Lên Tây Bắc ngắm “mỹ nhân” quên lối về

Vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc đã đi vào thơ ca rất nhiều, người ta ví Tây bắc giống như một nàng “mỹ nhân” cũng không quá. Khung cảnh hùng vĩ nơi đây khiến chúng ta cứ muốn ngắm nhìn mãi không muốn rời mắt.
Từ lâu, cánh đồng lúa chín vàng của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) được nhiều khách du lịch biết đến là nơi có phong cảnh đẹp hữu tình, thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan, trải nghiệm. Vào giữa tháng 9 – cuối tháng 10 dương lịch hằng năm, cánh đồng lúa này như thang bậc khổng lồ dát vàng nối nhau tầng tầng, lớp lớp giữa sương trắng mờ ảo.
 
Huyện Mù Cang Chải nổi tiếng với những cánh đồng lúa bậc thang chín vàng trải dài khắp các triền núi, thu hút hàng chục nghìn lượt du khách tham quan mỗi năm.
 

 
Những thửa ruộng bậc thang cùng với những ngôi nhà của bà con dân tộc thiểu số vùng cao nhấp nhô trên các sườn núi trông thật tuyệt đẹp.
 
Cánh đồng lúa nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao 1.000 m so với mặt biển. Người ta gọi đây là "Cánh đồng mỹ nhân" bởi vẻ đẹp lung linh của nó... Muốn đến được huyện Mù Cang Chải phải đi qua đèo Khau Phạ là một trong tứ đại đèo của Tây Bắc, nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 300km. Vào thời điểm lúa chín vàng từ giữa tháng 9 - 10, những cánh đồng của bà con dân tộc thiểu số vùng cao luôn tấp nập đón khách thập phương đổ về chiêm ngưỡng và chụp ảnh lưu niệm.
 
 
 Một góc lán trông ruộng của bà con dân tộc Mông huyện Mù Cang Chải giữa lưng chừng núi hoang sơ.
 
 
Mặc dù huyện Mù Cang Chải còn nghèo nhưng thiên nhiên lại ưu đãi vùng đất này những cảnh sắc tự nhiên vô cùng hùng vĩ, đẹp đến nao lòng.
 

 
Chiếm 90% dân số toàn huyện, người Mông ở Mù Cang Chải sống trên các sườn đồi núi cao, đoàn kết thành cộng đồng thôn bản. Họ có nền văn hóa dân gian phong phú, các nghi thức lễ hội: Gầu tào, lễ cúng cơm mới, lễ cưới hỏi, các lời ru, tiếng hát, điệu khèn, điệu múa, tiếng sáo... mang nhiều ý nghĩa, chứa đựng tình tứ, ẩn hiện hoà quyện với thiên nhiên đất trời làm say đắm lòng người.
 

 
Các thửa ruộng bậc thang trải dài trên khắp sườn núi, tạo nên một quang cảnh nên thơ nơi núi non trùng điệp. Chính vì vậy mà những cánh đồng Mù Cang Chải được khách du lịch ví như "mỹ nhân" của vùng Tây Bắc.
 
 
Vào tháng 9 - cuối  tháng 10 là thời điểm đẹp nhất để du khách đến du lịch và khám phá phong cảnh thiên nhiên và nét đẹp văn hóa độc đáo của bà con dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn huyện Mù Cang Chải.
 
 
Đến với huyện Mù Cang Chải dù chỉ một lần du khách cũng cảm nhận được sự giàu có của thiên nhiên, sự đặc sắc của văn hóa, ấm áp của tình người.
 
Đường lên Mù Cang Chải tuy xa và khó khăn song lại rất thú vị, quang cảnh thay đổi liên tục với những con đường quanh co, uốn khúc trên các sườn đồi dốc như những dải lụa. Du khách sẽ cảm nhận rõ nét sự thay đổi của độ cao, hai bên đường là những triền ruộng bậc thang rực sắc vàng làm choáng ngợp lòng người.
 
Theo Hà Hoàng/Dân Việt