Hay ăn thịt luộc kiểu này, người phụ nữ phải nhập viện cùng nhiều "sinh vật lạ" trong cơ thể

CTV
Do sai lầm khi ăn thịt lợn luộc, người phụ nữ đã xuất hiện nhiều triệu chứng từ đau bụng, đến ngứa ngáy ở hậu môn, khi đi khám phát hiện nhiễm sán lợn.

Bác sĩ Lê Văn Thiệu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, vừa điều trị cho một bệnh nhân 40 tuổi, ở Hà Nội, nhập viện do bị đau bụng âm ỉ quanh rốn, kèm cảm giác châm chích khó chịu ở vùng hậu môn. Đặc biệt, trong một lần đi ngoài, quan sát phân, bệnh nhân thấy có đốt sán lộ ra ngoài.

Bệnh nhân cho biết, thường xuyên cùng gia đình ăn thịt lợn luộc tái, bên trong vẫn còn màu hồng để thịt ngọt, mềm, có nhiều dưỡng chất. Bác sĩ Thiệu nhận định, đây có thể là nguyên nhân khiến bệnh nhân bị nhiễm sán. Đúng như dự đoán, xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị nhiễm sán dây trưởng thành.

Bác sĩ Lê Văn Thiệu cho biết, thời gian vừa qua có nhiều bệnh nhân tới thăm khám vì nhiễm giun sán. Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp này tự "rước bệnh vào người" vì thói quen ăn đồ sống, tái, không đảm bảo vệ sinh.

Ăn thịt luộc chưa chín kỹ làm tăng nguy cơ gây bệnh liên quan đến ký sinh trùng. Ảnh minh họa. 

Theo bác sĩ Thiệu, thịt lợn luộc là một món ăn ngon và bổ dưỡng, tuy nhiên nó có thể gây nguy cơ nhiễm sán nếu chưa được nấu chín hoàn toàn. Sán lợn (hay còn gọi là sán heo, sán toán) là một loại sán trong họ Fasciolidae, phần lớn sống trong gan của lợn hoặc các loài động vật khác như gia súc.

Khi thịt lợn còn tái, nghĩa là chưa được nấu chín hoàn toàn, các dạng trứng và nang của sán lợn có thể vẫn tồn tại và lây lan vào cơ thể con người thông qua ăn uống. Sán dây lợn là một loại ký sinh trùng có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Khi sán lợn xâm nhập vào cơ thể con người, chúng có thể di chuyển và sinh sống trong gan và túi mật, gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như viêm gan mạn tính, viêm túi mật, sưng gan và giảm chức năng gan.

Các triệu chứng của nhiễm sán lợn có thể bao gồm mệt mỏi, đau thắt ngực, ăn không tiêu, và giảm cân đột ngột. Hơn nữa, việc tiếp xúc với sán lợn còn có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa. Sán lợn sẽ lặn xuống ruột non và gây ra viêm ruột, tiêu chảy và đau bụng nếu không được điều trị kịp thời.

Để phòng bệnh, bác sĩ Thiệu khuyến cáo mọi người cần phải tuân thủ ăn chín, uống sôi. Không ăn đồ tái sống, cần tẩy giun định kỳ đẩy đủ và đi khám sức khỏe định kỳ, trong đó có kiểm tra các bệnh về ký sinh trùng.