Hỗ trợ vật tư, máy móc trong các dự án nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng

Đối tượng áp dụng của dự án nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng thuộc chương trình “Không còn nạn đói” sẽ được hỗ trợ theo kinh phí được cung cấp từ ngân sách Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành quyết định số 298/QĐ-BNN-KTHT hướng dẫn thực hiện chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" ở Việt Nam đến năm 2025.

Trước đó, chương trình hành động Quốc gia "Không còn nạn đói" đến năm 2025 được ban hành bởi Thủ tướng Chính phủ để thực hiện mục tiêu đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ dinh dưỡng cho người dân nhằm nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người Việt Nam; đồng thời thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 2 (SDG2) do Chính phủ Việt Nam cam kết với Tổ chức Liên hợp quốc.

Quyết định này quy định việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để thực hiện chương trình "Không còn nạn đói" đến năm 2025 trên địa bàn các xã khu vực II, khu vực III vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; huyện nghèo và các xã còn lại đạt tiêu chí nông thôn mới thấp dưới 10 tiêu chí.

Nguồn kinh phí thực hiện chương trình được lấy từ Ngân sách trung ương được bố trí kinh phí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" được thực hiện dựa trên các dự án nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng; các lớp tập huấn cho cán bộ, các lớp tập huấn cho người dân và những nội dung tuyên truyền được phân chia đầy đủ dựa theo đối tượng áp dụng, nguyên tắc điều kiện thực hiện để phù hợp với những kế hoạch đã đề ra.

Cụ thể, hộ có trẻ em dưới 2 tuổi, hộ có bà mẹ mang thai; hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hộ thiếu lương thực, thực phẩm là những đối tượng được áp dụng đối với mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng với nguyên tắc đảm bảo công khai, dân chủ, bình đẳng giới, có sự tham gia và cam kết của người dân trong việc xây dựng và thực hiện dự án.

Kết hợp cùng với đó là các lớp học tập huấn và các nội dung tuyên truyền đến người dân ở vùng dự kiến thực hiện dự án, về thông tin, chính sách của chương trình, thông tin về tình trạng dinh dưỡng ở Việt Nam, đặc biệt là đối tượng trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi và các giải pháp can thiệp dinh dưỡng.

Định mức kinh tế kỹ thuật đối với việc xây dựng dự án nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng được áp dụng theo định mức kinh tế kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền ban hành và phù hợp với điều kiện, đặc điểm, quy mô, tính chất của từng dự án.

Các hộ gia đình tham gia dự án sẽ được hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ các loại giống cây trồng vật nuôi, vật tư, công vụ máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, tập huấn kỹ thuật theo định mức kinh tế kỹ thuật đó tùy theo nguồn kinh phí được bố trí.

Nội dung xây dựng dự án nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng bao gồm 3 bước chính: Công tác chuẩn bị, đánh giá hiện trạng và xác định nhu cầu sản xuất và lập dự án. Theo đó sau khi hoàn thành điều tra, các dự án sẽ được lập ra với mục đích cụ thể về sản xuất nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng.

Từ đó để lựa chọn ra giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, điều kiện phát triển của địa phương và nêu rõ các nội dung được hỗ trợ, trong đó bao gồm các nguồn hỗ trợ từ nhà nước, đóng góp của người dân và các nguồn vốn khác.

Các dự án sau đó sẽ được thẩm định đề cương nhiệm vụ bởi Cục Kinh tế hợp tác và PTNT. Việc tổ chức thực hiện được phân công cho Cục Kinh tế hợp tác và PTNT và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo "Không còn nạn đói" ở Việt Nam; Vụ Tài chính và các đơn vị liên quan.