OpenAI là công ty đứng sau chatbot (hộp trò chuyện) nổi tiếng ChatGTP - viết tắt của Chat Generative Pre-training Transformer. Nó được biết đến như một siêu AI (trí tuệ nhân tạo) có thể tạo văn bản miễn phí như làm thơ, viết code và trả lời nhiều vấn đề phức tạp từ cập nhật tin tức đến triết học, Reuters đưa tin.
Điều ấn tượng nhất khiến cho ChatGPT trở nên nổi tiếng là khả năng hiểu và sử dụng ngữ cảnh. AI này có thể thực hiện các cuộc trò chuyện một cách tự nhiên như con người.
ChatGTP trở nên phổ biến rộng rãi kể từ khi ra mắt vào tháng 11/2022 nhưng cũng gây ra lo ngại về vấn đề bản quyền và đạo văn.
Hiện nay, chatbot này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu nhưng người dùng đã có thể đăng ký dùng thử miễn phí.
Công cụ hữu ích
Kể từ khi ChatGTP được phát hành, nhiều học sinh, sinh viên đã sử dụng mô hình này để làm tiểu luận, tóm tắt tài liệu... dù nó vẫn còn nhiều lỗi nghiêm trọng. Các giáo viên cũng đang phải vật lộn chống lại sự bùng nổ của AI trong trường học.
Edward Tian, sinh viên Đại học Princeton (Mỹ), đã phát triển ứng dụng GPTZero để phát hiện văn bản tạo từ AI. Trong khi đó, Ethan Mollick, giáo sư tại Trường Wharton của Đại học Pennsylvania, đã thiết lập bộ quy tắc về AI, cho phép sinh viên dùng ChatGPT miễn là họ mô tả chính xác mục đích và cách họ dùng siêu AI này.
Mới đây, nhà cung cấp khóa học trực tuyến Study.com đã thực hiện khảo sát với 1.000 sinh viên trên 18 tuổi ở Mỹ về việc sử dụng ChatGPT. Các câu trả lời khiến người thực hiện khảo sát ngỡ ngàng khi 48% người được hỏi thú nhận rằng họ đã từng sử dụng ChatGPT để hoàn thành bài kiểm tra hoặc bài tập.
Hơn 50% người được hỏi cho biết họ đã sử dụng ChatGPT để viết một bài luận, trong khi 22% thừa nhận đã yêu cầu ChatGPT viết đề cương.
Dù kết quả khảo sát cao đến mức đáng kinh ngạc nhưng gần 3/4 sinh viên tham gia cuộc khảo sát cho biết họ muốn ChatGPT bị cấm sử dụng với học sinh, sinh viên. Điều đó cho thấy sinh viên cũng lo lắng không kém về việc "gian lận có thể sẽ trở thành điều bình thường".
Trải nghiệm của người Việt
Hiện ChatGPT vẫn đang được thử nghiệm miễn phí. Để đăng ký dịch vụ này, người dùng cần truy cập chat.openai.com và làm theo hướng dẫn. Tuy nhiên, giải pháp của công ty Mỹ hiện vẫn bị hạn chế truy cập từ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, Tri Thức Trực Tuyến thông tin.
Do đó, đa số cá nhân có nhu cầu sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận ChatGPT từ bước tạo tài khoản. Ngay từ bước tạo lập đầu tiên, người dùng không thể dùng số điện thoại của mình để nhận mã OTP xác nhận.
Để tự mình đăng ký dịch vụ ChatGPT, người dùng cần tìm giải pháp thay thế bằng số điện thoại các quốc gia có hỗ trợ. Nếu có người thân, bạn bè đang sinh sống, làm việc tại các nước trong danh sách được chấp nhận để nhờ đăng ký hộ hoặc nhận mã xác nhận thay mình.
So với việc đăng ký các dịch vụ khác, ChatGPT có quy trình phức tạp, tốn thời gian với người dùng Việt Nam. Hiện tại, một số hội nhóm trong nước có chia sẻ các tài khoản đã được kích hoạt để mọi người có cơ hội trải nghiệm.
Tuy nhiên, việc một tài khoản được dùng bởi nhiều cá nhân khiến quá trình xử lý bị chậm lại, đôi khi xảy ra giật lag, không có câu trả lời. Ngoài ra, số lượng lớn chủ đề được tạo ra trên một tài khoản miễn phí khiến việc quản lý, tìm lại nội dung cũ khó khăn hơn.
Do khó khăn ngay trong bước đầu tiên đã cản trở rất nhiều người dùng Việt Nam trải nghiệm ChatGPT. Trong một số các hội nhóm về công nghệ, đã khá nhiều thành viên chia sẻ tài khoản ChatGPT miễn phí, số lượng tài khoản lên đến hàng trăm, nhưng phần lớn các tài khoản này đều bị quá tải lượt sử dụng và đều không thể dùng ngay lập tức được.
“Mấy ngày gần đây ChatGPT được truyền thông nói đến rất nhiều, khiến mình tò mò và cực kỳ muốn trải nghiệm thử. Nhưng mình đã phải bỏ buộc ngay từ bước đầu tiên, vì thiết lập tài khoản còn không được nữa thì làm sao mà trải nghiệm đây”, báo Tổ Quốc dẫn chia sẻ của anh Nguyễn Hoàng ngụ quận Tân Bình (TP. HCM).
ChatGPT vẫn đang trong giai đoạn phát triển và chỉ cho phép người dùng sử dụng thử trên trang web của công ty OpenAI. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ứng dụng với cái tên tương tự ChatGPT xuất hiện ngập tràn trên các cửa hàng trực tuyến như App Store hay Google Play.
Trong số đó, có nhiều ứng dụng trả phí và thậm chí còn yêu cầu trả tiền theo tháng để được sử dụng bot và tắt quảng cáo. ChatGPT dường như đang trở thành "con mồi" cho những kẻ lừa đảo và các nhà phát triển muốn lợi dụng sự phổ biến của nó để thu lợi bất chính.
Bích Thảo (T/h)