Nguy cơ tái diễn tình trạng lừa đảo xuất khẩu điều

3 công ty Việt ngành tiêu, điều và cây gia vị Việt Nam nghi bị một khách ở Dubai, cấu kết với ngân hàng lừa đảo hơn 7 tỷ đồng.

3 công ty Việt ngành tiêu, điều và cây gia vị Việt Nam nghi bị một khách ở Dubai, cấu kết với ngân hàng lừa đảo hơn 7 tỷ đồng.

Báo đưa tin, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) vừa có thông báo gửi các doanh nghiệp ngành điều thông tin về vụ việc nghi bị lừa đảo trong xuất khẩu hạt điều nhân sang Dubai, UAE.

Cụ thể, Công ty Tín Mai là hội viên Vinacas đã ký hợp đồng bán nhân điều cho Công ty Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC, người giao dịch trực tiếp là Naeem Chaudhry.

Khách đã ứng 15% tiền, sau đó công ty giao hàng đến cảng Jebel Ali, UAE vào ngày 24/6. Hàng đã được lấy và trả container rỗng ngày 27/6, tuy nhiên Công ty Tín Mai vẫn chưa được thanh toán 85% trị giá còn lại của lô hàng.

Mặc dù ngân hàng phía Việt Nam đã gửi 2 điện (Swift) đến ngân hàng bên mua là Ajman Bank PJSC yêu cầu thanh toán và hoàn trả bộ chứng từ nhưng không được thực hiện. Qua kiểm tra, được biết bộ chứng từ của lô hàng đã được giao cho một nhân viên an ninh của Ajman Bank PJSC, nhưng chưa biết sau đó bộ chứng từ đến đâu.

Cũng theo Vinacas, ngoài công ty trên thì còn ít nhất 2 doanh nghiệp trong ngành tiêu và cây gia vị gặp tình trạng tương tự với cùng 1 khách hàng và ngân hàng nói trên.

Như vậy, giá trị 3 container hàng của 3 doanh nghiệp chỉ khoảng 300.000 USD (tương đương hơn 7 tỷ đồng) nhưng lại là 3 mặt hàng khác nhau. Vinacas nhận định, nhiều khả năng có sự cấu kết, thông đồng, nghi lừa đảo của khách hàng (người mua) và ngân hàng phía người mua.

nguy co tai dien tinh trang lua dao xuat khau dieu

Cảnh báo nguy cơ tái diễn tình trạng lừa đảo xuất khẩu điều nhân.

Đây không phải lần đầu tiên doanh nghiệp ngành điều Việt Nam nghi bị lừa khi xuất khẩu điều sang nước ngoài. Trước đó, năm 2022 từng xảy ra vụ các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước bị lừa xuất gần 100 container hạt điều sang Ý. Phương thức thanh toán trong hợp đồng là “Nhờ thu kèm chứng từ (D/P)”.

Theo Tạp chí tài chính, việc thanh toán theo phương thức D/P có nhiều rủi ro, nhưng được các doanh nghiệp ngành điều sử dụng nhiều, vì thủ tục đơn giản và thanh toán nhanh với một số lợi thế cho người bán.

Trao đổi trên báo Người lao động về việc liệu doanh nghiệp Việt Nam có mắc sai lầm nào trong giao dịch quốc tế dẫn đến nguy cơ bị lừa đảo, đại diện một thành viên hiệp hội ngành hàng cho hay, vấn đề của vụ việc nằm ở phương thức thanh toán. Các doanh nghiệp đã dùng phương thức thanh toán D/P (trả tiền để được nhận chứng từ), đang được áp dụng hầu hết tại UAE, ít dùng phương thức L/C (tín dụng chứng từ) dù hình thức này an toàn hơn.

Tuy nhiên, thanh toán D/P vẫn an toàn nếu như ngân hàng bên mua thực hiện đúng quy định quốc tế. Đó là, chỉ khi người mua nộp tiền cho ngân hàng nhờ thu hộ để trả cho người bán, ngân hàng mới giao bộ chứng từ để người mua đi nhận hàng.

Ở trường hợp này, bộ chứng từ của lô hàng đã giao cho ngân hàng nhưng người bán không nhận được tiền mà hàng đã bị lấy. Lỗi thuộc về ngân hàng bên mua.

Dù vậy, cũng có những tình huống khác có thể xảy ra. "Ví dụ, hãng DHL giao nhầm bộ chứng từ cho người không phải của ngân hàng thì lỗi thuộc về DHL. Thậm chí, nếu chủ đích lừa đào có thể có dàn cảnh để giả người của ngân hàng để lấy bộ chứng từ chẳng hạn", đại diện hiệp hội phân tích.

Vân Anh (T/h)