Nhìn lại hành trình 30 năm vươn mình mạnh mẽ của ngành giáo dục Yên Bái

Từ muôn vàn khó khăn trước khi tái lập tỉnh, ngành giáo dục tỉnh Yên Bái đã không ngừng nỗ lực, vượt qua thử thách để vươn lên, từng bước gặt hái những thành tựu ấn tượng.

Điểm sáng trong phổ cập giáo dục

Trước khi tái lập tỉnh, ngành giáo dục tỉnh Yên Bái rơi vào tình trạng khủng hoảng; quy mô giáo dục sa sút; nhà trẻ tan rã từng mảng; học sinh THCS nhất là học sinh ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số bỏ học trên 22%; đời sống giáo viên gặp nhiều khó khăn, số giáo viên bỏ việc, nghỉ tự túc nhiều.

Tháng 10/1991, tỉnh Yên Bái được tái lập, cũng là thời điểm Đảng và Nhà nước có nhiều văn bản chỉ đạo về phát triển giáo dục. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Yên Bái, với sự tham mưu tích cực của sở GD&ĐT, đã ban hành nhiều chính sách về phát triển giáo dục, đưa cục diện giáo dục tỉnh Yên Bái ngày càng phát triển và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trên các phương diện từ cơ sở vật chất đến chất lượng trên mọi cấp học.

Đáng chú ý nhất là chủ trương phổ cập giáo dục - chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội và Nhà nước và của chính quyền địa phương, đã được thực hiện một cách bài bản và hiệu quả. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Phổ cập giáo dục - chống mù chữ và Xây dựng xã hội học tập từ cấp tỉnh đến cấp xã được thành lập và cùng với các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tăng cường thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng chống mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học, đồng thời triển khai thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trên phạm vi toàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng.

dt-24920211427-24-9-giaoduc1-1639326332.jpg
Ông Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu tham luận về 30 năm - một chặng đường phát triển của ngành giáo dục tỉnh Yên Bái.

Giai đoạn từ 1991-2000, bộ GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo các địa phương duy trì phát triển quy mô giáo dục mầm non theo Nghị quyết số 02-NQ/HTTW ngày 24/12/1996 của BCH Trung ương Đảng khóa VIII chỉ đạo “Xây dựng hoàn chỉnh và phát triển bậc học mầm non cho hầu hết trẻ em trong độ tuổi. Phổ biến kiến thức nuôi, dạy trẻ cho các gia đình”.

Trên cơ sở quy mô trường lớp, học sinh hiện có, tỉnh Yên Bái đã tập trung chỉ đạo phát triển đa dạng loại hình trường, lớp mầm non để huy động tối đa trẻ trong độ tuổi ra lớp. Phát triển các loại hình trường (bán công, dân lập; nhóm trẻ gia đình, nhóm trẻ thời vụ, lớp mẫu giáo 36 buổi, 26 tuần; tuyên truyền, chăm sóc giáo dục trẻ tại gia đình.

Từ đó, số trẻ mầm non ra lớp, được chăm sóc giáo dục tăng lên, thu hút trẻ mầm non được chăm sóc, giáo dục, thực hiện công bằng trong giáo dục. Kết quả đến năm học 1999-2000, toàn tỉnh đã có 56 trường mầm non, 1.143 nhóm lớp và 22.498 trẻ ra lớp.

Năm 1991, tỉnh Yên Bái được tái lập, cũng là năm đầu tiên ngành giáo dục và đào tạo Yên Bái bước vào thực hiện kế hoạch phát triển 5 năm (1991-1995) với mục tiêu “Tiếp tục đổi mới, ổn định phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo…”.

Ngành giáo dục phổ thông đã từng bước thực hiện nhiệm vụ “Tập trung thực hiện chương trình phổ cập giáo dục cấp I và chống mù chữ; phát triển cấp II, cấp III phù hợp với yêu cầu và điều kiện nền kinh tế”.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song, giai đoạn này, giáo dục phổ thông Yên Bái đã có những chuyển biến tích cực: Quy mô trường lớp được củng cố và ngày càng ổn định, phát triển về số lượng.

Giai đoạn 1991-2005, hệ thống giáo dục đào tạo, mạng lưới trường lớp được củng cố. Các trường phổ thông cơ sở dần tách ra thành trường tiểu học và trường THCS, trường THPT phát triển mạnh theo hướng đa dạng hóa loại hình trường lớp. Năm học 2004-2005, toàn tỉnh có 379 trường phổ thông, so với năm học 1990-1991, tăng 99 trường, 2.315 lớp, 64.718 học sinh (gấp 1,62 lần).

Không chỉ có vậy, hệ thống trường lớp cũng được phủ kín đến các thôn bản, đặc biệt là đối với cấp tiểu học, nhằm huy động tối đa học sinh đi học. Tháng 12/1997, tỉnh Yên Bái được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ, vượt kế hoạch 3 năm theo chương trình quốc gia. Đến năm 2007, tỉnh hoàn thành phổ cập THCS.

Sau năm 1991, các trường Bồi dưỡng giáo dục huyện, thị xã, thành phố vẫn được duy trì hoạt động. Trong giai đoạn này, nhiệm vụ bổ túc văn hóa có sự chuyển biến do người học không chỉ cần xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, bổ túc văn hóa mà còn cần học ngoại ngữ, tin học, cập nhật kiến thức khoa học, kỹ thuật...

218376-24-9-giaoduc5-1639326332.jpg
Các học viên lớp xóa mù chữ vui mừng khi hoàn thành khóa học.

Những mục tiêu mới tiếp tục được địa phương này xác định, như tinh thần trong Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 18/10/2002 của Tỉnh ủy Yên Bái: “Phấn đấu đến năm 2005, tất cả các huyện thị xã, thành phố trong tỉnh đều có trung tâm GDTX, trung tâm hướng nghiệp dạy nghề; đến năm 2010, tất cả các xã, phường, thị trấn đều có trung tập học tập cộng đồng, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi thành viên trong cộng đồng, tạo điều kiện hình thành một xã hội học tập ở tỉnh Yên Bái”.

Hình thành diện mạo mới cho ngành giáo dục

Cuối những năm 1990, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 02-NQ/HNTW ngày 24/12/1996 của BCH Trung ương Đảng khóa VIII về định hướng chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000, ngành giáo dục và đào tạo chủ trương xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia để phát triển vững chắc các bậc học nhằm chuẩn hóa các điều kiện về tổ chức, quản lý nhà trường, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cơ sở vật chất, huy động các nguồn lực xã hội để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phù hợp với yêu cầu của đất nước trong giai đoạn mới.

Giai đoạn này, mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh chỉ tạm đủ để đáp ứng nhu cầu học tập ở vùng thuận lợi. Tại vùng cao, vùng đồng bào dân tộc ít người, điều kiện trường lớp học còn nhiều khó khăn, việc đầu tư còn manh mún, chưa đồng bộ.

Với phương châm triển khai kịp thời, đúng trọng tập trọng điểm và nhân rộng, toàn tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực xây dựng mô hình trường đạt chuẩn quốc gia đầu tiên tại các địa bàn thuận lợi như thị xã Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn…

dt-2992021839-img-1049-1639326817.jpg
Diện mạo mới được hình thành khi các nhà trường được trang bị cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy và học hiện đại hơn.

Sau hơn 5 năm triển khai, đến năm học 2004-2005, toàn ngành mới xây dựng được 16 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 3,9%; trong khi tỉ lệ toàn quốc đạt 12,56%.

Tuy nhiên, một diện mạo mới đã hình thành tại những trường đạt chuẩn: cơ sở vật chát khang trang, quy mô lớp học, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên hoàn chỉnh, chất lượng dạy và học được nâng cao... Một số trường chuẩn trở thành điểm sáng được các địa phương, các trường bạn học tập.

dt-24920211422-24-9-giaoduc4-1639326558.jpg
Học sinh trong một giờ học ngoại ngữ, được trang bị thiết bị bổ trợ.

Xác định được tầm quan trọng của mô hình trường chuẩn quốc gia với nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển, nâng cao chất lượng công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia; phấn đấu đến năm 2010 có 20% số trường phổ thông và mỗi huyện, thị xã, thành phố có 1-2 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Chủ trương xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân, phụ huynh học sinh quan tâm.

Tính đến nay (năm 2021), sau 30 năm tái lập tỉnh, cơ sở vật chất giáo dục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa đồng bộ từng bước hiện đại đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập, sinh hoạt của giáo viên và học sinh; nổi bật là việc đầu tư 992 phòng học tân tiến trong đó có 158 phòng học tương tác, gần 78% số phòng học đạt tiêu chuẩn kiên cố… đưa số trường học đạt chuẩn quốc gia lên 55,3%. Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành và trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh được xây dựng mới, đưa vào sử dụng khang trang, hiện đại.