Mỗi sáng trước giờ đi làm, chị Mỹ Liên (48 tuổi, sống tại Biên Hòa, Đồng Nai) lại tranh thủ leo lên sân thượng chăm chút cho khu vườn nhỏ của mình. Chỉ cần hít hà hương đất ẩm, ngắm những luống rau đang lớn lên từng ngày hay hái vội vài trái táo, nắm cải xanh là chị đã thấy lòng nhẹ tênh.
Từ vài thùng xốp trồng rau cho vui, khu vườn nay đã phủ kín ban công tầng 2 và tầng thượng, trở thành không gian xanh mướt giữa lòng phố thị, vừa là nơi thư giãn của gia đình, vừa là nguồn rau củ sạch cho cả nhà mỗi ngày.
Clip: Khu vườn của nhà chị Liên
Không có nhiều đất như ở quê, chị Mỹ Liên tận dụng ban công tầng 2 rộng 20m² để dựng nhà lưới trồng rau ăn lá như cải bẹ xanh, cải ngọt, cải cúc, xà lách, mồng tơi, rau muống, rau dền… và một số giống rau thơm.
Trên tầng thượng được thiết kế thành một “nông trại mini” rộng khoảng 50m² với đủ loại cây ăn trái như táo Thái, ổi Đài Loan, nho, thanh long, dưa lưới, đu đủ,… Ngoài ra, chị còn trồng xen kẽ các loại cây dây leo như khổ qua, đậu đũa, bầu, bí,… "Tôi thích trồng tất cả các loại rau củ quả vì mỗi loại có hình dáng và đặc tính riêng, nhưng thích nhất vẫn là súp lơ, dưa lưới và dưa hấu vì bé nhà mình thích", mẹ đảm 3 con kể.
Luống rau nào cũng xanh tốt, cây nào cũng quả sai trĩu cành, màu sắc rực rỡ, nên cứ bước chân lên đó ai cũng phải ngạc nhiên vì không nghĩ giữa thành thị lại có một khu vườn trù phú đến vậy.
Thực ra, để có một khu vườn như hiện tại, chị Mỹ Liên cũng từng gặp không ít khó khăn và thất bại. Chị kể ngày mới bắt đầu làm vườn, mọi thứ rất đơn giản. Chị xin thùng xốp ở hàng rau, đất mua sẵn, cây thì gieo hạt ngẫu hứng. Nhưng chỉ sau vài tháng, khi thấy cây phát triển không đều, sâu bệnh nhiều, chị bắt đầu nghiêm túc tìm hiểu trên các hội nhóm rồi mới dần dần tích lũy được kinh nghiệm cho riêng mình.
Thật may, trong hành trình làm vườn, chị không hề đơn độc mà luôn có ông xã đồng hành, từ việc chống thấm sàn, hàn khung giàn, lắp hệ thống tưới, khuân đất lên ban công và sân thượng đến việc giúp chị cải tạo chỗ trồng rau sạch sẽ, gọn gàng hơn.
“Trồng rau trên sân thượng, ban công, mệt nhất chắc là khoản cõng đất lên. Ngày ngày vác từng bao đất lên tầng thượng, có lúc tôi đùa với chồng là giống như kiến tha lâu đầy tổ. Nhưng nhìn thành quả thì mệt mấy cũng thấy đáng”, chị cười.
Làm vườn trên sân thượng không chỉ là trồng cây, tưới nước. Và theo chị Mỹ Liên, điều đầu tiên để có vườn rau xanh tốt đó là phải thật sự yêu việc làm vườn. "Không yêu thì sẽ thấy vất vả, thấy nản khi cây hỏng, rau chết. Nhưng khi mình đã yêu rồi, thấy từng mầm xanh nhú lên là đã vui", chị nói.
Sau 7 năm làm vườn, mẹ đảm 3 con cũng tích lũy được không ít kinh nghiệm. Về đất trồng, chị luôn xử lý kỹ lưỡng. Sau mỗi lần thu hoạch, chị nhổ bỏ toàn bộ gốc cây, rắc vôi phơi đất từ 7–10 ngày để diệt mầm bệnh. Sau đó, chị trộn thêm phân bò hoai mục, tro trấu, phân gà, phân trùn quế và một ít Trichoderma ủ đất trước khi trồng vụ mới. Đây cũng là cách giúp đất giữ được độ tơi xốp và dinh dưỡng.
Thay vì dùng phân hóa học, chị ưu tiên phân hữu cơ tự làm từ rác nhà bếp, đạm cá, chuối, trứng, sữa tươi hết hạn… Cách làm này tuy mất công nhưng giúp rau sạch và an toàn cho các con. Về phòng trừ sâu bệnh, chị dùng thuốc sinh học như neem oil, BioB và duy trì độ thông thoáng cho cây để hạn chế nấm bệnh.
Ngoài ra, để duy trì vườn luôn xanh tốt quanh năm thì chọn giống phù hợp theo mùa, trồng cây phù hợp với không gian cũng rất quan trọng. Ví dụ, các loại dây leo như mướp, bầu thì cần làm giàn cao thoáng, còn rau ăn lá cần nhà lưới để tránh sâu. "Nói chung, trồng rau thì đừng ngại thử nghiệm, vì có cây hợp đất này, có cây lại hợp chậu kia. Cứ làm rồi sẽ rút kinh nghiệm”, chị Liên cho hay.
Công việc tuy bận rộn nhưng mỗi sáng hai vợ chồng chị đều dành 30 phút lên vườn thu hoạch, chăm sóc cây. Vào ngày chủ nhật khi có nhiều thời gian hơn, chị sẽ ươm cây, cắt tỉa lá già, lá sâu bệnh phun phòng bệnh cho cây, bón phân và cải tạo đất.
Nhờ làm vườn mà chị khỏe mạnh hơn, ít đau đầu và căng thẳng hơn trước. Quan trọng nhất, bữa cơm gia đình chị luôn có rau sạch, an toàn, tiết kiệm chi phí, và cũng là cách dạy con yêu lao động từ những điều nhỏ nhất. “Tôi nghĩ ai cũng có thể làm vườn, dù là một ban công nhỏ hay vài chậu ở hành lang. Chỉ cần bắt đầu, kiên nhẫn và dành chút tình yêu mỗi ngày, bạn sẽ có góc vườn như ý”, chị Liên nhắn nhủ.