Mức huy động tăng cao, doanh nghiệp nhiệt điện có thực sự “sáng”?

Quý II/2023, doanh nghiệp sản xuất điện than được ưu tiên huy động với công suất gần như tối đa, nhờ đó doanh thu của các công ty cũng tăng vọt.

 Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), 7 tháng đầu năm 2023, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt gần 160,6 tỷ kWh, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tỉ lệ huy động nhiệt điện than phải tăng để bù đắp cho thủy điện, từ 40,9% lên 49,8%.

Thực tế, trong quý II/2023, ảnh hưởng mạnh lên của El Nino gây nóng trên diện rộng, phụ tải hệ thống điện quốc gia tăng vọt, trong khi nhiều thuỷ điện cạn nước đã giúp sản lượng điện từ các công ty nhiệt điện được huy động cao hơn cùng kỳ, nhất là các công ty nhiệt điện than.

Dù doanh thu của các công ty nhiệt điện than đã có phần khởi sắc hơn trong quý II/2023, song nhóm doanh nghiệp này vẫn đối diện với gánh nặng chi phí đầu vào, nhất là giá than tăng cao ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận.

Doanh thu tăng vọt

Tong quý II/2023, Nhiệt điện Hải Phòng (UPCoM: HND) ghi nhận doanh thu 3.366,4 tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty cho biết, doanh thu tăng nhờ sản lượng điện quý II năm nay cao hơn so với cùng kỳ 239,7 triệu kWh, đồng thời giá bán điện hợp đồng (Pc) tăng do giá than tăng và giá thị trường cao hơn. Luỹ kế 6 tháng 2023, Nhiệt điện Hải Phòng ghi nhận doanh thu 5.937,6 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, Nhiệt điện Quảng Ninh (UPCoM: QTP) báo doanh thu thuần cao hơn 54% cùng lên 3.708 tỷ đồng. Công ty cho biết trong những ngày cao điểm nắng nóng, các tổ máy của nhà máy đều được huy động phát tối đa công suất 24/24h để đáp ứng yêu cầu cho hệ thống điện quốc gia.

Nhiệt điện Quảng Ninh sở hữu 4 tổ máy phát điện với tổng công suất 1.200 MW và là một trong những nhà máy điện than có công suất lớn nhất miền Bắc. Trong 6 tháng đầu năm 2023, công ty mang về 6.703 tỷ đồng doanh thu, tăng 34% so với 6 tháng đầu năm 2022.

Nhiệt điện Ninh Bình (HNX: NBP) ghi nhận doanh thu thuần quý II/2023 đạt 361 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ. Sau 6 tháng, công ty đạt doanh thu hơn 392 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ và đạt 46% kế hoạch năm.

Phía công ty cho biết, do là đơn vị phát dịch vụ phụ trợ nên sản lượng phụ thuộc vào Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) huy động. Sản lượng điện huy động trong kỳ tăng mạnh, dẫn đến doanh thu cao hơn, dù chi phí nhiên liệu gia tăng.

Nhiệt điện Bà Rịa (HoSE: BTP) báo doanh thu quý II/2023 tăng gấp 3 lần cùng kỳ, đạt 641 tỷ đồng. BTP cho biết do ảnh hưởng nắng nóng trên diện rộng 3 miền, phụ tải hệ thống điện quốc gia tăng cao cùng tình hình thuỷ văn không thuận lợi nên sản lượng điện phát của công ty được huy động tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, sản lượng điện quý II/2023 của BTP đạt 162,9 triệu kWh, gấp 4,3 lần cùng kỳ.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, Nhiệt điện Bà Rịa mang về 687,6 tỷ đồng doanh thu, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ.

Cùng nằm trong nhóm điện than, Nhiệt điện Phả Lại (HoSE: PPC) ghi nhận doanh thu đạt 1.404,37 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Luỹ kế trong nửa đầu năm 2023, Nhiệt điện Phả Lại ghi nhận doanh thu đạt 2.715 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận phân hoá, vẫn chịu gánh nặng giá than

Các nhà máy nhiệt điện than chủ yếu cung cấp điện cho miền Bắc, trong khi miền Nam được huy động nhiều bởi nhiệt điện khí, năng lượng tái tạo. Nguồn đầu vào của các nhà máy điện than là than trộn nhập khẩu.

Khi giải trình kết quả kinh doanh, các đơn vị điện than đều cho biết chi phí đầu vào trong quý II/2023 tăng vọt so với cùng kỳ, gây áp lực lên biên lãi gộp của doanh nghiệp sản xuất.

Theo đó, biên lợi nhuận gộp của Nhiệt điện Hải Phòng thu hẹp từ 13,7% xuống còn 6,8%, chỉ số của Nhiệt điện Quảng Ninh giảm còn 8,1% từ mức 14,4% cùng kỳ. Còn Nhiệt điện Phả Lại ghi nhận biên lãi gộp từ 9,2% hạ còn 7,3%.

Trừ đi các chi phí, lợi nhuận của nhóm nhiệt điện than có sự trái chiều trong quý II/2023. Lợi nhuận giảm gọi tên Nhiệt điện Hải Phòng báo lãi sau thuế giảm 35% về 181 tỷ đồng; 6 tháng lợi nhuận giảm đến 64% so với nửa đầu năm 2022, đạt 191 tỷ đồng.

Tương tự, Nhiệt điện Quảng Ninh giảm gần 2% lợi nhuận sau thuế trong quý II, đạt 248 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng, công ty đạt 392 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm 34% so với với cùng kỳ.

Trong khi đó, Nhiệt điện Phả Lại ghi nhận mức lãi sau thuế tăng tới 146% đạt 167 tỷ đồng. Nguyên nhân là, trong kỳ công ty nhận gần 100 tỷ đồng cổ tức từ các đơn vị góp vốn (quý II/2022, công ty không nhận được cổ tức) dẫn đến doanh thu tài chính trong kỳ đạt 104 tỷ đồng, gấp gần 15 lần so với cùng kỳ. Nhiệt điện Phả Lại báo lãi sau thuế nửa đầu năm 2023 đạt 207,3 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ.

Nhiệt điện Bà Rịa cũng ghi nhận lãi sau thuế tăng trưởng, đạt 27,6 tỷ đồng trong quý II/2023 còn 6 tháng đầu năm đạt 42,2 tỷ đồng – gấp 8 lần so với cùng kỳ.

Còn Nhiệt điện Ninh Bình ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II/2023 gần 22 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ; 6 tháng đạt gần 17 tỷ đồng tăng 95% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương lai nào cho nhiệt điện than?

Theo Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt ngày 15/5/2023, Việt Nam đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...), tiếp tục gia tăng tỉ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện và điện năng sản xuất.

Đối với nhiệt điện than, chỉ thực hiện tiếp các dự án đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh và đang đầu tư xây dựng đến năm 2030.

Hồ sơ doanh nghiệp - Mức huy động tăng cao, doanh nghiệp nhiệt điện có thực sự “sáng”?

Theo Quy hoạch điện VIII, với nhiệt điện than, chỉ thực hiện tiếp các dự án đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh và đang đầu tư xây dựng đến năm 2030.

Theo số liệu của Bộ Công Thương đưa vào xây dựng Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy đang vận hành và các dự án đang triển khai xây dựng, khả năng sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành khoảng 30.127 MW. Hiện tại đang có 6 dự án đang xây dựng với công suất 6.125 MW.

Trong Quy hoạch điện VIII, các nhà máy nhiệt điện than được định hướng thực hiện chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối và amoniac với các nhà máy đã vận hành được 20 năm khi giá thành phù hợp; dừng hoạt động các nhà máy có tuổi thọ trên 40 năm nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu.

Quy hoạch xác định lộ trình đến năm 2050, Việt Nam không còn sử dụng than để phát điện. Các nhà máy nhiệt điện than chuyển hoàn toàn nhiên liệu sang sinh khối và amoniac, với tổng công suất 25.632 - 32.432 MW, để sản xuất ra 72,5 - 80,9 tỷ kWh.

Quy hoạch điện VIII xác định ưu tiên phát triển không giới hạn công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lượng mới (hydro, amoniac xanh…) trên cơ sở bảo đảm an ninh năng lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW.

PV