Lý do bố ruột Hương Tràm khai sinh họ Nguyễn nhưng đổi sang họ Phạm, NSND ở lại quê hương để con đi bốn phương

Tuổi thơ của NSND Phạm Tiến Dũng không trôi qua trong yên ả. Ông có gốc gác từ dòng họ Nguyễn Cảnh tại Thanh Ngọc, Thanh Chương (Nghệ An).

XEM VIDEO: Hương Tràm mặt mộc cùng bố đi thắp hương khi về nước.

Ít ai biết, bố Hương Tràm - NSND Phạm Tiến Dũng vốn mang họ Nguyễn

Hương Tràm sinh ra trong một gia đình yêu âm nhạc. Bố cô là NSND Tiến Dũng chuyên về dòng nhạc dân gian, đảm đương chức vụ Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Nghệ An. Mẹ là bà Dư Thị Thủy - nghệ sĩ tại Đoàn ca múa Nghệ An. Nữ ca sĩ còn có người anh trai là Phạm Tiến Mạnh từng dự thi và lọt vào top 10 chương trình Sao Mai Điểm hẹn 2010.

Sinh năm 1959 tại xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, NSND Phạm Tiến Dũng (tên khai sinh là Nguyễn Cảnh Dũng) là một trong những nghệ sĩ tiêu biểu của dòng nhạc dân gian Việt Nam. Trước khi bén duyên với nghệ thuật, ông từng là một kỹ sư địa chất. Tuy nhiên, tình yêu sâu đậm với dân ca đã đưa ông đến với con đường âm nhạc, nơi ông gắn bó và cống hiến suốt hơn 40 năm qua. 

Tuổi thơ của NSND Phạm Tiến Dũng không trôi qua trong yên ả. Ông có gốc gác từ dòng họ Nguyễn Cảnh tại Thanh Ngọc, Thanh Chương (Nghệ An), nhưng những biến động trong gia đình đã khiến cuộc đời ông rẽ sang một hướng khác – nơi ông được cưu mang, yêu thương và mang họ Phạm như hiện tại. Chính những khúc quanh ấy trong cuộc sống đã hun đúc cho ông một nội tâm sâu sắc, từ đó hình thành nên chất giọng đậm đà, thấm đẫm chất quê, chất đời mà khán giả vẫn gọi là "ngọt lừ" – đặc trưng của miền ví, giặm Nghệ Tĩnh.

NSND Phạm Tiến Dũng - bố ruột Hương Tràm.

Trong một đêm nhạc mang tính chất kỷ niệm, ông từng chia sẻ lời tri ân dành cho hai dòng họ – nơi cho ông gốc rễ và nơi dưỡng nuôi ông nên người: Dòng họ Nguyễn Cảnh ở Thanh Chương và dòng họ Phạm ở Anh Sơn. Sinh ra từ vùng đất Thanh Chương, lớn lên ở Anh Sơn và trưởng thành ở một nơi khác nhưng ông luôn mang theo âm điệu dân ca ví giặm – như một mạch nguồn xuyên suốt chảy dọc sông Lam, đậm nghĩa tình và ân sâu với quê hương.

Hương Tràm có lần tiết lộ câu chuyện liên quan đến quá khứ của bố: "Bà nội của Tràm bị bệnh Tim và mất sớm năm 54 tuổi , lúc đó chú út chỉ 9 tuổi đã mồ côi mẹ. Câu chuyện đó vẫn là nỗi ám ảnh gia đình nội trong mỗi câu chuyện bố kể về quá khứ".

Nam NSND trải qua biến động tuổi thơ.

Được biết, NSND Tiến Dũng gia nhập Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh năm 1979 và bắt đầu sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp. Với chất giọng trầm ấm và phong cách biểu diễn mộc mạc, ông nhanh chóng ghi dấu ấn trong lòng khán giả qua các ca khúc như Đi trong hương tràm, Đi tìm câu hát lý thương nhau, Neo đậu bến quê, Trăng khuyết, Người về thăm quê… Không chỉ là ca sĩ, ông còn là nhạc sĩ với nhiều sáng tác mang đậm âm hưởng dân ca xứ Nghệ. 

Bên cạnh hoạt động nghệ thuật, NSND Phạm Tiến Dũng còn đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong lĩnh vực văn hóa. Ông từng giữ chức Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Nghệ An, góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian, đặc biệt là dân ca ví, giặm. Ông cũng là một trong những người có công lớn trong việc đưa "Ví, giặm Nghệ Tĩnh" trở thành di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận.

Với những đóng góp to lớn cho nghệ thuật và văn hóa dân tộc, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1997 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2015.

NSND Tiến Dũng và vợ hồi trẻ.

Trong cuộc sống riêng tư, NSND Tiến Dũng có tình yêu sắt son với người vợ xinh đẹp là bà Dư Thị Thủy. Đến giờ, hai ông bà vẫn rất tình cảm, nam nghệ sĩ còn chia sẻ ảnh những chuyến đi chơi với vợ trên mạng xã hội. Hương Tràm cho biết cô rất giống bố. Nữ ca sĩ từng đăng ảnh bố mẹ và dí dỏm: "Con cảm ơn mẹ đã ban tặng cho con một thứ đẹp và giống mẹ nhất đó là... hàm răng. Còn lại con là của bố, mẹ nhỉ".

Hương Tràm rất tự hào về cái tên bố đặt cho mình, cô từng chia sẻ: "Trước đây, vào năm 1987, bố Tràm tham gia chương trình Tiếng hát chuyên nghiệp toàn quốc. Trong chương trình này, ông đoạt huy chương Vàng với bài hát Đi trong hương tràm. Vì thế, để ghi nhớ dấu ấn sự nghiệp của mình, cả cha lẫn mẹ đều có ý tưởng nếu sinh con gái thì sẽ đặt tên là Hương Tràm. Thế nhưng, vào năm 1989, sinh đứa con đầu lòng, lại là con trai nên đặt tên là Tiến Dũng. Ý tưởng đặt tên con gái là Hương Tràm phải đến 1995 mới được toại nguyện".

Hương Tràm luôn cảm ơn cha mẹ đã cho cô và anh trai "một hình hài, dạy cho con biết sống có ước mơ, biết khiêm tốn và biết ơn". Với cô, bố là "người đàn ông làm con ngã vào lòng đầu tiên, và người luôn bên cạnh con trong mọi ngày khó khăn và ngày hạnh phúc nhất".

Hương Tràm rất tự hào về gia đình.

Nam NSND "nặng gánh với quê hương", dạy con không cần phải là người xinh đẹp nhất

Là con gái của NSND Phạm Tiến Dũng, ca sĩ Hương Tràm thừa hưởng tình yêu âm nhạc và tinh thần nghệ sĩ từ cha. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghệ thuật tại TP. Vinh, Nghệ An, Hương Tràm sớm bộc lộ năng khiếu ca hát và niềm đam mê với âm nhạc. 

Năm 2012, cô giành ngôi vị Quán quân chương trình Giọng hát Việt mùa đầu tiên, mở ra một hành trình âm nhạc đầy ấn tượng. Với giọng hát nội lực và cảm xúc, Hương Tràm nhanh chóng trở thành một trong những ca sĩ trẻ được yêu thích nhất Việt Nam.

Năm 2019, cô quyết định tạm dừng sự nghiệp ca hát tại Việt Nam để sang Mỹ du học, nhằm trau dồi kiến thức và kỹ năng thanh nhạc. Sau 5 năm học tập và sinh sống tại nước ngoài, Hương Tràm trở về nước vào năm 2024 để chăm sóc ông bà ngoại trong những ngày cuối đời. Theo chia sẻ của mẹ cô: "Tràm thấy học bên đấy cũng tương đối ổn rồi nên về để gặp ông bà những ngày cuối cùng, dù không được nhiều nhưng cũng cùng bố mẹ chăm sóc ông bà một thời gian ngắn rồi ông bà qua đời".

NSND Tiến Dũng vui khi con gái đi du học về có kết quả tốt hơn trong kỹ thuật hát.

Sự trở lại của Hương Tràm nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ khán giả và gia đình. Trong một chương trình truyền hình, NSND Phạm Tiến Dũng chia sẻ: "Chúng tôi rất vui khi Hương Tràm thể hiện được kỹ thuật rõ như vậy. Đó là kết quả của những năm tháng du học. Tràm lúc trước hát nội lực thông qua giọng ca vốn có nhưng lần này, tôi thấy Tràm xử lý về mặt kỹ thuật thanh nhạc, về sắc thái tình cảm trong ca khúc tinh tế hơn. Đặc biệt, khán giả dành tình yêu cho Hương Tràm nhiều hơn, Tràm biểu diễn thăng hoa hơn. Chúng tôi rất vui khi chứng kiến buổi biểu diễn của con gái" .

NSND Phạm Tiến Dũng không muốn đi xa khỏi quê hương. Hương Tràm từng xúc động viết về người bố tài năng của mình: "Bài học đầu tiên bố dạy con trong đời rằng "con sinh ra không cần là người xinh đẹp nhất, nhưng hãy là người tử tế và nhân hậu nhất" và bằng chính sự tử tế đó bố có được mọi điều cho tới ngày hôm nay".

Ông luôn dạy con phải tử tế và nhân hậu.

Cô kể: "Điều Tràm muốn chia sẻ sẽ là một lời hứa bí mật giữa hai bố con cách đây nhiều năm: 4 năm trước khi Tràm may mắn có được kinh tế khá ổn định sau những năm hoạt động âm nhạc tại Sài gòn. Thấy bố nhiều khi vẫn phải xoay vần với những áp lực công việc. Bố Tràm khó ngủ, cứ mỗi khi làm điều gì là phải hoàn hảo, khiến bản thân ông lúc nào cũng bị áp lực và mệt mỏi. Tràm ngỏ ý muốn bố nghỉ ngơi sớm hơn một chút để hai con lo cho bố mẹ. Nhưng bố từ chối Tràm và nói rằng: "Bố còn nặng gánh với quê hương".

Câu nói này Tràm nghe nhiều lắm, bố nói và nhắc đi nhắc lại nhiều lần từ lúc Tràm còn nhỏ. Cho tới khi bố chiến đấu để "Ví giặm Nghệ Tĩnh" được UNESCO công nhận trở thành di sản văn hóa phi vật thể, Tràm mới thấy được nụ cười mãn nguyện thật sự trên môi bố. Vậy là lúc đó Tràm hiểu rằng, ông sẽ không bao giờ rời xa mảnh đất Nghệ An và Tràm đã có một lời hứa với bố: Bố ở nhà chiến đấu cho quê hương, còn con sẽ mang tinh thần xứ Nghệ đi chiến đấu khắp 4 phương bố nhé".

NSND Tiến Dũng tình cảm bên bà xã.

Trong mắt Hương Tràm, bố không chỉ là một nghệ sĩ tài năng mà còn là người cha mẫu mực, người thầy đáng kính. Cô từng bày tỏ: "Bố thực sự là người NSND của công chúng, người cha mẫu mực trong gia đình! Và thật sự sau này nếu lấy bố làm hình mẫu để Tràm chọn chồng thì chắc là không ai vượt được mất. Tràm sợ mình ế tới già mất" .

Sự gắn bó và ảnh hưởng sâu sắc của NSND Phạm Tiến Dũng đối với Hương Tràm không chỉ thể hiện qua sự nghiệp mà còn qua cách sống, cách nghĩ và tình yêu dành cho quê hương, âm nhạc. Đó là một gia đình nghệ thuật, nơi truyền thống và đam mê được tiếp nối và phát huy qua các thế hệ. 

2 người con của NSND Tiến Dũng đều được thừa hưởng khiếu âm nhạc.

ANNE