Lê Hàn Tuệ Lâm là gương mặt nữ trẻ hiếm hoi trong giới Venture Capital (đầu tư mạo hiểm) hiện nay. Không chỉ đảm nhiệm chức Giám đốc đại diện của quỹ Nextrans tại Việt Nam, phụ trách thị trường Đông Nam Á và Mỹ, Tuệ Lâm còn gây chú ý khi trở thành một trong ba gương mặt Việt Nam được tạp chí Forbes công bố danh sách “30 Under 30” khu vực châu Á năm 2021.
Trong giới khởi nghiệp, cô để lại ấn tượng như một “bông hồng có gai” thông minh, sắc sảo và luôn nhiệt thành chia sẻ cho cộng đồng startup. Nhân dịp năm mới, Lê Hàn Tuệ Lâm đã có cuộc trò chuyện cùng PV Phụ nữ và Pháp luật, chia sẻ những góc nhìn về thời cơ, thách thức cho các startup trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay.
PV: Xin chào Tuệ Lâm! Trong năm qua, “làn sóng” dịch Covid-19 đã có những tác động không nhỏ tới hệ sinh thái khởi nghiệp cũng như hoạt động của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Bạn nhìn nhận ý nghĩa của những tác động đó như thế nào?
Lê Hàn Tuệ Lâm: Nói về khó khăn, đây cũng là bối cảnh chung, năm nay, chẳng có doanh nghiệp nào tránh được ảnh hưởng từ đợt dịch Covid-19 vừa qua, thách thức thì ngành nào cũng gặp phải, chẳng qua khác nhau ở mức độ, quy mô như thế nào.
Có thể bên cạnh những ngành cho dù có cố gắng bao nhiêu cũng không tránh khỏi tổn thất như du lịch, dịch vụ khách sạn...; thì cũng có những ngành may mắn được hưởng lợi ngay từ trong bối cảnh dịch bệnh như y tế, công nghệ giáo dục... Bản chất ở đây, ngành nào phát triển là do có được đà và sức bật tốt hơn so với các ngành nghề khác, những lĩnh vực mà vì dịch bệnh, bắt buộc phải diễn ra nhanh hơn so với mức bình thường.
Chẳng hạn như giáo dục, khám bệnh từ xa, thương mại điện tử... bình thường, người ta sẽ mất từ 2-3 năm để thích nghi với sự thay đổi, còn trong bối cảnh này, có thể chỉ sau 2-3 tháng, thói quen người dùng cũng đã thay đổi. Đó gọi là trong khó khăn, cũng có những thay đổi tích cực.
Khi kiểm soát được dịch, chúng ta đồng thời hiểu được rằng, thói quen của người tiêu dùng, thói quen của đa phần mọi người đều thay đổi. Và tất cả những sự thay đổi đều tạo ra cơ hội. Chẳng hạn, người ta chuyển từ các hoạt động offline sang online: từ đi chợ bình thường sang đi chợ online, từ học trực tiếp sang học trực tuyến, thay vì đi xem phim ở rạp thì có thể xem trên Netflix, vừa rẻ hơn lại đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh.
Chính vì mọi thay đổi đều tạo ra cơ hội, nên chăng, sau khi kiểm soát được dịch bệnh, tôi cho rằng, nếu bên nào nắm bắt được sự thay đổi và đi theo xu hướng đó thì sẽ tận dụng được, đi từ thách thức, biến thành thời cơ cho mình.
PV: Vậy Tuệ Lâm có lời khuyên nào dành cho các startup để giảm thiểu tổn thất khi đương đầu với đại dịch?
Lê Hàn Tuệ Lâm: Với các startup, câu chuyện chuyển hướng dễ hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp lớn thì không thể nói bỏ là bỏ được, không thể nói thay là thay được, không thể nói chuyển hướng là chuyển hướng ngay được.
Trước bối cảnh dịch bệnh, có thể liên tưởng giống như một khúc cua, với startup, nhìn theo khía cạnh tích cực, thì nếu cần chuyển đổi, họ sẽ làm rất nhanh, giống như người đi bộ với đi xe đạp, khi cần là có thể chuyển hướng được luôn. Và việc đó diễn ra không mất quá nhiều cả về chi phí cơ hội lẫn sức lực con người, trong khi đó, với các doanh nghiệp lớn thì bài toán sẽ phức tạp hơn rất nhiều.
Đó là điểm lợi của các startup, nhưng cũng không thể không kể đến những khó khăn, bởi, với startup thì vấn đề bao giờ cũng là tiền. Không có đủ nguồn vốn, không có đủ nguồn nhân lực để theo đuổi, thì cho dù họ nhìn thấy cơ hội và chuyển khúc cua rồi, nhưng liệu họ có còn đủ nhiên liệu để đi tiếp hay không?
Tất nhiên, cho dù là với startup hay với các doanh nghiệp lớn, mỗi chủ thể sẽ có những khó khăn nhất định. Với startup, có thể tốc độ là thế mạnh của họ, nhưng cùng lúc đó, nguồn lực phải được tận dụng một cách tối đa, họ phải chạy nhanh hết sức có thể trước khi hết nhiên liệu. Còn các doanh nghiệp lớn thì ngược lại. Có thể họ dồi dào về mặt nguyên liệu nhưng để chuyển hướng và đi sẽ lại rất chậm.
Tuy nhiên, trên thực tế, kể cả có nhìn ra cơ hội, các startup cũng không thể ngay lập tức chuyển làn, bởi mô hình kinh doanh không thể dễ dàng chuyển sang một ngành khác. Giống như câu chuyện một người đang làm trong lĩnh vực thời trang không thể chuyển sang làm giáo dục được.
Chính vì vậy, dù có những ngành được hưởng lợi, có những ngành gặp bất lợi, nhưng, không thể vì thế mà bắt trend, bởi vì nó liên quan trực tiếp đến mô hình kinh doanh và lĩnh vực mà startup đó đang là chuyên môn.
Đối với những startup chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo tôi, việc đầu tiên cần làm là phải phục hồi, cần phải lấy lại được đà tăng trưởng là đã tốt lắm rồi, chứ đừng hy vọng vào việc bắt trend, chuyển ngành.
Có chăng, với nhà đầu tư thì sẽ khác. Bởi vì họ đầu tư đa ngành, đa nghề, nên trước dịch thì danh mục của họ đang tập trung đầu tư vào những lĩnh vực này, nhưng sau dịch có thể chuyển sang lĩnh vực khác, hoặc đa dạng hóa hơn. Còn với các startup, đợt dịch này cũng giống như một “cuộc sàng lọc”, để các bạn thể hiện khả năng phục hồi, duy trì sức sống từ chính lĩnh vực mà bản thân đã lựa chọn.
PV: Chiến lược “chọn mặt gửi vàng” của Tuệ Lâm đối với các startup trong giai đoạn này có gì đặc biệt hơn so với trước đây không?
Lê Hàn Tuệ Lâm: Dù có dịch Covid-19 hay không thì các tiêu chí lựa chọn đầu tư của tôi hay Nextrans sẽ không có gì thay đổi. Vẫn là 3 tiêu chí cơ bản: Thứ nhất là về con người (đội ngũ sáng lập có thực sự là những “người được chọn” để là lĩnh vực đó hay không?), thứ hai là về thị trường và cuối cùng là sản phẩm hoặc dịch vụ mà họ cung cấp. Dù trước, trong hay sau dịch thì những tiêu chí này vẫn đều quan trọng như nhau.
Tuy nhiên, sau dịch, sẽ có sự cân nhắc để chọn ngành nghề nào, lĩnh vực nào có thể đổ nguồn quỹ vào nhiều một chút so với lĩnh vực khác. Giả sử, thời điểm hiện nay, nếu đặt cược vào ngành du lịch, khách sạn thì sẽ hơi khó khăn, bởi vì ta chưa biết khi nào thị trường sẽ mở cửa trở lại... Vậy nên, chúng tôi sẽ hạn chế tối đa đầu tư vào những lĩnh vực đó. Đồng thời, nguồn vốn trước đây đầu tư cho lĩnh vực đó, sẽ được trải sang các lĩnh vực khác tiềm năng hơn, như công nghệ giáo dục, y tế, công nghệ bất động sản, công nghệ nông nghiệp... Và việc lựa chọn đầu tư cũng tùy thuộc khẩu vi của mỗi quỹ, bởi, sau dịch, mỗi quỹ sẽ có chiến lược phát triển riêng.
PV: Cảm ơn Tuệ Lâm về cuộc trò chuyện!