Chiều 8/10, cơn mưa nặng hạt vẫn trút ồ ạt nước xuống các tỉnh thành miền Trung. Theo trung tâm Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, các tỉnh từ Quảng Bình - Quảng Ngãi đều có mưa to đến rất to và dông, trong cơn dông cần đề phòng sét và gió giật mạnh.
Tại TP. Đà Nẵng, theo ghi nhận của PV, các xã Hòa Liên, Hòa Tiến, Hòa Bắc... lượng mưa lớn kèm lũ từ các sông thoát về đã gây ra ngập lụt. Nhiều tuyến đường bị chia cắt, nhiều làng mạc, nhà cửa chìm sâu trong nước.
Ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, lượng nước dâng lên cao gây ngập các tuyến đường và cầu tràn qua thôn Lộc Mỹ, gây chia cắt thôn này. Do đây là tuyến đường độc đạo vào thôn nên tạm thời 67 hộ dân đang bị cô lập. May mắn đa phần nhà cửa người dân khu vực này ở vị trí khá cao nên an toàn.
Tại xã Hòa Liên, mưa lớn khiến đất đá sạt lở xuống nhiều tuyến đường, ngăn cách các thôn. Lực lượng chức năng địa phương đã tổ chức khơi dòng, dọn dẹp đất đá đảm bảo an toàn. Cạnh đó, ở những vị trí nước xiết luôn có lực lượng công an, dân quân tự vệ canh gác nhắc nhở người dân.
Theo lãnh đạo UBND xã Hòa Sơn, chính quyền địa phương chủ động họp bàn triển khai các phương án phòng chống mưa lũ. Trong đó, đặc biệt tuyên truyền hướng dẫn, hỗ trợ đến người dân để đảm bảo an toàn.
Do các khu vực bị ngập sâu, người dân các xã này dùng phương tiện ghe, thuyền để di chuyển. Họ cố gắng bảo vệ đồ đạc, tài sản trước thiên tai phức tạp. Trong khi đó, lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang cho hay, UBND huyện này đã chỉ đạo UBND các xã rà soát tình hình di dời dân ở các khu vực thấp trũng, có nguy cơ ngập lụt để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân. Song song với bảo vệ con người, chính quyền cùng các cơ quan chức năng cố gắng hỗ trợ người gia cố tài sản, bảo vệ thủy sản, nông sản hoa màu.
Theo ghi nhận của PV, hiện TP. Đà Nẵng đã triển khai phương án phòng, chống lũ, lũ quét, sạt lở đất. TP. Đà Nẵng có công văn cấm người dân và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão đi lại trong những vùng trũng thấp và nước lũ.
Chính quyền TP. Đà Nẵng yêu cầu cơ quan quân sự, biên phòng và công an bố trí đủ lực lượng, phương tiện tại các khu vực, địa bàn xung yếu, trọng điểm, chủ động ứng phó với mưa lũ; phối hợp, hỗ trợ các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai công tác sơ tán người dân, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai…
Cũng như TP. Đà Nẵng, tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, mưa lũ đã khiến đô thị cổ này ngập sâu trong nước. Theo ghi nhận của PV, các tuyến đường ven sông Hoài như Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học... nước dâng cao quá đầu gối người. Cá biệt có đoạn ngập sâu gần 1m và nước chảy rất xiết.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho hay, mực nước lũ tại Hội An lúc 13h chiều 8/10 là 1,41m, dưới báo động II 9cm. Hiện tại thuỷ triều đang lớn cho đến tối, cho nên mực nước lũ sẽ còn cao hơn. Mọi người cần theo dõi cập nhật thông tin để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn.
"Hội An chuẩn bị sơ tán các hộ dân ở vùng trũng thấp. Đồng thời khuyến cáo, chính quyền và người dân ở các khu vực như Cẩm Kim, Cẩm Nam, Thanh Hà, Minh An, Sơn Phong cần chủ động triển khai phương án phòng, chống lũ", ông Hùng chia sẻ.
Miền trung du ngập lụt, miền núi Quảng Nam cũng chịu cảnh sạt lở, giao thông chia cắt nặng nề do mưa lũ. Đặc biệt là sạt lở ở các tuyến QL 14G, QL 14B bị ách tắc cục bộ. Nhiều tuyến đường ở các huyện miền núi đã bị ách tắc nghiêm trọng.
Theo sở GTVT tỉnh Quảng Nam, đối với các đoạn gioa thông bị ngập nước, cơ quan chức năng triển khai rào chắn, cảnh báo. Riêng các đoạn đường sạt lở chia cắt thì cơ quan chức năng sẽ bố trí phương tiện khơi thông, đảm bảo thông tuyến.