Người mù mắt, hỏng gan, người bị vợ con trói lại vì gặp họa khi có thói quen ăn sáng cực xấu

CTV
Vì thói quen khó bỏ, nhiều người đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, thậm chí có trường hợp bị biến chứng mù mắt và khó hồi phục.

Những ngày qua, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) liên tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp), trong đó có 3 trường hợp đang điều trị và cả 3 đều bị biến chứng mất thị lực hoàn toàn.

Đầu tiên là bệnh nhân Đ.V.K (59 tuổi, ở Quảng Xương, Thanh Hóa), nhập viện trong tình trạng đau đầu, mất thị lực. Gia đình cho biết, trước đó bệnh nhân đã đi khám mắt ở một số cơ sở y tế và được chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai do khai thác tiền sử có sử dụng rượu nghi chứa methanol.

Theo lời người nhà, tại nhà, bệnh nhân thường xuyên uống rượu vào các bữa sáng, trưa và tối. Trước khi có biểu hiện mất thị lực 2 ngày, bệnh nhân đi ăn sáng và uống rượu tại quán, sau đó về vẫn tiếp tục uống tại nhà, rồi có biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn ngày càng nhiều. Sau đó bệnh nhân nằm nghỉ và khi thức dậy thì mắt không nhìn thấy gì.

Thói quen ăn sáng uống rượu khiến người đàn ông Thanh Hóa nhập viện vì ngộ độc methanol. Ảnh: Lê Phương.

Tôi có thói quen ăn sáng uống rượu từ rất lâu rồi, phải có chén rượu đưa “mồi” thì mới ngon miệng. Không ngờ lần này lại gặp phải rượu rởm, trong khi trước đó tôi cũng thường xuyên ăn tại quán này”, ông K chia sẻ. Ngoài bị mất thị lực, bệnh nhân này còn bị tăng men gan, xơ gan.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân N.V.T (60 tuổi, ở Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) vừa nhập viện vài ngày trước. Khác với bệnh nhân K, ông T không có thói quen uống rượu sáng, mà chỉ uống bữa trưa và bữa tối. Theo chia sẻ của người bệnh, rượu ông uống được mua từ một nhà chuyên nấu rượu, vì thế ông rất tin tưởng nhưng không ngờ họ lại pha cồn để bán khiến ông phải đi viện. “Tôi uống rượu hôm trước, đến hôm sau đã có biểu hiện đau đầu, buồn nôn và mờ mắt không nhìn thấy gì. Tại bệnh viện, sau khi xét nghiệm phát hiện nồng độ methanol trong máu rất cao”, ông T chia sẻ.

Trường hợp thứ 3 là ông B.V.Th (69 tuổi, ở Tam Dương, Vĩnh Phúc), ngoài mù mắt, bệnh nhân này đang có dấu hiệu loạn thần, nói sảng do nghiện rượu nặng và đang bị buộc tay chân vào gường bệnh để không “quậy phá”. Vợ bệnh nhân cho biết, do ông Th nghiện rượu nặng nên gia đình kiểm soát lượng rượu uống vào. Tuy nhiên, trước hôm nhập viện ông Th có nhờ cháu ngoại đi mua một lít rượu ở quán gần nhà về uống “thả phanh”, sau đó bị say và đi ngủ.

Ngày hôm sau tỉnh dậy thấy đầu đau như búa bổ, trước mắt đen xì, ông Th được đưa đi cấp cứu vì nghi ngộ độc rượu methanol. Kết quả xét nghiệm nồng độ methanol trong máu bệnh nhân rất cao.

Các loại cồn công nghiệp chứa methanol hiện chưa được quản lý chặt trẽ là nguyên nhân gây nhiều ca ngộ độc nguy kịch. Ảnh minh họa.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đây là 3 trường hợp điển hình khi bị ngộ độc rượu methanol và có biến chứng mù mắt. Cả 3 trường hợp này khả năng hồi phục thị lực là rất thấp, đó là chưa kể các bệnh lý khác kèm theo như viêm gan, xơ gan…

Khi bệnh nhân uống phải rượu rởm pha cồn công nghiệp, methanol sẽ chuyển hóa axit formic. Sự tích tụ lượng lớn axit formic có thể gây tổn thương võng mạc và thần kinh thị giác, dẫn đến mù vĩnh viễn”, bác sĩ Nguyên lý giải.

Quá trình chuyển hóa methanol trong cơ thể thường diễn ra chậm, nhất là ở những người nghiện rượu, họ uống thường xuyên thì sự pha trộn giữa methanol và ethanol (rượu tự nấu), khiến quá trình chuyển hóa càng chậm hơn. Vì thế, có trường hợp sau 2-3 ngày uống phải rượu có chứa methanol mới có biểu hiện và biến chứng, tổn thương.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, rượu methanol dễ uống, có cơ chế gây say như rượu tự nấu nên khó phát hiện sớm. 

Bác sĩ Nguyên cảnh báo, rượu có chứa methanol rất khó để phân biệt, chúng không hề khó uống, thậm chí còn có vị hơi ngọt và dễ uống. Sau khi uống chúng vẫn cho cảm giác say như rượu tự nấu vì thế người dân càng khó phát hiện. Chỉ khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc điển hình thì mới khẳng định được việc đã uống phải methanol. Vì phát hiện muộn nên các trường hợp ngộ độc methanol thường để lại hậu quả đáng tiếc. Đây cũng là lý do các trường hợp ngộ độc methanol ghi nhận ở nước ta thường để lại hậu quả rất đáng tiếc.

Trong dịp cuối năm và sau kỳ nghỉ tết số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu methanol thường gia tăng. Vì thế, ngay từ bây giờ mọi người cần phải nâng cao cảnh giác, đề phòng tác hại của rượu nói chung và ngộ độc rượu methanol nói riêng”, bác sĩ Nguyên tư vấn.

Để phòng ngộ độc methano, bác sĩ Nguyên khuyến cáo người dân cần:

- Uống ít rượu để tránh nguy cơ mua phải rượu rởm.

- Chỉ uống rượu khi biết chắc chắn nguồn gốc rõ ràng, mua rượu có địa chỉ tin cậy, uy tín, có tem mắc, mã code để truy vết nguồn gốc…

- Ngoài ra, cơ quan quản lý cần phải vào cuộc quyết liệt hơn để ngăn chặn việc bán cồn công nghiệp, cồn tẩy rửa, cồn đốt… bừa bãi như hiện nay. Việc mua bán quá dễ dàng khiến nhiều người ham lợi nhuận sẽ mua cồn có chứa methanol về pha để bán kiếm lời và điều này chính là nguyên nhân dẫn tới ngộ độc methanol.