Chưa đảm bảo an toàn thì chưa nên quay lại
Trong buổi giao ban báo chí tại Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 21/9, ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND Tp. Hà Nội khẳng định: “Việc cho học sinh trở lại trường học là điều Thành phố "rất mong muốn, nhưng cũng phải rất cân nhắc. Trong phương án sắp tới, Hà Nội sẽ yêu cầu các trường, các địa bàn đánh giá tiêu chí an toàn, từ đó sẽ xem xét thí điểm triển khai tại một số vùng đảm bảo an toàn trên địa bàn thành phố”.
Cũng tại cuộc họp về tình hình chống dịch Covid-19 trên địa bàn trong thời gian tới, lãnh đạo Tp. Hà Nội cho biết sẽ cho học sinh trở lại trường. Thông tin này nhanh chóng nhận được nhiều ý kiến của dư luận.
Theo thống kê của Bộ Y tế, kể từ đợt dịch đầu tiên đến nay, Việt Nam đã có hơn 15.000 trẻ em Việt Nam mắc Covid-19. Trong đợt dịch thứ 4, trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng không nhỏ, thậm chí có trẻ sơ sinh vài tháng tuổi cũng trở thành F0, chủ yếu tại tâm dịch Tp.HCM. Một số ca bệnh Covid-19 là trẻ em bị béo phì, trẻ có sức đề kháng kém dễ đối mặt với nguy cơ tử vong.
Làm sao để trẻ sớm trở lại cuộc sống bình thường mới và yên tâm đến trường? Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ThS.BS Dương Quốc Phong, giảng viên khoa Y – ĐHQG Tp.HCM, bác sĩ tại Bệnh viện Thống Nhất Tp.HCM cho rằng, không chỉ với Covid-19 mà đối với các chủng bệnh khác cũng vậy. Trẻ con khi đến môi trường tập thể dễ nhiễm bệnh, còn quyết định cho trẻ đến trường hay không thì địa phương sẽ có đánh giá.
Dưới góc độ chuyên môn, bác sĩ Phong cho hay: “Nếu cho trẻ con đi học thì cũng có nguy cơ nhiễm bệnh”.
Hơn 200.000 học sinh Hà Nam nghỉ học
Từ đầu năm học 2021-2022, Hà Nam thuộc nhóm 25 tỉnh cho học sinh đến trường khai giảng và học tập trung. Học sinh không phải chia đôi lớp hay ngồi giãn cách, nhưng phải đeo khẩu trang ở lớp, sát khuẩn tay sau mỗi tiết và buổi học. Trong năm học này, toàn tỉnh Hà Nam có hơn 211.000 trẻ mầm non và học sinh phổ thông học tập tại 5.318 nhóm, lớp của 376 trường học các cấp. Tuy nhiên, mới đây Hà Nam phát hiện hơn 10 ca nghi nhiễm cộng đồng, UBND tỉnh Hà Nam đã cho toàn bộ học sinh trong tỉnh nghỉ học một tuần, từ 21 đến hết 26/9.
Để trẻ đến trường an toàn trong điều kiện chưa được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, theo bác sĩ Phong điều quan trọng là cần tiêm phòng vắc-xin cho giáo viên, tăng cường giữ vệ sinh: Rửa tay, hướng dẫn ho và hắt hơi đúng cách, mang khẩu trang, tầm soát thân nhiệt, hướng dẫn người nhà theo dõi các triệu chứng nhiễm và không cho trẻ đến trường khi nghi nhiễm.
“Theo tôi, nên tiêm vắc-xin cho các thành viên khác trong gia đình, tránh trường hợp trẻ nhiễm bệnh và trở thành nguồn lây cho các thành viên khác trong gia đình”, bác sĩ Phong bày tỏ.
Trong khi đó, một chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn tại Hà Nội cũng cho rằng, công tác chống dịch tốt, kiểm soát dịch, khống chế dịch tốt thì mới có thể mở lại. “Nếu chưa cảm thấy an toàn, chưa thực hiện các biện pháp an toàn trường học, chưa đảm bảo an toàn thì chưa thể mở được. Để mở được hay không thì lãnh đạo địa phương cần phải có yêu cầu đánh giá chuyên môn”, vị chuyên gia kiểm soát này cho biết.
Tiêm vắc-xin là một trong nhiều tiêu chí để địa phương quyết định
Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: “Chuyện cho trẻ em đến trường hay không và đến trường vào thời điểm nào là do chính quyền địa phương quyết định. Trong khi đó, việc tiêm vắc-xin hay không chỉ là một trong nhiều tiêu chí để địa phương đó quyết định”.
Nhìn nhận dưới góc độ của người công tác trong ngành giáo dục lâu năm, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) bày tỏ: “Khái niệm vùng an toàn hay không an toàn nó mang tính tương đối, có thể hôm nay đã an toàn nhưng ngày mai xuất hiện sự cố có F0 thì trở thành vùng không an toàn. Thực tế đã diễn ra, như ở Hà Nam đã cho học sinh đến trường, nhưng mới học thì lại xuất hiện F0 và lập tức cho toàn bộ học sinh nghỉ học”.
Theo ông Khuyến, hiện nay, học sinh chưa được tiêm và cũng chưa có vắc-xin nên để học sinh quay trở lại trường chưa thực sự đảm bảo.
Ông Khuyến cho rằng Hà Nội cần cân nhắc kỹ lưỡng, có đánh giá kỹ trước khi cho học sinh đến trường ở vùng an toàn. Tránh như Hà Nam cho học sinh đi học rồi có ca lại phải tạm dừng đến trường, như thế mệt mỏi cho cả thầy cô và cả học sinh và rất bị động.
Phải có đánh giá kỹ lưỡng
Ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, hiện nay dịch bệnh ở Hà Nội đã được kiểm soát. Tuy nhiên, để học sinh có thể quay trở lại trường học thí điểm hay không cần phải có đánh giá của các cơ quan chuyên môn. “Theo tôi, người làm công tác y tế phải có đánh giá kỹ lưỡng về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đánh giá nguy cơ. Thêm nữa, khi quay trở lại trường thì phải xem cha mẹ của học sinh đã được tiêm vắc-xin hay chưa, khu vực quay trở lại trường ấy như thế nào, có đảm bảo an toàn hay không? Khi được đến trường thì phải có quy định 5K. Còn khi chưa đảm bảo an toàn thì chưa nên cho quay lại”, ông Nga bày tỏ.
Theo Người Đưa Tin