Bảo vệ phổi, dạ dày
Sự kết hợp của các chất dinh dưỡng như flavonoid, xanthin và lutein trong đậu bắp có tác dụng hiệu quả trong việc bảo vệ phổi.
Trong khi đó, các chất pectin, galactan… trong đậu bắp lại hỗ trợ tiêu hóa, điều trị viêm dạ dày và loét dạ dày, giúp bảo vệ đường ruột và cơ quan tiêu hóa. Chất mucin do đậu bắp tiết ra còn có tác dụng bảo vệ thành dạ dày, thúc đẩy tiết dịch vị, tăng cảm giác thèm ăn.
Tốt cho đôi mắt, giúp làn da khỏe mạnh
Đậu bắp chứa hàm lượng lớn vitamin A, β-carotene,… rất có lợi cho sức khỏe của võng mạc. Đối với thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và những người thường xuyên phải sử dụng máy tính, việc ăn nhiều đậu bắp là một cách hữu hiệu để tăng cường thị lực.
Vitamin và chất xơ hòa tan có trong đậu bắp lại giúp tăng cường sức khỏe làn da, làm da trắng, mịn màng. Đậu bắp còn chứa nhiều β-carotene giống như trong cà rốt, có thể bảo vệ da, giảm tác hại của các gốc tự do và chống lão hóa.
Giảm tình trạng táo bón và các bệnh về tiêu hóa
Hàm lượng chất xơ và nhiều dưỡng chất có trong chất nhờn của đậu bắp rất hữu ích để giải quyến tình trạng táo bón. Việc ăn hoặc uống nước đậu bắp thường xuyên sẽ giúp quá trình xử lý thức ăn thừa hoặc chất thải trong hệ tiêu hóa diễn ra thuận lợi hơn.
Ngăn ngừa ung thư miệng
Đậu bắp có hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào, giúp duy trì và ổn định sức khỏe răng miệng, ngăn ngừa ung thư miệng.
Ngăn ngừa nguy cơ dị tật bẩm sinh
Đậu bắp tươi cung cấp lượng folate cao, rất tốt cho sức khỏe thai phụ, giúp ngăn ngừa nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
Tăng độ chắc khỏe cho xương
Vitamin K có trong đậu bắp sẽ giúp xương chắc khỏe. Ngoài ra, đậu bắp còn chứa canxi, rất tốt cho xương, răng và móng. Được biết, đậu bắp có hàm lượng canxi tương đương với sữa tươi. Canxi trong đậu bắp tồn tại dưới dạng chất hữu cơ, giúp cơ thể hấp thụ dễ dàng hơn. Có thể nói, đậu bắp là nguồn cung cấp canxi lý tưởng.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim
Đậu bắp chứa chất xơ cũng như các chất chống oxy hóa như procyanidin, catechin, quercetin, epicatehin, có khả năng giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Duy trì khả năng miễn dịch
Lượng vitamin C trong đậu bắp có thể đáp ứng 36% nhu cầu hàng ngày của cơ thể. Bổ sung đậu bắp vào thực đơn hàng ngày có thể giúp ngăn ngừa ho, nhiễm trùng và loại bỏ các gốc tự do trong cơ thể.
Tốt cho người bị tiểu đường
Chất nhầy do đậu bắp tiết ra chứa pectin và mucin hòa tan trong nước, có thể làm chậm quá trình hấp thụ đường, giảm nhu cầu insulin của cơ thể, ức chế sự hấp thụ cholesterol và cải thiện lipid máu.
Các carotenoid phong phú trong đậu bắp không chỉ có thể duy trì chức năng bài tiết và vai trò của insulin với cơ thể mà còn giúp cân bằng lượng đường trong máu. Người bị tiểu đường hoặc gặp các vấn đề về lượng đường trong máu có thể thường xuyên ăn đậu bắp để cải thiện tình trạng bệnh.
Giảm cân và loại bỏ cholesterol
Đậu bắp có hàm lượng calo thấp, rất có lợi cho việc giảm cân. Được biết, 100g đậu bắp chỉ chứa 30 calo. Loại rau này còn giàu protein, canxi, phốt pho, có hàm lượng đạm và chất dinh dưỡng cao, ít béo, không chứa cholesterol. Do đó, đậu bắp là một trong những thực phẩm tốt nhất để kiểm soát cân nặng và loại bỏ cholesterol trong cơ thể.
Đậu bắp có nhiều lợi ích đối với sức khỏe như vậy nhưng mỗi người một ngày chỉ nên ăn khoảng 100g – 200g, không nên tiêu thụ một cách vô tội vạ. Loại rau này có tính hàn, nếu ăn quá nhiều thì sẽ khiến cơ thể cảm thấy khó chịu.
Đặc biệt, người có tỳ vị, dạ dày yếu chỉ nên ăn khoảng 100g một ngày để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe của lá lách và dạ dày. Người bị thận cũng không nên ăn quá nhiều vì đậu bắp chứa nhiều kali.
Những người bị suy nhược đường tiêu hóa, chức năng tiêu hóa kém, thường xuyên bị tiêu chảy cũng được khuyên không nên ăn nhiều đậu bắp do loại rau này có tính ôn, vị lạnh.
Đinh Kim (T/h) - Người Đưa Tin