Sản phụ N.T.T.L, 33 tuổi ở Thanh Ba, Phú Thọ, mang thai 19 tuần (thai lần 4), tiền sử mổ đẻ 3 lần, đến BV Phụ sản Hà Nội trong tình trạng thỉnh thoảng đau hạ vị và đi tiểu buốt.
Tại Khoa Sản bệnh A4, các bác sĩ đã tiếp nhận và chẩn đoán chửa vết mổ, rau tiền đạo cài răng lược ở vị trí sẹo mổ đẻ cũ, nguy cơ vỡ tử cung. Nhận thấy các nguy cơ có thể xảy ra với sản phụ và thai nhi, các bác sĩ đã tư vấn cặn kẽ cho gia đình, nhưng gia đình sản phụ vẫn tha thiết mong muốn theo dõi và giữ thai.
Tuy nhiên chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ, tình hình bệnh nhân chuyển biến xấu nhanh.
Sau phẫu thuật sức khỏe người bệnh ổn định và được xuất viện sau 5 ngày điều trị.
Khoa Sản bệnh A4 lập tức triển khai hội chẩn với BSCC Đỗ Khắc Huỳnh - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, phụ trách chuyên môn và TS. BS. Nguyễn Mạnh Trí để xin ý kiến chỉ đạo mổ cấp cứu xử trí theo tổn thương.
Ca mổ cấp cứu do ThS. BSCKII. Trương Minh Phương Phó trưởng khoa Sản bệnh A4- người trực tiếp thăm khám và chẩn đoán sản phụ vỡ tử cung tại vị trí rau cài răng lược và TS. BS. Đỗ Tuấn Đạt thực hiện hết sức khó khăn do tính chất phức tạp của bệnh, bánh rau ăn sâu xâm lấn phá hủy toàn bộ cơ mặt trước tử cung vị trí sẹo mổ đẻ cũ, khối máu tụ do vỡ tử cung lan rộng, mất máu nhiều.
Sau hơn 2 giờ phẫu thuật, ca mổ thành công, thai phụ được cứu sống và xuất viện sau 5 ngày điều trị.
Qua trường hợp hợp của bệnh nhân trên, các bác sĩ khuyến cáo các sản phụ có vết mổ đẻ hoặc mổ u tử cung trước đó nên được quản lý thai chặt chẽ, chẩn đoán sớm các bệnh lý liên quan đến sẹo mổ đẻ cũ như chửa vết mổ, rau tiền đạo... để xử trí kịp thời. Đặc biệt, nếu thai kỳ có diễn biến bất thường như đau bụng, ra máu âm đạo, tiểu buốt, tiểu máu... cần được bác sĩ chuyên khoa khám tìm căn nguyên và điều trị sớm theo từng nguyên nhân gây bệnh.