Hộ chiếu vaccine COVID-19: Thí điểm nhưng cần cẩn trọng

Ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng hộ chiếu vaccine COVID-19 với hy vọng giúp phục hồi nền kinh tế và đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường. Việt Nam cũng tăng cường nghiên cứu và thí điểm áp dụng hộ chiếu vaccine song việc thực thi các giải pháp đồng bộ đi kèm là rất quan trọng để sáng kiến này thực sự hiệu quả và an toàn.

Sự ra đời của vaccine COVID-19 vào tháng 12/2020 đã làm dấy lên hy vọng rằng việc cấp hộ chiếu vaccine có thể giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế thế giới, đặc biệt là của ngành du lịch và lữ hành. Miễn là vaccine sẽ tạo đủ khả năng miễn dịch và tránh lây truyền, người ta kỳ vọng nó sẽ cho phép người dân di chuyển qua biên gới mà không phải thực hiện các yêu cầu kiểm dịch và thử nghiệm kéo dài.

Hộ chiếu vaccine cung cấp thông tin xác thực có thể được sử dụng để chứng minh rằng một người đã tiêm đủ số mũi vaccine phòng, chống COVID-19, 2 mũi theo đúng quy định của nhà sản xuất, cơ quan quản lý nhà nước. Nó có thể ở dạng giấy chứng nhận hoặc dạng thẻ, app công nghệ…

covid-1626662493.jpg
Hộ chiếu vaccine COVID-19 đang được ngày càng nhiều quốc gia xem xét áp dụng. (Ảnh: Reuters)

Từ góc nhìn quốc tế…

Có thể thấy rõ ràng rằng hơn lúc nào hết, thế giới đang tập trung mọi nỗ lực nhằm bảo đảm dịch bệnh COVID-19 không tiếp tục lây lan, cướp đi các sinh mạng; song song với đó là phục hồi kinh tế và khôi phục lại sự sôi động của giao thương quốc tế. Trong bối cảnh đó, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hộ chiếu vaccine có thể là cơ sở để chúng ta tái thiết hoạt động giao lưu, phá vỡ tình trạng đóng băng của nhiều ngành kinh tế khi đại dịch vẫn đang tiếp diễn. Hộ chiếu vaccine cũng được đánh giá là một con đường nghiêm túc để thúc đẩy du lịch và giao lưu quốc tế. Theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, các hãng hàng không đã chứng kiến tổng doanh thu hoạt động của họ bị cắt giảm 370 tỷ USD vào năm 2020 và sự thiếu hụt đối với lĩnh vực du lịch có lẽ cũng đã vượt quá 1.000 tỷ USD như ước tính của Tổ chức Du lịch Thế giới.

Thêm vào đó, hộ chiếu vaccine cũng có thể là chìa khóa đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường khi nó có thể được cấp cho những người đã tiêm phòng và cho phép họ tham gia các hoạt động cộng đồng, giúp họ yên tâm rằng người bên cạnh mình cũng đã được tiêm phòng, và do đó các quốc gia có thể bãi bỏ việc hạn chế/cấm tụ tập đông người, giúp những địa điểm hay hoạt động cộng đồng trở nên an toàn hơn. Hiện nay, điều kiện tiên quyết để cuộc sống của người dân trên khắp thế giới có thể trở lại trạng thái bình thường, đó chính là việc dỡ bỏ các rào cản phong tỏa đi lại. Vì vậy, nếu một quốc gia đạt ngưỡng “miễn dịch cộng đồng” nhờ tiến hành tiêm phòng trên diện rộng thì rõ ràng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội sẽ là không cần thiết.

Hộ chiếu vaccine cũng giúp tiết kiệm thời gian, nguồn nhân lực và kinh phí liên quan đến việc cách ly khi nhập cảnh vào các quốc gia trên thế giới.

Từ đầu tháng 6/2021, Đức, Hy Lạp, Đan Mạch, Bulgaria, Séc, Croatia và Ba Lan đã triển khai hộ chiếu vaccine, sớm hơn một tháng so với kế hoạch chung của Liên minh châu Âu (EU) là từ ngày 1/7. Đây là hành động để chuẩn bị cho mùa du lịch hè trở lại sau thời gian người dân bị hạn chế đi lại quá lâu để phòng, chống dịch.

Là chứng chỉ hợp nhất kỹ thuật số về tiêm phòng vaccine ngừa dịch COVID-19 của EU, hộ chiếu vaccine được kỳ vọng giúp mở lại biên giới trong khối và các nước thành viên chỉ được phép áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại trong trường hợp ngoại lệ để bảo đảm tình hình dịch tễ. Hộ chiếu này có thể sử dụng khắp các quốc gia EU và được quản lý qua ứng dụng điện thoại để xác định thời gian họ được tiêm vaccine. Nó cũng được chấp nhận ở một số quốc gia nằm ngoài khối như Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ.

Trước đó, nhóm các nước đã chấp nhận hộ chiếu vaccine từ đầu năm 2021 bao gồm: Estonia, Romania, Gruzia, khi họ chấp nhận đón khách quốc tế có chứng nhận tiêm vaccine ít nhất trong vòng 10 ngày mà không cần thực hiện tự cách ly; còn những ai mới chỉ tiêm đủ 2 mũi vaccine trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh vẫn sẽ phải thực hiện 14 ngày tự cách ly.

Ở Đông Nam Á, trưa 1/7, có 25 du khách quốc tế đầu tiên đã đến đảo Phuket của Thái Lan trên chuyến bay của Etihad trong bối cảnh nước này đang nỗ lực khôi phục ngành du lịch bị dịch COVID-19 tàn phá. Phuket trở thành địa điểm đầu tiên ở quốc gia Đông Nam Á mở cửa cho du khách nước ngoài đã tiêm chủng đầy đủ và được chứng nhận không mắc COVID-19 theo một chương trình thí điểm có tên gọi “Hộp cát Phuket”. Chính phủ Thái Lan cũng đã lên kế hoạch từng bước mở cửa lại đất nước cho khách du lịch nước ngoài, bắt đầu với Phuket và sau đó sẽ mở rộng sang các điểm du lịch khác như Koh Samui, Koh Tao và Koh Phangan, cuối cùng là hiện thực hóa mục tiêu mở cửa trở lại đất nước vào tháng 10 tới

covid-2-1626662761.jpg
Phú Quốc dự kiến thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 10/2021. (Ảnh: Khánh Linh)

…và thí điểm tại Việt Nam…

Thông tin từ Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/6 cho thấy khách quốc tế đến nước ta 6 tháng đầu năm 2021 đạt trên 88.200 lượt người, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước. Đó là do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách đến chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.

Cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm, khách đến từ châu Á chiếm 88% tổng số khách quốc tế đến nước ta với số lượng giảm 97,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến từ tất cả các thị trường đều giảm mạnh: Từ Trung Quốc giảm 96%; từ Hàn Quốc giảm 97,8%; từ Đài Loan (Trung Quốc) giảm 96,5%; từ Nhật Bản giảm 97,6%; từ Lào giảm 87,8%... Khách đến từ châu Âu giảm 99% so với cùng kỳ năm trước; khách đến từ châu Mỹ giảm 99%; khách đến từ châu Đại đương giảm 99,4%; khách đến từ châu Phi giảm 94,5%.

Còn Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) thì cho biết ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi COVID-19. Có tới 90% doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn không hoạt động, 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Các doanh nghiệp làm dịch vụ đại lý tour, đại lý bán vé phần lớn cho 100% lao động nghỉ việc. Doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải cho 60 – 90% nhân sự nghỉ việc không lương. Và để có những giải pháp giúp doanh nghiệp du lịch vượt qua "cơn bạo bệnh", cần đưa ra các tiêu chí an toàn đón khách phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như quy định của Việt Nam.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc triển khai hộ chiếu vaccine ở thời điểm này tại Việt Nam là thích hợp. Bởi, hiện nay có nhiều loại vaccine đang lưu hành trên thế giới và có hiệu lực bảo vệ rất khác nhau (từ khoảng 50,2% đến 97%), thời gian bảo vệ cũng khác nhau (từ 6 – 8 tháng). Việc tiêm đủ liều vaccine không có nghĩa là không bị mắc COVID-19.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng các sự kiện khẩn cấp về y tế công cộng Bộ Y tế, thì cho rằng, vừa qua, nước ta đã tính đến triển khai thí điểm hộ chiếu vaccine tại Quảng Ninh. Theo phương án này, người từ nước ngoài nhập cảnh về Quảng Ninh có hộ chiếu vaccine sẽ được giảm thời gian cách ly. Tuy nhiên, nếu triển khai thí điểm hộ chiếu vaccine, phải cảnh giác với hộ chiếu vaccine giả.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã ký quyết định triển khai thí điểm cách ly, quản lý người nhập cảnh, trong đó giảm thời gian cách ly xuống còn 7 ngày đối với đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Theo quyết định này, địa điểm triển khai là tỉnh Quảng Ninh, thực hiện từ ngày 1 – 31/7, áp dụng là người nhập cảnh vào Việt Nam qua tất cả các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam, từ càng hàng không, biên giới đất liền, cửa khẩu tại cảng biển.

Bộ Y tế quy định rõ, người nhập cảnh phải có giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 do cơ quan có thẩm quyền tại nước sở tại tiêm vaccine cấp (vaccine tiêm phòng phải được WHO hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu hoặc Việt Nam cấp phép sử dụng). Liều cuối cùng tiêm vaccine trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh. Quyết định này cũng yêu cầu người nhập cảnh có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 do cơ quan có thẩm quyền của nước điều trị cấp. Thời gian từ lúc xuất viện tính đến ngày nhập cảnh không quá 12 tháng.

Tại phiên họp ngày 11/6, Bộ Chính trị kết luận về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội. Một trong số đó là nghiên cứu cho thí điểm sử dụng Hộ chiếu vaccine với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc (Kiên Giang).

Ngày 22/6 vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã ký văn bản số 4159/VPCP-TKBT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm sử dụng Hộ chiếu vaccine với khách quốc tế và thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc. Văn bản nêu rõ, thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội (văn bản số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 của Văn phòng Trung ương Đảng), Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu cho thí điểm sử dụng hộ chiếu vaccine với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc, Kiên Giang. Nghiên cứu xem xét việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. Sớm xây dựng, công khai chương trình, kế hoạch tiêm vaccine cho người dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng với lộ trình thời gian cụ thể.

Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, phương án, quy trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2021.

Tại cuộc họp với Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên dẫn đầu vào ngày 27/6, UBND tỉnh Kiên Giang đã đề xuất chủ trương thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến nghỉ dưỡng tại thành phố Phú Quốc theo mô hình “Du lịch cách ly khép kín” với điều kiện du khách đã được tiêm vaccine phòng COVID-19. Để từng bước khôi phục ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Phú Quốc, từng bước mở cửa kết nối lại giao thương với các nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh, UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị cho phép tỉnh thực hiện thí điểm đón khách du lịch Liên bang Nga đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 đến Phú Quốc nghỉ dưỡng theo mô hình “Du lịch cách ly khép kín”, thông qua các chuyến bay thuê bao, nghỉ tại một địa điểm, hạn chế di chuyển. Sau đó sẽ tiến hành đánh giá và cho phép mở rộng đón khách du lịch từ các nước đã hoàn thành tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Và để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống trên đảo và nhân viên phục vụ tại các khu, điểm du lịch, kiến nghị cho phép tỉnh Kiên Giang được tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho toàn bộ cư dân thành phố Phú Quốc. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách địa phương và nguồn huy động hợp pháp nếu có.

Để triển khai thực hiện mục tiêu “kép” vừa phát triển du lịch và phòng, chống dịch COVID-19 có hiệu quả, đảm bảo phát huy thế mạnh du lịch Khánh Hòa “Điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã có văn bản số 6248/UBND-KGVX đồng ý về chủ trương xây dựng phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vaccine bằng các chuyến bay charter đến địa phương này.

Theo Sở Du lịch Khánh Hòa, khi phương án đón khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vaccine được cho phép làm thí điểm, Khánh Hòa sẽ ưu tiên nhóm khách nghỉ dưỡng biển, sử dụng dịch vụ du lịch khép kín tại các khu du lịch, chơi golf, ít di chuyển. Có giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 do cơ quan có thẩm quyền tại nước tiêm vaccine cấp (vaccine tiêm phòng phải được Tổ chức Y tế Thế giới hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, Cơ quan quản lý dược phẩm Châu Âu hoặc Việt Nam cấp phép sử dụng); liều cuối cùng tiêm vaccine trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh…

Các chuyên gia du lịch đánh giá, nếu thí điểm thành công và an toàn “hộ chiếu vaccine” với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc thì sẽ nhanh chóng mở rộng ra các điểm du lịch khác. Đó cũng là cơ hội để du lịch Việt Nam đón khách trở lại. Tuy nhiên, việc này cần hết sức cẩn trọng, nhất là trong điều kiện dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp như hiện nay.

covid-3-1626662784.jpg
Việt Nam nỗ lực triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19.  (Ảnh: Khánh Linh)

Thận trọng xem xét áp dụng

Không thể phủ nhận rằng, hộ chiếu vaccine với những ưu việt đã được chỉ rõ là một trong những giải pháp mang tính toàn cầu hiệu quả giúp nối lại giao thương quốc tế, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch, cũng như thiết lập trạng thái bình thường mới cho đời sống xã hội. Tuy nhiên, khi áp dụng hộ chiếu vaccine, không chỉ Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới đều cần có thông tin đầy đủ, phải xem xét để áp dụng hiệu quả, an toàn.

Đặc biệt, hộ chiếu vaccine chỉ có thể phát huy tối đa công dụng khi nó được cấp phát trong quá trình hợp tác giữa các quốc gia, cùng chia sẻ bình đẳng nguồn vaccine cũng như thống nhất về các tiêu chí áp dụng. Trong bối cảnh khi việc thực hiện tiêm phòng vaccine COVID-19 vẫn không đồng đều trên thế giới, các quốc gia cần khẩn trương hợp tác để xây dựng một quy trình vaccine chung cho việc đi lại xuyên biên giới.

Thêm vào đó, các quy trình kiểm dịch cần được tiến hành hài hòa giữa các quốc gia. Và điều quan trọng nữa là các quốc gia cần áp dụng các giải pháp về công nghệ để theo dõi chính xác sự di chuyển của người dân, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu, đồng thời cho phép trao đổi thông tin giữa các quốc gia.

Đối với Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng cho rằng, hộ chiếu vaccine chỉ có hiệu quả khi trong nước đạt được miễn dịch cộng đồng, nghĩa là 70% dân số trở lên được tiêm chủng. Do đó khi áp dụng hộ chiếu vaccine, chúng ta phải lưu ý, xem xét và thông tin đầy đủ để áp dụng, triển khai đảm bảo hiệu quả và an toàn.

Theo ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Hàng không Việt Nam, không thể phủ nhận rằng, hộ chiếu vaccine với những ưu việt đã được chỉ rõ là một trong những giải pháp mang tính toàn cầu hiệu quả giúp nối lại giao thương quốc tế, thúc đẩy phục hồi kinh tế cũng như thiết lập trạng thái bình thường mới cho đời sống xã hội. Hộ chiếu vaccine chỉ có hiệu quả khi trong nước đạt được miễn dịch cộng đồng, nghĩa là 70% dân số được tiêm chủng, do đó việc quan trọng nhất là có đủ vaccine để tiêm cho 70% người trưởng thành. Cần xây dựng các quy trình kiểm dịch khi áp dụng hộ chiếu vaccine và các quy trình này cần được tiến hành hài hòa, thống nhất và đồng bộ.

Ông Võ Huy Cường cũng nhấn mạnh cần xác định là nếu hành khách có hộ chiếu vaccine thì không cần hoặc chỉ cách ly trong thời gian ngắn, không yêu cầu xét nghiệm để tạo điều kiện thuận lợi cho khách. Cần áp dụng các giải pháp về công nghệ để theo dõi chính xác sự di chuyển của người dân, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu, đồng thời cho phép trao đổi thông tin giữa các quốc gia.

Có thể thấy rõ những lợi ích thiết thực mà hộ chiếu vaccine có thể mang lại trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, để sáng kiến này có thể đạt được hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu “kép” vừa phát triển kinh tế và phòng, chống dịch COVID-19, đòi hỏi cần thực thi các giải pháp đi kèm một cách đồng bộ với thái độ thận trọng và quyết tâm ở mức cao nhất.

Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ./.

Tuệ An - báo Đảng Cộng Sản