Các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận bé N.T.H. (31 tháng tuổi, trú tại Thanh Chương, Nghệ An) trong tình trạng bị bỏng nước sôi.
Người nhà bệnh nhi cho hay, trong lúc trêu đùa với anh trai, bé bị ngã vào nồi nước sôi. Nghe theo lời khuyên của hàng xóm, gia đình lấy nước mắm và rượu đổ lên người cho con để làm dịu vết bỏng, tránh phồng rộp. Tuy nhiên, trẻ đau đớn và loét nặng hơn nên họ vội đưa con đến bệnh viện để chữa trị.
Bác sĩ Thái Văn Bình - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng cho biết, bé bị bỏng 50% thân và tay chân. Người nhà bôi nước mắm và rượu vào vết bỏng khiến vết thương bị bào mòn, nhiễm trùng thêm.
Theo bác sĩ Bình, lớp da ở vùng bị bỏng rất mỏng và yếu. Nguyên tắc chung để xử lý ban đầu vết bỏng là xả ngay nước lạnh bình thường (tuyệt đối không dùng nước đá) vào vết bỏng trong 15-20 phút để làm giảm nhiệt độ bề mặt của da, ngăn chặn bỏng trở nên nặng, tổn thương sâu hơn lớp biểu bì dưới da. Sau đó, đắp chỗ bỏng bằng gạc hoặc khăn bông thấm nước lạnh để bớt đau.
Nếu vết bỏng nhẹ, bỏng phần bề mặt, mua thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và tự điều trị ở nhà. Trường hợp vết bỏng nặng, sưng rộp, nóng rát, tổn thương sâu dưới da, cần đến bệnh viện để chữa trị kịp thời.
Tuyệt đối không ngâm rửa vết bỏng trong nước đá hay chà xát bằng đá lạnh. Vùng da bị bỏng quá lạnh sẽ gây ra hiện tượng co mạch máu, làm tình trạng bỏng trở nên nặng nề hơn.
Không nên dùng các loại thuốc mỡ, dầu, nước mắm, rượu, lá cây... hoặc bất kỳ chất nào thoa vào vùng bị bỏng. Tác dụng của những cách xử lý này chưa được chứng minh, trong khi đó biến chứng để lại nặng nề vì dễ gây nhiễm trùng, hoại tử.
Ngoài ra, cần tránh không làm xước vết bỏng, làm vỡ các nốt phồng rộp, dễ bị nhiễm trùng, để lại sẹo rất mất thẩm mỹ.