Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020: Các trường đại học tự chủ tuyển sinh

Sự thay đổi của kỳ thi THPT vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để trường đại học nhìn nhận lại công tác tuyển sinh, đồng thời đẩy nhanh quá trình tự chủ.

Năm nay, bộ GD&ĐT vẫn tổ chức kỳ thi THPT nhưng tập trung cho mục đích xét tốt nghiệp, đánh giá mặt bằng chất lượng học sinh phổ thông cả nước.

Theo các chuyên gia và đại diện một số trường, sự thay đổi này sẽ đặt ra thách thức lớn, đồng thời là cơ hội đẩy mạnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh, đào tạo.

Dù vẫn chưa có thông tin cụ thể về hình thức, số môn thi và nội dung của kỳ thi tốt nghiệp THPT, PGS Nguyễn Hội Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng, sự thay đổi mục đích cơ bản của kỳ thi là thách thức lớn với nhiều trường đại học trong công tác tuyển sinh.

Sự thay đổi của kỳ thi THPT vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để trường đại học nhìn nhận lại công tác tuyển sinh. Ảnh: Thanh niên

"Các trường phía dưới lâu nay vẫn tuyển sinh dựa vào kết quả học bạ là chính nên tính chất kỳ thi thay đổi sẽ không ảnh hưởng nhiều. Các trường tốp trên phụ thuộc nhiều vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia sẽ bị ảnh hưởng", PGS Nghĩa nhận định.

Tuy nhiên, các trường đại học chủ động tổ chức hoặc tham gia sử dụng kết quả thi riêng sẽ "vững vàng" trước sự thay đổi này.

"Chắc chắn những trường này sẽ có sự điều chỉnh chỉ tiêu giữa các phương thức tuyển sinh. Theo tôi, các trường sẽ tăng chỉ tiêu tuyển bằng kỳ thi riêng lên mức tối đa. Cùng đó, họ giảm chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc có thể không sử dụng", ông Nghĩa dự đoán.

Sự thay đổi của kỳ thi THPT vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để trường đại học nhìn nhận lại công tác tuyển sinh. Điều này đẩy nhanh quá trình tự chủ.

Đồng ý với quan điểm này, TS Trần Đình Lý - Phó hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng đây là lúc các trường đại học thể hiện năng lực tự chủ, chọn phương thức phù hợp, lấy chất lượng làm đầu, giữ uy tín, thương hiệu. Nếu không, trường sẽ tự đào thải.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng, phương án này quá gấp gáp, đột ngột với cả học sinh và các trường THPT.

“Trong thời điểm dịch bệnh, chúng ta đang tính đến một kỳ thi giúp giảm áp lực cho học sinh, nhưng thực chất lại không hề giảm, mà dường như đang tạo thêm áp lực cho các em. Nếu kỳ thi này phục vụ mục đích chính là xét tốt nghiệp, việc tuyển sinh do các trường đại học tự chủ, học sinh sẽ phải trải qua 2 kỳ thi thay vì 1 kỳ thi như trước kia.

Dù dễ hay khó, đây cũng là một kỳ thi, yêu cầu có khác nhau, các môn thi khác nhau, nhưng áp lực của học sinh không hề giảm mà còn tăng”.

Thầy Nguyễn Quốc Bình nhấn mạnh rằng, đề thi minh họa mà Bộ đã công bố trước đó hoàn toàn đáp ứng được cả mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Nội dung kiến thức đã được giảm tải, học sinh hoàn toàn có thể đáp ứng trong điều kiện học online như hiện nay. Song nếu thay đổi mục tiêu của kỳ thi sang xét tốt nghiệp THPT, Bộ sẽ phải công bố một bộ đề thi minh họa mới để học sinh dễ dàng ôn tập.

“Hiện nay các trường và học sinh đều phải chạy theo thay đổi liên tục của bộ thực sự rất mệt mỏi”, thầy Bình nói.