ĐBQH đề nghị xử lý nghiêm người sử dụng giấy xét nghiệm Covid-19 giả

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh: “Việc sử dụng bất kỳ loại giấy tờ giả nào cũng đã là vi phạm pháp luật, dùng giấy xét nghiệm Covid-19 giả thì cực kỳ nguy hiểm".

Coi thường quy định, thiếu hiểu biết trầm trọng

Theo thông tin từ Công an TP.Bắc Ninh, một “đường dây” làm giả phiếu kết quả xét nghiệm Sars-CoV-2 trên địa bàn đã bị triệt phá. Trước đó, cũng có một số trường hợp sử dụng giấy xét nghiệm giả bị lực lượng chức năng phát hiện. Điều này đang gây bức xúc lớn trong dư luận. 

Trao đổi với PV Phụ nữ và Pháp luật, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) chỉ ra: “Việc sử dụng bất kỳ loại giấy tờ giả nào cũng đã là vi phạm pháp luật rồi, dùng giấy xét nghiệm Covid-19 giả thì cực kỳ nguy hiểm. Bởi vì, giấy xét nghiệm giả sẽ tiềm ẩn những nguy hại cho cộng đồng, cho xã hội và cho chính những người sử dụng". 

2-dbuc-1628955615.jpg
Giấy xét nghiệm giả sẽ gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.

Cũng theo bà Nga, những người sử dụng giấy xét nghiệm giả này là coi thường các quy định và thiếu hiểu biết trầm trọng. Nếu người sử dụng lại vô tình là người mang mầm bệnh mà không biết, thì đã làm lây lan dịch ra cộng đồng, đặc biệt, các biến chủng của virus càng ngày càng nguy hiểm, sẽ gây ra hệ lụy rất lớn, không thể tưởng tượng được.

“Hiện tại, chúng ta đang phải đối mặt với dịch bệnh bùng phát tại các tỉnh thành phía Nam, chỉ cần có sự lơ là, mất cảnh giác, chủ quan, có những cá nhân cố tình không chấp hành những quy định thôi, thì có thể cả đất nước phải trả giá, mà cái giá này lại quá đắt.

Dùng giấy xét nghiệm giả qua mặt cơ quan chức năng ảnh hưởng đến công sức của rất nhiều người, hệ lụy nhiều khi không phải chúng ta chỉ trả giá bằng thiệt hại về kinh tế, mà còn phải trả giá bằng tính mạng của những người khác, nên điều đó thực sự rất nguy hiểm.

Chỉ cần một vài người có giấy xét nghiệm giả "thông chốt" trót lọt nhưng lại mang mầm bệnh thì càng nguy hiểm. Bởi vì, người ta thường có tâm lý đề phòng những người chưa xét nghiệm, những người không có giấy kết quả âm tính, còn những người có giấy trong tay, nếu người khác không biết là giấy xét nghiệm giả thì sự đề phòng cũng bớt đi nhiều”, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga phân tích.

thumb-660-e261c981-ffcb-4cac-b3af-f2104c805a62-1628992070.jfif
Một đối tượng dùng giấy xét nghiệm Covid-19 giả, nhằm qua chốt kiểm dịch, bị lực lượng chức năng phát hiện tại Cần Thơ.

Cần chế tài xử phạt nghiêm minh 

Theo ĐBQH Việt Nga, để chấm dứt việc làm và lưu hành giấy xét nghiệm Covid-19 giả, cần phải có chế tài xử phạt thật nghiêm minh.

“Không chỉ những người cung cấp giấy tờ giả mà cả những người tiêu thụ, sử dụng giấy tờ giả cũng phải có hình thức xử lý thực sự nghiêm khắc, để đảm bảo tính răn đe. Bởi, hậu quả rất lớn, nên hình thức xử lý cũng phải tương xứng với hậu quả nếu có mà nó gây ra.

dbqh-viet-nga-1628955615.jpg
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, để hạn chế tối đa tình trạng này xảy ra, vẫn phải liên quan đến chế tài xử phạt, thật nghiêm minh.

Với riêng việc cố tình không chấp hành các quy định phòng chống dịch để làm lây lan dịch bệnh, chúng ta cũng đã phải xem xét trách nhiệm hình sự rồi, thậm chí, có những người đã nhận án tù. 

Vậy thì, việc sử dụng giấy xét nghiệm giả này cũng phải xử lý như thế, kể cả khi chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, vẫn phải xử lý nghiêm. Bởi vì, nếu như mình không nghiêm khắc ngay từ đầu sẽ dẫn đến gây hậu quả, mà để đến mức độ gây hậu quả thì sẽ rất khó lường”, vị ĐBQH nhấn mạnh.

Về góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) phân tích: “Bộ luật hình sự tại Điều 341 Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức có nêu: 

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm”.

Giấy xét nghiệm là tài liệu được cung cấp bởi cơ quan y tế có thẩm quyền. Tài liệu này chứng nhận một người đã hoàn thành việc tiêm vắc-xin, từ đó họ có đủ điều kiện tham gia giao thông, thực hiện tiếp xúc an toàn với những người khác. Hành vi của người mua, sử dụng tài liệu biết rõ là giả để thực hiện hành vi trái pháp luật thì có thể cấu thành tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức. 

quach-thanh-luc-1553651767497-1628955615.jpg
Luật sư Quách Thành Lực phân tích về góc độ pháp lý đối với những cá nhân, tổ chức sử dụng giấy xét nghiệm giả.

“Thực hiện hành vi trái pháp luật” là thực hiện hành vi xâm phạm quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ mà không cần phải có điều kiện là đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, hành vi trái pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 341 BLHS năm 2015 là hành vi trái pháp luật nói chung (kể cả pháp luật hình sự, pháp luật dân sự, pháp luật hành chính…). Cụ thể ở đây là thủ tục hành chính, yêu cầu người dân ra đường phải có giấy đi đường.

Hành vi sử dụng tài liệu giả có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm”.

Bên cạnh đó, vị luật sư cũng chỉ ra, trường hợp những người mua giấy xét nghiệm trên trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly mà sử dụng giấy tờ giả thì đó được xác định là hành vi khai báo gian dối. “Người này nếu lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người”, luật sư Quách Thành Lực nhấn mạnh. 

Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng bộ Y tế;

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

b) Làm chết 02 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Tuệ Linh