Đức phản ứng lạnh nhạt trước cảnh báo của Nga về tên lửa Mỹ

Đức ghi nhận các bình luận của ông Putin, đồng thời cho biết những thay đổi được đề xuất trong kế hoạch triển khai tên lửa của Mỹ sẽ chỉ đóng vai trò răn đe.

Chính phủ Đức hôm 29/7 đã đưa ra phản ứng chính thức trước các bình luận của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào cuối tuần qua, trong đó nhà lãnh đạo Nga cảnh báo sẽ thay đổi lập trường quân sự của Moscow nếu Washington đặt thêm tên lửa hành trình tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trên đất Đức trong những năm tới theo kế hoạch.

"Chúng tôi sẽ không để mình bị đe dọa bởi những bình luận như vậy", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Sebastian Fischer phát biểu tại một cuộc họp báo ở Berlin.

Phó phát ngôn viên của Chính phủ Đức, bà Christiane Hoffmann, cũng được yêu cầu trả lời. Bà Hoffmann nói Đức ghi nhận các bình luận của ông Putin, nhưng cũng cho biết những thay đổi được đề xuất trong kế hoạch triển khai tên lửa của Mỹ sẽ chỉ đóng vai trò răn đe và là việc cần làm do các hành động gần đây của Nga.

Ông Putin nói gì?

Tổng thống Nga Putin, khi phát biểu tại lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Hải quân ở St. Petersburg hôm 28/7, cho biết rằng nếu Mỹ tiếp tục các kế hoạch triển khai thêm vũ khí ở châu Âu mà về lý thuyết có thể nhắm trúng các mục tiêu trên đất Nga, thì Moscow sẽ cân nhắc các biện pháp đáp trả tương xứng.

Nhà lãnh đạo Nga gợi lại cuộc chạy đua vũ trang vào đầu những năm 1980, vào cuối Chiến tranh Lạnh, khi tên lửa Pershing II có khả năng mang đầu đạn hạt nhân được triển khai ở Tây Đức khi đó. Ông Putin cảnh báo nguy cơ lặp lại hiện tượng tương tự.

Đức phản ứng lạnh nhạt trước cảnh báo của Nga về tên lửa Mỹ- Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Hải quân ở St. Petersburg, ngày 28/7/2024. Ảnh: RFE/RL

"Tuyên bố của chính quyền Mỹ và chính phủ Đức về kế hoạch triển khai các hệ thống tên lửa chính xác tầm xa của Mỹ tại Đức từ năm 2026 đã thu hút sự chú ý", hãng thông tấn nhà nước TASS dẫn lời ông Putin nói.

"Nếu Mỹ thực hiện các kế hoạch như vậy, chúng tôi sẽ tự giải phóng mình khỏi lệnh tạm dừng đơn phương trước đây đối với việc triển khai vũ khí tấn công tầm trung và tầm ngắn, bao gồm cả việc nâng cao năng lực của lực lượng phòng thủ bờ biển thuộc Hải quân của chúng tôi", Tổng thống Nga cảnh báo.

Theo DW, ở đây ông Putin đang ám chỉ đến các điều khoản của Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987 – mà Mỹ và sau đó là Nga đã rút khỏi vào năm 2019. Cả hai bên đổ lỗi cho nhau vi phạm các điều khoản của hiệp ước.

Theo ông Putin, Nga vẫn tuân thủ các điều khoản của mình kể từ khi rút khỏi hiệp ước, nhưng nếu Mỹ triển khai thêm vũ khí tại Đức, tình hình sẽ thay đổi.

Hiệp ước INF cấm tất cả các tên lửa hạt nhân tầm ngắn và tầm trung (trên đất liền) và tên lửa hành trình có tầm bắn từ 500-5.500 km – những vũ khí chủ yếu gây ra mối đe dọa đối với an ninh châu Âu.

Trong cuộc họp với Hội đồng An ninh Nga hồi tháng 6, ông Putin nhắc lại rằng vào năm 2019, Moscow đã cam kết sẽ không sản xuất và triển khai các hệ thống như vậy chừng nào Washington không triển khai chúng ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

"Hiện nay, được biết rằng Mỹ không chỉ sản xuất các hệ thống tên lửa này mà còn sử dụng chúng trong các cuộc tập trận ở châu Âu, tại Đan Mạch. Cách đây không lâu, có thông báo rằng chúng đang ở Philippines. Không có thông tin nào về việc liệu những tên lửa này có được di dời khỏi đó hay không", ông Putin nói trong cuộc họp.

"Bí mật công khai"

Ở châu Âu, theo tuyên bố chung mà Washington và Berlin đưa ra hôm 10/7, Mỹ sẽ bắt đầu triển khai tại Đức vào năm 2026 các vũ khí, bao gồm tên lửa SM-6, tên lửa hành trình Tomahawk cải tiến, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và một số "vũ khí siêu thanh đang phát triển", bao gồm cả những loại có tầm bắn xa hơn đáng kể so với những loại hiện đang được triển khai trên khắp châu Âu.

Mỹ và Đức lập luận rằng động thái này là phản ứng trước những diễn biến như Nga triển khai tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tại vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad nơi có biên giới giáp với Ba Lan và Litva. Nga không phủ nhận cũng không thừa nhận rằng họ đã triển khai vũ khí hạt nhân ở Kaliningrad.

"Những gì chúng tôi đang lên kế hoạch hiện nay là phản ứng nhằm ngăn chặn việc sử dụng những vũ khí này chống lại Đức hoặc các mục tiêu khác", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Sebastian Fischer cho biết hôm 29/7.

Đức phản ứng lạnh nhạt trước cảnh báo của Nga về tên lửa Mỹ- Ảnh 2.

Căn cứ không quân Ramstein của Mỹ, gần thành phố Kaiserslautern, bang Rheinland-Pfalz, Đức. Ảnh: Military.com

Đã có một loạt các căn cứ quân sự của Mỹ tại Đức, di sản của thời hậu Thế chiến II và sau đó là Chiến tranh Lạnh. Có nhiều tên lửa của Mỹ, mặc dù có tầm bắn ngắn hơn, được bố trí chính thức tại quốc gia Tây Âu này.

Đây cũng là một "bí mật công khai" – mặc dù không chính phủ nào chính thức thừa nhận – rằng Mỹ vẫn bố trí vũ khí hạt nhân tại một trong những căn cứ của mình ở Đức, giảm từ 2 địa điểm trong những năm và thập kỷ trước năm 2005.

Tuy nhiên, số lượng vũ khí vẫn được bố trí tại Đức và một số quốc gia châu Âu khác đã giảm đáng kể khi so sánh với thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh.

 

Minh Đức (Theo DW, TASS)