Hàng loạt vụ lừa đảo với số tiền từ hàng trăm triệu lên tới hàng chục tỉ đồng bị phanh phui khiến cộng đồng chơi lan thực sự chao đảo. Thực trạng rất đáng trăn trở bởi lẽ với xu hướng quen thuộc của truyền thông (phản ánh tiêu cực thì nhiều mà điều tích cực lại hiếm hoi), công chúng rất dễ hình thành định kiến sai lệch khi chưa thực sự có cái nhìn khách quan, đa chiều, nhất là ở trong lĩnh vực yêu cầu nhiều kiến thức chuyên sâu như lan đột biến.
“Thú chơi lan” hay “than trời: Lú!”?
Người Việt từ xưa đã truyền miệng nhau câu nói “Vua thưởng lan, quan thưởng trà”. Thế kỉ XIII, vì mê đắm vẻ đẹp của hoa lan, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã làm cả một khu vườn trồng hàng trăm loài hoa lan, đặt tên là “Ngũ bách lan viên”. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, có lẽ dân ta chỉ thờ ơ được với hoa lan khi đất nước loạn lạc vì chiến tranh, đói kém.
Rồi đến lúc đủ đầy, khi mà cuộc sống không còn chỉ xoay quanh chuyện cơm ăn áo mặc, người Việt lại tìm đến thứ hương và vẻ đẹp thanh quý, bất phàm ấy. Thời gian trôi theo dòng chảy một chiều, theo đó mọi thứ dần đổi thay, thú chơi lan của ta cũng không ngoại lệ. Phong trào lan đột biến (lan var) nở rộ thời gian gần đây cũng là một hệ quả của sự phát triển vượt bậc về kinh tế đất nước trong nửa cuối thập kỉ vừa qua. Lần đầu tiên xuất hiện những “kie” lan được định giá tới hàng tỉ đồng khiến dư luận hết sức tò mò. Nhiều ý kiến cho rằng đó chỉ là một chiêu trò marketing dạng lừa đảo hòng o bế giá trị của một dòng lan lên chín tầng mây để trục lợi, nhưng cũng có người nói rằng chúng đắt đơn giản vì hiếm và đẹp. Vậy sự thật nằm về phía bên nào của cán cân? Xin thưa với các bạn độc giả rằng: Sự thật nằm ở giữa.
Cây hoa lan nói riêng và thực vật nói chung, có thể xảy ra quá trình biến dị sinh học với một tỉ lệ nhất định. Đa số đột biến gene là đột biến lặn và có hại, chỉ một số ít là có lợi. Tuy nhiên, số đột biến lợi ít ỏi đó lại có ý nghĩa rất lớn đến quá trình tiến hóa và chọn giống. Những cây lan mang gene hoặc nhiễm sắc thể đột biến đã biểu hiện trên kiểu hình được gọi chung là lan đột biến, và chia thành hai loại.
Loại thứ nhất là biến dị tổ hợp, nghĩa là chúng được sinh ra từ kết quả của tái tổ hợp ngẫu nhiên cùng tương tác đặc thù của gene bố mẹ, dẫn đến một vài đặc tính khác lạ hoặc vượt trội hẳn bố mẹ. Hiện tượng này khá bổ biến trong tự nhiên, khi tiến hành nhân giống thì các đặc tính lạ của cây lan sẽ mất dần theo thời gian.
Loại thứ hai là biến dị đột biến, xuất hiện một cách đột ngột ngẫu nhiên, không định hướng, hoàn toàn khác biệt với gene của bố mẹ. Khả năng di truyền trong tự nhiên của chúng còn tùy vào loại mô hoặc tế bào của cây. Những cây đột biến có lợi ở dạng này đặc biệt vô cùng hiếm, phải may mắn lắm mới có thể tìm thấy.
Như vậy, giá trị của cây lan var thực sự có bị thổi phồng, phóng đại hay không còn tùy thuộc vào dạng đột biến, khả năng nhân giống cũng như di truyền trong tự nhiên của chúng.
Trong buổi hội thảo Phát triển Hoa Cây cảnh - Ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp, GS.TSKH Trần Duy Quý (Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác Khoa học Kỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương kiêm Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam) phát biểu “Tôi làm 50 năm đột biến về lúa, tôi chỉ can thiệp được đến một vài dấu hiệu: Thứ nhất hạt to lên, thứ hai hạt đang cứng thành dẻo, thứ ba không thơm thành thơm và thứ 4, đang mềm cây thành cứng cây. Từ những dấu hiệu đó anh lại phải lai lại để kết hợp các đặc tính, sau 50 năm tôi và các đồng nghiệp mới tạo ra được 30 giống lúa, trong đó có giống lúa nổi tiếng phát triển đến 36 nước, riêng giống này 25 năm mới ra được. Các anh có thể tạo ra rất nhiều đột biến khi chơi hoa cây cảnh như khảm đá, bông thụt, bông thò, bông lốm đốm, nhưng để thuần khiết mà chơi như anh em lan var, người ta quy định là: 5 cánh trắng, hậu sạch, cánh tuyết, vàng ngà, mũi trắng … Kết hợp hoàn mỹ toàn bộ các dấu hiệu này thì chỉ có đột biến tự nhiên và qua chọn lọc hàng nghìn năm mới có, cho nên nó mới đắt và quý. Nếu hiểu sâu sắc như thế thì không có gì là lạ”.
Tuy nhiên, có thể nói thị trường lan đột biến hiện nay đang khá loạn, nhiều giống lan không hiếm, thậm chí không đột biến nhưng được các nhà vườn và cá nhân thiếu uy tín thổi phồng giá trị. Nhiều nhà đầu tư thiếu kiến thức nhưng lại muốn giàu thật nhanh, tin vào những lời đường mật ấy để rồi tự mình rơi vào cảnh lao đao, bắt đầu từ “thú chơi lan” và khi bước ra khỏi cuộc chơi thì “than trời: Lú!”
.
Tiếng thở dài của “Thần tiên tỉ tỉ”
Sau khi đi thăm một số vườn lan có tiếng ở Hà Nội và TP.HCM, tiếp xúc với các chủ vườn cũng như nhiều chuyên gia trong ngành, nhận thấy nếu “thần tiên tỉ tỉ” ở Trung Quốc là một diễn viên xinh đẹp được nhiều người mến mộ, thì ở Việt Nam nàng ấy đích thị là … lan var: Sắc vóc tựa thần tiên và trị giá tỉ tỉ đồng. Nhưng dù ở đâu, chỉ cần nàng khẽ thở dài thôi là giới anh hùng tự khắc xôn xao chao đảo.
Ngày xưa thế hệ cha anh chúng ta đã phải “xẻ dọc dãy Trường Sơn” để tìm độc lập, thì đến ngày nay nhiều người cũng đã phải in dấu giày ở cả ba miền đất nước để săn được cây lan quý. Sau hàng loạt vụ bê bối có dấu hiệu lừa đảo được đưa tin rộng rãi thời gian vừa qua, thị trường lan đột biến đang phát triển mạnh bỗng dưng đứng khựng lại như một cậu thanh niên trẻ vừa bước qua giai đoạn cuối của tuổi dậy thì.
Anh Trương Tấn Lợi là chủ vườn một lan lớn ở TP.HCM, cũng là một trong những người đặt nền móng đầu tiên cho phong trào lan đột biến trên cả nước, ngậm ngùi chia sẻ với phóng viên “Tôi săn lan đột biến từ năm 2013, đi không biết bao nhiêu tỉnh thành, gặp gỡ những chuyên gia đầu ngành về lan mà đến nay cũng chỉ tìm được một vài giống đột biến hội tụ đủ các tiêu chí, đếm trên đầu ngón tay. Sự việc vừa qua đúng là oan gia cho những người chơi lan chân chính. Chúng tôi yêu cái đẹp, đam mê hoa lan, nghiên cứu bằng tâm huyết và đầu tư một cách bài bản, rồi chỉ vì vài con sâu mà khiến cả một cộng đồng bị dư luận xấu bủa vây”.
Tuy nhiên, anh Lợi vẫn rất lạc quan khi nói về tiềm năng phát triển của thị trường lan var trong tương lai “Chúng tôi không hề nao núng, những anh em đã bỏ công nghiên cứu về lan thì họ sẽ hiểu. Người yêu hoa lan trên đất nước này nhiều lắm. Mà kể cả không mở rộng, chúng tôi vẫn có thị trường riêng. Tinh thần của tôi là không bán được thì chơi, vì suy cho cùng thì hoa vốn dĩ sinh ra là để ngắm, để ngửi. Hàng ngày được nuôi dưỡng đam mê, nhìn nó phát triển và ra hoa đẹp cũng vui rồi. Cái gì thực sự có giá trị thì chúng ta không cần tìm cách chứng minh, thời gian sẽ làm điều đó”.
Phùng Duy