Một ngày giữa tâm dịch - Tp.Hồ Chí Minh

“Tôi và chồng tạm biệt mẹ, các con từ rất sớm để xuống bếp. Chúng tôi rời khỏi nhà với sự hỗn độn của những cảm xúc thường trực: giằng xé, lo sợ, yếu đuối, tự an ủi chính mình, mạnh mẽ, hân hoan, hy vọng… Và sau tất cả, tôi xếp lại những cảm xúc ấy để bắt đầu một ngày mới bận rộn cùng các thành viên ở Bếp ăn 0 đồng”.

Đó là lời mở đầu cho câu chuyện, một ngày của "Bà trùm" Hoa hậu Phạm Kim Dung ở tâm dịch - Tp. Hồ Chí Minh. Chẳng dễ để tôi có được cuộc nói chuyện với chị vào thời điểm này, bởi chị quá bận. Chị không bận ở cương vị Phó Ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Miss World Việt Nam hay "Bà trùm" của các hoa hậu mà ở vị trí một người phụ nữ đang nỗ lực hàng ngày trong căn Bếp 0 đồng của câu lạc bộ Suối mát từ tâm để được góp sức nhỏ bé trong cuộc chiến vượt qua đại dịch.

Sau một tuần chờ đợi, chúng tôi bắt đầu cuộc nói chuyện với chia sẻ chân thật của chị, “chị không biết nói gì cả, giờ chị làm thôi, mong làm được càng nhiều càng tốt”. Tôi sững lại trước chia sẻ ấy, hoá ra khi cống hiến thật nhiều, làm thật nhiều, cho đi thật nhiều người ta lại chẳng biết nói gì về bản thân. Ngay cả với người phụ nữ thường xuyên đứng trước công chúng như chị, lúc này đây lại không biết nói gì... Khi mọi thứ thu lại ở chữ SẺ CHIA thì có lẽ nên bắt đầu từ sự chân thực. Thế là cảm xúc của chúng tôi trải dài theo câu chuyện về một ngày giữa tâm dịch của chị.

Bĩnh tĩnh sống - Một ngày giữa tâm dịch - Tp.Hồ Chí Minh

Tp. Hồ Chí Minh những ngày "trở bệnh".

Mỗi ngày thức giấc, qua ô cửa sổ, tôi nhìn xuống thành phố, sự vắng lặng vây phủ như chính tâm can tôi luôn bị giằng xé trong êm dịu mỗi khi nhìn ngắm các con ngủ say, khi nhìn thấy mẹ ngồi cặm cụi uống thuốc buổi sớm…. Tôi tiếp tục đến các vùng dịch giúp đỡ mọi người hay ở nhà giữ an toàn cho riêng mình và gia đình? Nhưng ý nghĩ ấy cũng chỉ thoáng qua...

Vừa bôi vội lớp kem chống nắng tôi vừa đọc các danh sách cho – nhận dành cho hoạt động thiện nguyện Suối mát từ tâm, đọc và ngừng lại trước những dòng tin nhắn kêu cứu, những chia sẻ cần sự giúp đỡ từ nơi này, người kia… Tôi hiểu mình cần mạnh mẽ hơn và tin vào những điều kì diệu của cuộc sống.

Tôi chỉ là một người phụ nữ và cũng biết sợ hiểm nguy rình rập ngoài kia. Nhưng, tôi sợ hơn khi nghĩ đến việc, mình phải ngồi im và không làm gì cả! Thật may mắn khi còn được sống và làm việc giữa những cơn quặn đau dai dẳng của cả thành phố. Và may mắn lớn nhất là chồng và mẹ luôn ủng hộ tôi làm công tác thiện nguyện, không những thế anh còn sát cánh cùng tôi… Tôi chợt nghĩ, sau này về già sẽ kể cho con cháu nghe về một "cơn đau dài của nhân loại" và chúng tôi đã dũng cảm như thế.

Công ty tôi tuân thủ nghiêm Chỉ thị 16, tất cả chúng tôi làm việc tại nhà. Nhưng, chúng tôi không muốn ở yên, chỉ làm việc của mình khi thành phố đang quặn đau với những khốn khó của người dân và sự vất vả của lực lượng tuyến đầu. Chúng tôi đã góp sức cho thành phố với tất cả khả năng có thể bằng những suất ăn đủ dưỡng chất từ bếp ăn của vợ chồng tôi và các Hoa hậu, Á hậu. Bếp ăn có 40 thành viên, được sắp xếp ở lại tại chỗ để đảm bảo an toàn và cũng là tuân thủ quy định phòng chống dịch.

Bĩnh tĩnh sống - Một ngày giữa tâm dịch - Tp.Hồ Chí Minh (Hình 2).

Mỗi ngày, Bếp ăn 0 đồng cung cấp hàng ngàn suất ăn.

Một ngày mới bắt đầu từ 5h30.

Tôi thức dậy, vẫn là việc quen thuộc lặp lại mỗi ngày, kiểm tra thông tin qua điện thoại và hồi đáp. Những ngày này các nhóm liên quan đến bếp ăn từ thiện hoạt động liên tục, từ thực đơn đến danh sách đơn vị nhận cơm và cả những tin nhắn đề nghị giúp đỡ từ khắp nơi.

Để tinh thần phấn chấn hơn cho một ngày mới, vợ chồng tôi khởi động cảm xúc tích cực bằng việc tưới dàn rau trồng tại sân nhà, trong khi các nhân sự trong bếp đang chuẩn bị những công đoạn đầu tiên. Và, tôi nhận được tin nhắn cầu cứu đột xuất, cần thêm 200 suất cho một khu cách ly. Danh sách đã chốt từ chiều hôm qua nhưng tôi không nỡ từ chối nên gọi cho nhóm tìm nguồn nguyên liệu gấp và linh hoạt thực đơn một chút để có thể tặng hơn 3.800 suất ăn.

Các con tôi đã dậy, cũng kịp giờ ăn sáng và chơi cùng ba mẹ một chút. Ngày nào cũng vậy, ánh mắt ngây thơ của mấy đứa nhỏ luôn khiến vợ chồng tôi chạnh lòng chẳng muốn rời đi. Dịch bệnh, ai cũng muốn được ở bên gia đình nhiều hơn, chúng tôi cũng vậy. Nhưng rồi, hình ảnh những đứa trẻ phải đội nắng ngoài đường vì ba mẹ không đủ tiền thuê trọ, những đứa trẻ phải tắm bằng nước của đài phun nước trước một tòa nhà vì em và ba không có nơi về… và rất nhiều đứa trẻ đáng thương khác khi chúng tôi vô tình gặp trên đường đi phát quà. Tất cả những điều đó khiến vợ chồng tôi gác lại tình yêu nhỏ, hôn gió với các con và rời đi.

Vài phút sau, vợ chồng tôi có mặt ở bếp. Bếp là 2 quán cà phê ngay sát công ty được tôi trưng dụng trong thời gian giãn cách. Bốn phía xung quanh không có nhà dân, mặt trước là đoạn đẹp nhất của con kênh Nhiêu Lộc. Bên kia sông là Quận 1 với bến du thuyền tấp nập những ngày chưa có dịch. Mọi thứ như quá thuận lợi để chúng tôi có thể làm được Bếp ăn với công suất có khi lên 4.000 suất/ngày.

Tôi đi một vòng quanh bếp, cẩn thận kiểm tra từng khâu. Tất cả đã đông đủ và vào đúng vị trí. Bếp bước vào giai đoạn bận rộn nhất.

Trưa nay, chúng tôi làm 2.000 suất bún mọc, đây là món quà đóng góp từ Á hậu Ngô Thanh Thanh Tú. Các khâu nước lèo, mọc, chả lụa, thịt… tất cả đều đang trên công đoạn. Các thành viên của Bếp đều chăm chú vào việc của mình. Tôi không phụ trách chính khâu nào vì phải điều hành chung toàn bộ bếp. Chồng tôi lại đảm nhận việc sắp xếp ra thành phẩm. Đây là khâu quan trọng, cần nhanh chóng, thẩm mỹ nên anh thường được các thành viên của Bếp gọi là “giám thị khó tính” chứ không phải “đạo diễn đẹp trai” (cười). Nói vui vậy thôi chứ ở Bếp, chúng tôi xem nhau như người nhà, hiểu và yêu thương để làm sao giúp đỡ được nhiều người ngoài kia hơn.

Hoa hậu Trần Tiểu Vy, Á hậu Phương Anh, Á hậu Ngọc Thảo, Á hậu Kiều Loan, MC Nguyên Khang, NTK Lê Thanh Hòa,… mỗi người một việc, nhịp nhàng và nghiêm túc như chính công việc hàng ngày của họ.

Bĩnh tĩnh sống - Một ngày giữa tâm dịch - Tp.Hồ Chí Minh (Hình 3).

Chị Phạm Kim Dung và Hoa hậu Trần Tiểu Vy.

Thời gian buổi trưa đến rất nhanh, báo hiệu bằng hình ảnh quen thuộc của nhiều ngày qua là đoàn xe từ các nơi đã xếp hàng trước cửa Bếp: xe cứu thương, xe công an giao thông, xe công an trật tự, Thành đoàn, Quận đoàn, các điểm tiêm chủng vắc-xin, Mặt trận tổ quốc các quận… Để bảo đảm an toàn, chúng tôi không “tay trao tay” mà xếp đồ ăn lên dãy bàn có sẵn và các đơn vị sẽ tự đến lấy. Những lúc thế này, dù luôn giữ khoảng cách khá xa nhau nhưng lại như không còn khoảng cách giữa các ngành nghề, địa vị. Trong lúc đợi cơm, có những cô công an, có những anh y tế sẵn sàng giúp Bếp quét nước mưa hoặc khiêng cái bàn… Rồi họ nhận cơm và rời đi trong sự vui vẻ.

Khi các đơn vị nhận cơm thưa dần, tôi chuẩn bị thêm các phần cơm để hai thành viên của Bếp mang đến cho lực lượng chặn chốt ở gần đó. Họ thường không nằm trong danh sách đặt cơm số lượng lớn.

Sau nửa ngày làm việc liên tục, khi lo cho các nơi đã có đủ phần ăn, các thành viên trong bếp sẽ mỗi người một góc, giữ khoảng cách, giữ im lặng, ngồi ăn trưa, lấy lại sức để tiếp tục cho buổi chiều. Tôi thường chưa ăn vội mà xử lý nốt công việc. Một buổi trưa nữa sẽ êm đềm trôi qua nếu tôi không nhận được tin nhắn “bất thường” từ cô trưởng phòng nhân sự “Chị ơi! Kết quả test mẫu gộp PCR sáng nay, mình có 1 mẫu gộp nghi nhiễm”. Cứ 3 ngày, chúng tôi test nhanh 1 lần và 7 ngày, chúng tôi test PCR 1 lần. Tôi có một chút bối rối, nhưng điều này cũng đã chuẩn bị tâm lý từ khi bắt đầu. Và, tôi bắt đầu tiến hành phương án xử lý. Đội phun khử khuẩn được điều tới phun tất cả mọi ngóc ngách và xung quanh, dù ngày nào cũng phun.

Chúng tôi gọi cho Trưởng trạm Y tế phường để biết tình hình kỹ hơn, được hướng dẫn kỹ lưỡng về việc cho nhóm cách ly tại nhà, các phương án hỗ trợ… Chúng tôi thực hiện test PCR từng người ngay lập tức và tập trung cho kết quả sớm nhất. Tôi đọc danh sách mẫu test gộp 10 người và hình dung trong đầu người có khả năng dương tính cao nhất. Trong sự băn khoăn và lo lắng cho mọi người, tôi vẫn có niềm tin chắc chắn rằng với các phương án phòng chống an toàn như vậy, không thể nào có sự cố lây nhiễm được.

Bĩnh tĩnh sống - Một ngày giữa tâm dịch - Tp.Hồ Chí Minh (Hình 4).

Khẩu trang, bao tay, bộ quần áo giản dị là hình ảnh quen thuộc của Bà trùm Hoa hậu khi ở Bếp ăn 0 đồng.

Tất nhiên, khi có ca nghi nhiễm, Bếp bắt buộc phải ngưng ngay, chúng tôi thông báo khẩn cho các nơi về việc tạm ngưng giao cơm để chờ xử lý. Và, Y tế phường cũng lập tức cho test toàn bộ nhân viên của Bếp. Mọi người test xong, về nhà tự cách ly chờ kết quả.

Sau khi họp với mọi người, tôi ngồi một mình trong phòng, nghĩ về người mẹ già 80 tuổi cùng 2 con nhỏ, đứa 3 tuổi, đứa hơn 1 tuổi. Lòng có một chút xốn xang nhưng rồi tôi dịu lại khi tin vào những điều tốt lành và đứng dậy tiếp tục hướng dẫn mọi người. Cuối cùng, kết quả test PCR từng người cũng có. Đúng như tôi dự đoán, đó là chị rửa rau và đây là điều làm tôi nhẹ lòng. Chị là thành viên mới, tham gia được đúng nửa ngày. Chị ngồi rửa rau chung với con gái và một chị nữa. Nhóm chỉ có 3 người và không giao tiếp với nhóm khác, khu vực rửa rau lại tách biệt khu vực bếp chính.

Bếp không giao cơm buổi chiều nhưng chúng tôi không chịu ngồi yên, vì tôi biết ngoài kia còn rất nhiều người đang cần sự giúp đỡ. Vậy là vợ chồng tôi cùng các bạn chưa từng tiếp xúc với ca nghi nhiễm bắt tay chuẩn bị 2.000 phần quà gồm gạo, mì, rau củ,...

Chúng tôi ngồi xa nhau trong nhà kho rộng, lặng lẽ làm, không ai nói với ai câu nào. Thỉnh thoảng có người nghe điện thoại, tôi gọi Facetime cho những người trong nhóm test gộp, hỏi thăm tình hình sức khỏe của mọi người, gọi cho chị rửa rau để hỏi thăm và động viên chị. Chị còn trẻ nên cũng rất vững vàng. Mọi người đều rất lạc quan. Tôi cũng nhẹ lòng hơn.

Ngoài trời mưa lâm thâm, chưa nặng hạt nhưng cũng đủ để ướt áo. Mấy nay, thành phố hay mưa về đêm. Nghĩ đến những người đang đợi chờ những phần ăn trong cái lạnh và cái đói, chúng tôi quyết định đi luôn, khi mỗi người chỉ ăn vội cái bánh ngọt.

Hôm nay, tôi “ra trận” nên chồng sẽ về nhà với các con. Chúng tôi sẽ tặng 1.000 phần quà ở phường Bình Chiểu, Tp. Thủ Đức, đây là các khu vực tập trung nhiều công nhân và đang cách ly y tế. 1.000 phần quà còn lại chúng tôi tiếp tục tặng trong ngày hôm sau, địa điểm là phường Tân Hưng, quận 7. Ở đây, phần lớn là gia đình công nhân và lao động nghèo đang gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh.

Chúng tôi mặc đồ bảo hộ, rồi mặc thêm áo mưa, đi cùng tôi có Á hậu Miss World Việt Nam Nguyễn Hà Kiều Loan và Á hậu Hoa hậu Việt Nam Nguyễn Lê Ngọc Thảo. Đêm, thành phố vắng lặng đến lạ. Trên đường đi chỉ có ta với ta, bên ngoài lớp kính xe mưa lớn dần. Dọc đường và các con hẻm giăng dây chằng chịt, có những nơi giăng cả các cuộn kẽm gai. Phố xá vắng tanh, nhà nhà đóng cửa, không một bóng người, lòng chúng tôi trĩu nặng… Đoàn xe của chúng tôi có giấy lưu hành từ thiện nên đến các chốt chặn chỉ phải dừng lại và xuất trình giấy tờ. Chúng tôi thấy được qua ánh mắt của lực lượng trực chốt, dưới lớp khẩu trang che kín là gương mặt mệt mỏi và nhiều lo lắng nhưng khi gặp chúng tôi, họ đều rất vui vẻ vì họ biết, chúng tôi đang đến với những người rất cần giúp đỡ.

Đến địa phận phường Bình Chiểu, dù có giấy trao từ thiện và có hẹn trước nhưng chúng tôi vẫn phải gọi điện cho UBND phường và có người ra đón mới được vào. Chúng tôi cùng lãnh đạo phường khuân đồ vào sảnh trong cơn mưa. Tôi nhìn thấy cán bộ phường cũng hằn lên nét mệt mỏi và ưu tư. Chúng tôi cùng động viên nhau như hét lên giữa cơn mưa khi phải cách 2m và chào nhau tạm biệt, hẹn một ngày sau dịch có cơ hội sẽ gặp lại.

Một buổi tối như bao buổi tối, tôi về nhà trễ. Tôi trút hết đồ bảo hộ ở thùng rác bên ngoài và gần như “tắm cồn” trước khi vào nhà, dù trước khi lên xe ô tô đã làm như thế một lần. Tôi tắm gội, súc họng nước muối đúng cách, xem như mình đã xong quy trình. Những đứa trẻ đã ngủ say, chỉ còn chồng vẫn thức đợi tôi để cả hai cùng ghé sang phòng ngắm hai con ngủ một chút, hỏi thăm con trai lớn khi cu cậu vẫn còn đang học online. Đó cũng là khoảnh khắc giúp lòng tôi thấy an yên nhất sau một ngày dài vượt qua sự hiểm nguy và đôi khi là những “sự cố” để đủ vững vàng tiếp sức cho thành phố yêu thương.

Màn đêm đã buông xuống từ lâu nhưng lúc này mới chợt nhớ, cả hai chưa ăn tối! Thế nhưng, lòng tôi thấy nhẹ nhàng vì lại thêm một ngày, chúng tôi làm được nhiều điều có ích cho cộng đồng. Hy vọng đại dịch sẽ qua mau, thành phố sẽ sớm khỏe lại để mỗi sáng chúng ta không phải thức dậy với mớ cảm xúc hỗn độn nữa. Chồng tôi nói: “Ngủ thôi, ngày mai trời lại sáng”.

Chúng tôi khép lại câu chuyện với niềm tin, niềm hy vọng về ngày Tp. Hồ Chí Minh sẽ khoẻ lại. Chúng ta sẽ cùng nhau chiến thắng đại dịch. Sau cơn mưa trời lại sáng.

LÊ ANH (Ghi) - Người Đưa Tin Pháp Luật