trở về từ viện dưỡng lão, 3 người con nhiều lần họp bàn về việc chăm sóc các cụ. Thế nhưng, không người con nào chịu chăm sóc cả hai ông bà. Từ việc này, chúng còn cãi nhau nhiều về vấn đề phân chia tiền bạc, tài sản.
Để giải quyết vấn đề, hai ông bà quyết định dìu nhau ra tòa ly hôn, đồng thời nhờ tòa án can thiệp, phân chia tài sản để trấn an con cái.
Sau khi phiên tòa kết thúc, các con kéo nhau ra về, ông lão mới tiến đến gặp thẩm phán Chai và lấy ra một xấp tiền từ chiếc túi da màu đen mà ông mang theo bên người.
Đó là 10.000 tệ (khoảng 35 triệu đồng). Cụ ông nói với thẩm phán, hãy đưa nó cho bà cụ và đừng cho các con của họ biết.
Hóa ra sau khi cả hai về hưu, phần lớn tiền lương hưu đều đưa cho con cái, cộng thêm tiền chữa bệnh, chi tiêu hàng ngày nên lúc này cũng chẳng tiết kiệm được bao nhiêu.
Khoản tiền 10.000 tệ giữ được này, ông muốn dành trọn cho bà. Nó giống như tình yêu mà ông đã và luôn trao cho bà. Ông muốn, phần đời còn lại, có thêm một món tiền, bà sẽ sống tự tin và vui vẻ hơn.
Không ngờ, khi trao số tiền đó, bà lão nhất định nói rằng, số tiền phải thuộc về ông, bởi ông cần nó hơn. Cuối cùng, vị thẩm phán phải quyết định thay cho cả hai người.
Theo thẩm phán Chai, những năm gần đây, số người cao tuổi ly hôn ngày càng nhiều, đặc biệt là những người già tái hôn. Trong nửa sau của cuộc đời, khi đàn con lần lượt rời đi để sống cuộc sống riêng, người già sẽ cần sự an ủi về tình cảm hơn người trẻ, đặc biệt là những người góa bụa hoặc ly hôn.
Nhưng trên thực tế, con cái không những ít để ý đến nhu cầu tình cảm của cha mẹ mà còn nghĩ nhiều về lợi ích của bản thân: sợ ảnh hưởng đến quyền thừa kế, sợ tăng thêm gánh nặng cấp dưỡng… Kết quả là chúng đã can thiệp vào cuộc hôn nhân của cha mẹ và gây ra nỗi đau cho người già.
"Là con, bạn nên dành nhiều thời gian hơn để giao tiếp với cha mẹ và thực sự dành sự quan tâm từ tận đáy lòng mình, để họ có một thế giới tình cảm lành mạnh hạnh phúc và sống an nhàn tuổi già", thẩm phán Chai nói.