Bệnh viện A Thái Nguyên cho biết, vừa tiếp nhận điều trị cho một nữ bệnh nhân 69 tuổi bị tắc ruột vì dùng nghệ mật ong. Bệnh nhân chia sẻ, nhiều năm qua, bà thường xuyên bị đau bụng, nghĩ bị dạ dày nên bà tự mua viên nghệ mật ong về uống. Mỗi ngày, bà uống khoảng 10 viên, hôm nào lên cơn đau bất chợt bà sẽ uống thêm. Duy trì uống đều đặn suốt 3 tháng, song bà không thấy bệnh đỡ. Gần đây, thấy đau nặng hơn, bà mới đến Bệnh viện A Thái Nguyên khám.
Bác sĩ Bùi Hùng Cường - khoa Nội tổng hợp của bệnh viện cho hay, khi nội soi phát hiện khối bã thức ăn màu vàng lớn, kích thước tương đương quả cam sành chiếm gần hết phình vị. Bác sĩ đã can thiệp nội soi, cắt nhỏ khối bã thức ăn và lấy ra từng phần. Khi nội soi lại, bác sĩ phát hiện phần dạ dày tiếp xúc với khối thức ăn bị viêm, có loét trợt. Sau can thiệp, bệnh nhân điều trị tại viện thêm 4 ngày, sau đó được kê thêm thuốc giảm tiết dùng 10 ngày và hẹn tái khám.
Đây là trường hợp thứ 2 mà bác sĩ Cường tiếp nhận điều trị có hình thành khối bã thức ăn trong dạ dày do ăn nhiều nghệ.
Được biết, tại Hà Nội cũng từng tiếp nhận bệnh nhân nam bệnh nhân 74 tuổi có khối bã thức ăn chiếm gần hết dạ dày do uống nghệ mật ong, tam thất và linh chi. Bác sĩ đã phải nội soi tới 3 lần trong 2 tuần liên tiếp mới có thể gắp hết khối bã.
Bác sĩ Cường cảnh báo, rất nhiều người dân hiện nay khi đau bụng tự chẩn đoán bị đau dạ dày sau đó uống nghệ mật ong, coi đó như thần dược.
Nghệ có thành phần curcumin giúp hỗ trợ liền vết thương và mật ong có tính kiềm giúp trung hòa bớt axit dịch vị. Tuy nhiên, với bệnh nhân cao tuổi, người có nhu động ruột kém khi uống nghệ mật ong rất dễ kết dính với các chất xơ trong thức ăn, hình thành khối bã trong dạ dày gây đau bụng và tổn thương dạ dày.
Ngoài ra, việc tiêu thụ quá nhiều nghệ thường xuyên có thể gây sỏi mật, đau bụng hoặc tiêu chảy, buồn nôn, khó đông máu...
Viêm loét dạ dày là bệnh khá phổ biến, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì thế, khi có biểu hiện bất thường người dân cần đi khám để xác định nguyên nhân, từ đó có chỉ định phù hợp.