và khẳng định sẽ không tham gia nếu cuộc thi giữa giáo viên hợp đồng và các thí sinh tự do được tính như nhau.
Ngày 20/9, sở Nội vụ Hà Nội chính thức ban hành thông báo kế hoạch lịch tổ chức thi, xét tuyển viên chức các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã 2019.
Theo đó, thời gian tổ chức dự kiến bắt đầu từ tháng 9/2019 và hoàn thành vào tháng 11/2019, với hai hình thức tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2019.
Hình thức thi tuyển sẽ có 2 vòng: Vòng 1 thi trắc nghiệm môn Ngoại ngữ và kiến thức chung; các thí sinh đạt từ 50 điểm trở lên/môn thi vòng 1 sẽ được dự thi vòng 2. Vòng 2 thi viết chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành tại các quận, huyện, thị xã với thời gian 180 phút.
Đối với hình thức xét tuyển, vòng 1 thay vì thi tuyển, các thí sinh sẽ được xét tuyển. Vòng 2, tổ chức sát hạch phỏng vấn đối với nhân viên và thực hành giảng dạy đối với giáo viên.
Cô Đào Thị Nga, giáo viên hợp đồng 10 năm công tác THCS Trung Giã, Sóc Sơn cho biết: “Giáo viên ở Sóc Sơn đa phần là đã hợp đồng lâu năm, thường từ 8 năm đến hơn 20 năm. Từ khi có phương án thi đến 20/9, các thầy cô nghe quá nhiều thông tin, từ xét đặc cách, đến chọn phương án thi tuyển hoặc xét tuyển,...
Đa phần giáo viên ở Sóc Sơn không ôn thi. Đến khi thành phố có quyết định thi hoặc xét tuyển mà không có chế độ cho giáo viên hợp đồng thì giáo viên Sóc Sơn cũng quyết định không thi, chờ huyện công bố phương án thi sẽ rút đơn, không dự thi”.
“Tính đến thời điểm này, giáo viên hợp đồng vẫn duy trì và hưởng lương bình thường. Suốt từ tháng 3/2019 đến nay, cứ nghe thông tin “phập phồng”, lúc thì được xét, lúc thì phải thi, nên các thầy cô cũng không có tâm trạng để ôn thi. Thứ hai, vì ai cũng phải lên lớp giảng dạy, vào năm học mới cũng phải giảng dạy 18-20 tiết, rồi giáo án, sổ sách đầu năm học cũng bận rộn. Trong đó, tại trường THCS Trung Giã còn có 3 giáo viên hợp đồng dạy bồi dưỡng học sinh giỏi khối lớp 9, không có thời gian nào mà ôn thi.
Các thầy cô hiện nay vẫn xác định tâm lý trường hợp xấu nhất là bộ Nội vụ không ra thông báo kịp thời và vẫn tổ chức thi tuyển theo kế hoạch thì rút đơn hoặc xin phép không thi”, cô Nga chia sẻ thêm.
Hàng trăm giáo viên hợp đồng Sóc Sơn vẫn đang "lao đao" trước cuộc thi tuyển.
Đã gắn bó 19 năm với sự nghiệp “trồng người”, cô Nguyễn Thị Thơm, trường Tiểu học thị trấn Sóc Sơn chia sẻ: “Câu chuyện để giáo viên hợp đồng như chúng tôi thi tuyển là thực sự vô lý. Hợp đồng của giáo viên tại Sóc Sơn khác hẳn với những nơi khác, sau bao nhiêu nỗ lực cống hiến bao nhiêu năm “đưa đò” của chúng tôi trở thành vô ích hay sao?
Tôi đã từng thi và không đỗ, và chuyện đó cũng không nói lên rằng chúng tôi yếu kém chuyên môn hơn những giáo viên đỗ. Nhiều giáo viên đỗ về trường, chính chúng tôi lại phải dìu dắt, hướng dẫn từng chút một.
Tôi khẳng định, nếu bây giờ phải thi, tôi vẫn sẽ trượt. Và phải tham gia một cuộc thi mà sau đó lại vào chính vị trí mà mình đã làm tốt bao nhiêu năm nay thì tôi thấy không hài lòng, thật bất công. Bắt những người đã dành hết cả thanh xuân để cống hiến, làm rất tốt nhiệm vụ “đưa đò” phải đi thi này chẳng khác nào “vắt chanh bỏ vỏ” cả!”.
Cô Thơm bày tỏ: “Chúng tôi đều mong mỏi việc xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng sẽ thành hiện thực, bởi vì suốt gần 7 tháng đấu tranh cũng mong chờ một kết quả. Thi thì vẫn phải thi nhưng nếu bắt giáo viên hợp đồng thi như những thí sinh tự do thì không ổn.
Nhiều trường đang thiếu giáo viên lại phải mời giáo viên thỉnh giảng, cũng gây ảnh hưởng đến học sinh, nay tâm lý không ổn định, mai lại thay đổi giáo viên,…
Vậy nên, tôi cũng như các thầy cô, đều mong mỏi một công văn chính thức có tính pháp lý rõ ràng để giáo viên hợp đồng như chúng tôi không phải thấp thỏm, lo âu, sống trong sự bất an như hiện nay”.
Với 21 năm miệt mài trên bục giảng, cô Nguyễn Thị Hương Trà, giáo viên trường THCS Trung Giã, Sóc Sơn cũng khẳng định: “Đến giờ phút này, nếu vẫn tổ chức thi tuyển theo kế hoạch, sẽ có rất nhiều thầy cô không tham gia cuộc thi.
Tôi thì chắc chắn sẽ không tham gia được. Sau bao nhiêu năm “ươm mầm” mà bây giờ cho tham gia cuộc thi với hai vòng thi như vậy thì cảm giác như mọi cố gắng, nỗ lực trong suốt quá trình công tác bằng “con số không” mà thôi”.
Cô Đào Thị Nga (bên trái) và cô Nguyễn Thị Hương Trà. (Ảnh: Nam Trần).
Cô Trà cũng phân tích thêm: “Cuộc thi xếp ngang bằng hai thế hệ như thế là thực sự bất công. Lớp giáo viên trẻ hiện nay được học Ngoại ngữ từ rất sớm, chúng tôi ở tuổi này rồi, Ngoại ngữ làm sao so sánh được”.
“Trong suốt 21 năm giảng dạy, tôi không chỉ bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi mà cũng đóng góp rất nhiều cho ngành giáo dục của huyện Sóc Sơn. Đến tận năm nay, khi đang lâm vào tình thế bấp bênh như thế này, tôi cũng muốn được nghỉ ngơi nhưng ban giám hiệu vẫn giao trọng trách với đội tuyển học sinh giỏi.
Tôi đã đề nghị “rút khỏi” công tác bồi dưỡng học sinh giỏi từ trước đó, vì tình trạng như này cảm giác buồn lắm, không có tâm trạng để mà hứng thú. Tuy nhiên, khi trường đã giao việc, lại lăn xả vào công việc, lại vì học sinh mà tâm huyết, giống như là “ăn vào máu” rồi. Nhiều khi, thấy thời thế thay đổi thì tìm một hướng đi mới, còn mình vẫn bị cuốn vào, vì quá yêu cái nghề này.
Cũng chính vì yêu nghề và tâm huyết nên càng cảm thấy xót xa hơn!”, cô Trà giãi bày.
Cẩm Mịch (Người đưa tin)