Hóa chất vĩnh cửu "xâm chiếm" toàn bộ trái đất, chuyên gia chỉ cách phòng ngừa hiệu quả nhất

"Hóa chất vĩnh cửu" vô hình, có mặt khắp nơi, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Vì vậy, ngày càng có nhiều lời kêu gọi cấm chúng.

Có hơn 4.000 hóa chất vĩnh cửu (PFAS) trong đời sống hàng ngày, trong đó có nhiều chất gây ung thư. Các nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng hiểu đầy đủ về tác động của chúng với sức khỏe.

PFAS là gì? Và 2 "thủ phạm" nguy hiểm nhất

Các chất Per- và polyfluoroalkyl (PFAS) là các hóa chất tổng hợp được phát triển lần đầu tiên vào những năm 1940 để chịu được nhiệt độ cao cũng như chống thấm nước và dầu mỡ.

Kể từ đó, chúng đã được sử dụng trong rất nhiều sản phẩm gia dụng và công nghiệp, như: Bao bì thực phẩm, đồ trang điểm, vải chống thấm, nồi, chảo chống dính và bọt dùng để chữa cháy.

Bởi vì PFAS mất rất nhiều thời gian để phân hủy (nên có biệt danh "hóa chất vĩnh cửu"), trong nhiều năm, chúng đã thấm vào đất và nước ngầm, xâm nhập vào chuỗi thức ăn và nước uống của chúng ta.

Những hóa chất này hiện nay đã được phát hiện ở hầu hết mọi nơi trên Trái đất, từ đỉnh núi Everest cho đến bên trong máu và não người.

hoa-chat-nguy-hiem-co-khap-noi-tren-trai-dat-va-cach-phong-ngua-1-1712654003.jpg
Các nguồn hóa chất vĩnh cửu cho thấy chúng đã "xâm chiếm" trái đất này. Ảnh minh họa: Internet

Hai hợp chất PFAS được nghiên cứu nhiều nhất đã bị cấm hoặc hạn chế ở nhiều quốc gia, mặc dù chúng vẫn có thể được phát hiện trong môi trường.

Axit perfluorooctanoic (PFOA), từng được sử dụng để sản xuất lớp phủ chống dính Teflon cho dụng cụ nấu nướng. Nó đã được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) xếp vào loại “gây ung thư cho con người”. WHO cho biết có “đầy đủ bằng chứng” cho thấy PFOA gây ung thư cho động vật trong các thí nghiệm, cũng như “bằng chứng hạn chế” về ung thư tế bào thận và tinh hoàn ở người.

Axit perfluorooctane sulfonic (PFOS) - từng là thành phần chính trong chất bảo vệ vải Scotchgard - "có thể gây ung thư cho con người". IARC cho biết có rất ít bằng chứng về bệnh ung thư ở động vật nhưng "không đủ bằng chứng liên quan đến bệnh ung thư ở người".

Các vấn đề sức khỏe

Nhìn rộng hơn, các nghiên cứu quan sát cho thấy rằng việc tiếp xúc với hóa chất PFAS làm tăng tỷ lệ ung thư, béo phì, bệnh tuyến giáp, gan và thận, cholesterol cao hơn, nhẹ cân, vô sinh và thậm chí phản ứng thấp hơn với vaccine. Nhưng những nghiên cứu như vậy không thể chứng minh rằng các hóa chất trực tiếp gây ra các vấn đề sức khỏe này.

Và mức độ rủi ro có thể khác nhau rất nhiều tùy thuộc vào nồng độ PFAS mà mọi người tiếp xúc. Hầu hết mọi người trên Trái đất đều có ít nhất một ít PFAS trong cơ thể.

Theo IARC, những người có nguy cơ phơi nhiễm PFAS nghiêm trọng nhất là những người trực tiếp làm việc với hóa chất trong khi sản xuất sản phẩm.

Nồng độ phơi nhiễm PFAS có nguy hiểm cho sức khỏe hay không vẫn còn là vấn đề tranh luận. Trước đây, nhiều quốc gia đã quy định rằng hàm lượng PFAS dưới 100 nanogram trong mỗi lít nước máy là an toàn. Nhưng Mỹ đã đề xuất hạ giới hạn xuống 4 nanogram PFOA và PFOS/lít - và EU đang xem xét làm theo.

hoa-chat-nguy-hiem-co-khap-noi-tren-trai-dat-va-cach-phong-ngua-1712653962.jpg
Dùng nước lọc là một trong những cách để bạn hạn chế nạp hóa chất vĩnh viễn vào người. Ảnh minh họa: Internet

Năm ngoái, một cuộc điều tra trên truyền thông đã phát hiện mức PFAS trên 100 nanogram/lít tại 2.100 địa điểm trên khắp Châu Âu và Vương quốc Anh. Theo cuộc điều tra, nồng độ này đã tăng lên hơn 10.000 nanogram tại 300 địa điểm.

Điều làm phức tạp thêm tình hình là các hợp chất PFAS mới vẫn đang được phát triển. Giới chuyên gia cảnh báo rằng khi các nhà sản xuất loại bỏ dần các hợp chất được xác định là nguy hiểm, đôi khi, họ sẽ thay thế nó bằng một chất khác trong họ PFAS ít được nghiên cứu hơn.

Bạn có thể làm gì?

Các nhà môi trường và chuyên gia y tế trên khắp thế giới gióng lên hồi chuông cảnh báo về hóa chất vĩnh cửu. Mới đây, nghị sĩ Pháp Nicolas Thierry sẽ giới thiệu một dự luật – nếu được thông qua – sẽ cấm PFAS không cần thiết ở Pháp từ năm 2025.

Liên minh Châu Âu cũng đang xem xét lệnh cấm PFAS trên toàn Châu Âu từ đầu năm 2026.

Đối với mọi người, gần như không thể tránh khỏi việc tiêu thụ một lượng PFAS rất nhỏ. Các chuyên gia khuyên bạn nên giảm tiếp xúc với dụng cụ nấu chống dính và bao bì thực phẩm chống dầu mỡ như giấy gói thức ăn nhanh. Tránh sử dụng các loại mỹ phẩm có hiệu quả "lì, lâu trôi" vì chúng có chữa PFAS.

Uống nước lọc hoặc nước đóng chai và bảo quản thức ăn thừa trong hộp đựng bằng thủy tinh, chứ không phải hộp nhựa cũng giúp ích cho bạn.

Xem thêm: Uống cà phê trước khi ngủ trưa, bạn sẽ nhận được tác dụng bất ngờ

Bảo Linh (japantoday)