BSCK II Nguyễn Tiến Thành (thành viên Hội Da liễu Việt Nam) mới tiếp nhận một nữ bệnh nhân bị biến chứng do điều trị sẹo tại một cơ sở làm đẹp tư nhân. Theo đó, bệnh nhân là chị H.T.A (43 tuổi, sống ở Bắc Ninh), từng bị mụn trứng cá ở vùng ngực để lại sẹo lồi, ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Với mong muốn có được vùng ngực nuột nà hơn, để tự tin khoe vòng một mỗi khi ra ngoài nên chị A. có nhu cầu trị sẹo.
Nghe theo lời giới thiệu trên mạng, chị để đến một spa gần nhà và được tư vấn về kỹ thuật điều trị sẹo khỏi vĩnh viễn chỉ một lần duy nhất. Theo lời nhân viên, đây là kỹ thuật điều trị “siêu tốc” không đau, không biến chứng, chỉ điều trị một lần sẽ có làn da mịn màng. Với mong muốn được điều trị khỏi, chị A. đã đóng 30 triệu bao gồm cả tiền thuốc để sử dụng liệu trình. Sau khi trị sẹo, bệnh nhân tiếp tục đến spa hàng ngày để truyền giảm đau.
“Sau 10 ngày cắt chỉ, sẹo bắt đầu có xu hướng ngứa và lồi lại, 2 tháng sau sẹo to gấp 2-3 lần ban đầu, sẹo ngứa và đau nhức… Tôi tìm đến spa mong nhận được lời giải thích thì spa đã đóng cửa”, chị A. chia sẻ.
Một số sẹo lồi ở vùng ngực bệnh nhân sau khi điều trị tại spa.
Bác sĩ Thành cho biết, khi tiếp nhận, vết sẹo lồi của bệnh nhân có kích thước 6 x 8 cm ở vùng ngực, vết sẹo cũ, sẹo mới chồng lên nhau chằng chịt, gây ngứa nhức, sẹo có xu hướng ngày càng phát triển lan rộng. Qua thăm khám, bác sĩ Thành đã chỉ định điều trị bằng cách tiêm nội tổn thương, kết hợp công nghệ laser màu… để giảm quá trình tăng sinh, phát triển sẹo, cũng như giảm triệu chứng ngứa, đau và màu đỏ của sẹo. Hiện sau khoảng 4-5 buổi điều trị, bệnh nhân không còn thấy đau nhức, ngứa tại vết sẹo, sẹo cùng giảm kích thước trên 50%.
Theo bác sĩ Thành, sẹo lồi có thể xuất hiện ở vị trí bất kỳ, nhưng thường gặp ở ngực, vai, lưng trên, trước xương ức, dái tai. Sẹo thường phát triển cao và rộng vượt ra ngoài thương tổn ban đầu, tỷ lệ tái phát cao. Ngoài ra, sẹo lồi còn có thể gây co kéo, gây đau, giới hạn vận động và có nhiều hình thái khác nhau, vì thế việc điều trị sẹo lồi khá khó khăn.
Sẹo lồi thường xuất hiện sau các tổn thương da như mụn trứng cá, nhiễm trùng tại chỗ, bỏng, phẫu thuật, chấn thương. Với đặc tính diễn tiến lan ra vùng da lành xung quanh, sẹo lồi còn gây ảnh hưởng nặng nề lên chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Bác sĩ thành đang xử lý biến chứng cho bệnh nhân. Ảnh: BSCC.
Bác sĩ Thành cho biết, hiện phương pháp điều trị sẹo lồi khá đa dạng như tiêm thuốc nội sẹo, áp lạnh bằng nitơ lỏng; sử dụng phối hợp với các loại laser như laser CO2… Bác sĩ Thành khẳng định, hiện nay không có phương pháp nào điều trị một lần là khỏi sẹo lồi như quảng cáo.
Đáng chú ý, việc cắt bỏ sẹo lồi hiện rất hạn chế áp dụng vì sẹo có nguy cơ phát triển to hơn nhiều lần so với ban đầu. Trong trường hợp có chỉ định, việc phẫu thuật cần phải được phối hợp điều trị bảo tồn sau đó.
Bác sĩ khuyến cáo, những ai cơ thể dễ bị sẹo lồi hoặc có người thân trong gia đình đã bị sẹo lồi nên thận trọng trong việc thực hiện các việc sau để ngăn ngừa sự hình thành sẹo lồi:
- Không xỏ lỗ tai, xỏ khuyên trên cơ thể;
- Không xăm mình, thủ thuật thẩm mỹ (nếu muốn phẫu thuật, cần liên hệ bác sĩ da liễu kiểm tra da trước khi phẫu thuật để tránh nguy cơ gây sẹo lồi);
- Chăm sóc mọi vết thương ngay lập tức (dù vết thương nhỏ) để giúp da nhanh lành, giảm nguy cơ để lại sẹo. Hạn chế cào gãi, ma sát vào tổn thương sẹo.
Trường hợp có vết sẹo lồi hay sẹo xấu, tốt nhất nên đến thăm khám trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa, không nên điều trị tại các cơ sở không uy tín tránh tiền mất tật mang.