Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định xử phạt người điều khiển ôtô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ôtô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông.
Theo đó, phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc);
b) Sử dụng Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa; sử dụng Giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc);
c) Điều khiển xe không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, trừ xe đăng ký tạm thời) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc);
d) Điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
Điều luật không xem xét về ý thức chủ quan của người vi phạm. Do vậy, trường hợp vô ý cũng vẫn bị xử phạt theo quy định.
Để tránh bị xử phạt thì tài xế nên thường xuyên kiểm tra, vệ sinh biển số xe. Khi đi trên cao tốc thì mỗi khi vào trạm dừng nghỉ, chủ phương tiện nên vệ sinh sạch sẽ để đảm bảo rằng biển số không bị che lấp bởi bụi đất.
Đối với biển số xe bị bong tróc (phần chữ và số) thì chủ phương tiện cần đến cơ quan có thẩm quyền để đề nghị cấp đổi biển số mới.