Người chăm sóc F0 tại nhà cần trang bị các dụng cụ phòng hộ nào?

Theo bộ Y tế, nhân viên y tế và người chăm sóc F0 tại nhà cần trang bị một số đồ phòng hộ cá nhân nhằm hạn chế lây nhiễm.

Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 4159/QĐ-BYT hướng dẫn lựa chọn và sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân trong phòng, chống dịch Covid-19.

Các phương tiên phòng hộ tối thiểu được lựa chọn và sử dụng gồm:

- Găng tay: Găng tay y tế (găng tay sạch hoặc vô khuẩn) tùy vào mức độ tiếp xúc với F0 hoặc F1, F2... và găng tay vệ sinh.

- Khẩu trang: Khẩu trang y tế thông thường hoặc phòng nhiễm khuẩn và khẩu trang hiệu suất lọc cao (N95).

- Bộ trang phục phòng hộ cá nhân: Quần áo liền (có mũ) hoặc rời hoặc áo choàng chống dịch, dài che kín người. Bộ trang phục này phải được sản xuất từ vải không dệt, chống thấm, có khả năng bảo vệ chống vi sinh vật xâm nhập theo đường dịch, dễ sử dụng, thoáng mát.

- Tạp dề bán thấm: Vật liệu chống thấm, buộc dây hoặc đeo quanh cổ.

- Mũ: Che kín đầu, tóc và tai.

- Ủng bảo hộ: Dài quá bắp chân, dùng vật liệu có thể tái sử dụng.

- Bao giầy: Che phủ bàn chân, bắp chân có dây cố định tránh tuột và bao phủ được ống quần mặc bên trong. Bao giầy cũng phải là vật liệu bán thấm hoặc chống thấm.

- Tấm che mặt: Che hoàn toàn được hai bên tai và chiều dài khuôn mặt, làm bằng nhựa dẻo, trong, chống mờ do hơi nước, không làm biến dạng hình ảnh, cung cấp tầm nhìn tốt cho người dùng.

- Kính bảo hộ: Gồm gọng cài tai hoặc dây đeo sau đầu, phải trong suốt, ôm hết khuôn mắt hoặc che phủ hết mắt, hai bên thái dương.

nguoi cham soc f0 tai nha can trang bi dung cu phong ho nao

Bộ Y tế vừa có quyết định hướng dẫn lựa chọn và sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân trong phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh minh họa: Chí Hùng/ Tri Thức Trực Tuyến

Những đối tượng nào cần trang bị các phương tiên phòng hộ cá nhân?

Các đối tượng cần trang bị các vật dụng phòng hộ cá nhân nói trên gồm tất cả những người làm ở các cơ sở khám, chữa bệnh; cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm; cơ sở cách ly theo dõi người nhiễm hoặc nghi ngờ; theo dõi chăm sóc người nhiễm, nghi nhiễm tại nhà.

Những người thực hiện nhiệm vụ ở các chốt trong khu vực cách ly, tổ Covid-19, khu vực lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine tại cộng đồng; khu vực nhập/xuất cảnh người, hàng hóa; vận chuyển người nhiễm, nghi ngờ nhiễm... cũng cần trang bị các phương tiện phòng hộ cá nhân này.

Bộ Y tế lưu ý phương tiện phòng hộ cá nhân dùng trong phòng, chống dịch Covid-19 cần đáp ứng được các tiêu chuẩn về phòng, chống lây nhiễm SARS-CoV-2 do bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Theo bộ Y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân sẽ chỉ phát huy hiệu quả khi được áp dụng cùng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm và kiểm soát nhiễm khuẩn khác.

Bộ Y tế yêu cầu luôn có sẵn phương tiện phòng hộ cá nhân và được bảo quản đúng quy định. Kiểm tra số lượng hàng ngày để bảo đảm không thiếu phương tiện phòng hộ ngay cả trong tình huống khẩn cấp.

Các nhân viên y tế cần được đào tạo kỹ về sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trước khi làm việc, phải lựa chọn đúng chủng loại phương tiện theo từng tình huống công việc, kích cỡ phù hợp với người sử dụng.

Người sử dụng phương tiện phòng hộ phải tuyệt đối tuân thủ quy trình mang và tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân. Không mặc trạng phục phòng hộ khi ngủ, nghỉ, sinh hoạt, ăn uống. Bên cạnh đó, không phun hóa chất lên bề mặt trang phục trong bất kỳ tình huống nào và không tái sử dụng. Bộ quần áo mặc bên trong trang phục phòng hộ nên được thay và giặt tập trung sau mỗi ca làm việc.

Các phương tiện phòng hộ cá nhân được tháo bỏ ở phòng đệm, sau đó cho ngay vào thùng chất thải lây nhiễm sau khi tháo bỏ. Người sử dụng lưu ý luôn vệ sinh tay khi tháo bỏ từng phương tiện phòng hộ.

Nơi mặc và tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân phải hai khu vực riêng biệt. Các phương tiện phòng hộ cá nhân sau sử dụng là chất thải lây nhiễm, phải được thu gom và xử lý như chất thải lây nhiễm.

Đinh Kim (T/h) - Người Đưa Tin Pháp Luật