Có những vật dụng tuyệt đối không được bỏ vào cốp xe máy trong những ngày nắng nóng vì có nguy cơ gây nổ nguy hiểm tới tính mạng hoặc mất hoàn toàn tác dụng vốn có, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Dưới đây là những vật dụng chú ý không nên để vào cốp xe khi thời tiết nắng nóng.
Điện thoại, sạc pin dự phòng và các thiết bị điện tử
Khi vận hành xe, sức nóng từ động cơ tỏa ra cùng với môi trường đóng kín nằm dưới yên xe, khi đi trong điều kiện nắng nóng, nhiệt độ trong cốp sẽ không dưới 40 độ C. Mức nhiệt này sẽ gây ra những tác động xấu đối với những thiết bị điện tử và làm giảm tuổi thọ của chúng.
Đặc biệt là pin, đây là vật dụng rất nhạy cảm với nhiệt độ cao, thậm chí có thể phát nổ nếu để trong cốp xe quá lâu. Vì vậy, tuyệt đối không nên để điện thoại và sạc dự phòng bên trong cốp xe, nhất là trong tình trạng đang sạc.
Theo khuyến cáo thì các thiết bị điện tử nên được để ở nơi khô ráo, thoáng mát để không làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của chúng.
Bật lửa
Bật lửa là vật dụng tuyệt đối không cho vào cốp xe do có chứa chất dể bắt lửa (gas). Tương tự như các thiết bị điện tử, nhiệt độ cao trong cốp xe có thể khiến bật lửa phát nổ gây nguy hiểm cho chủ và xe.
Nước có gas, thức ăn
Không chỉ có nhiệt độ cao mà môi trường trong cốp xe còn khá bụi bẩn. Vi khuẩn và nhiệt độ cao trong cốp xe có thể khiến đồ ăn nhanh hư hơn và dễ bị ôi thiu.
Đối với nước có gas được đóng thành chai nhựa, khi để trong cốp xe gặp nhiệt độ cao những chất làm thành vỏ chai nhựa sẽ hòa lẫn vào nước và dễ gây ra bệnh ung thư, tim mạch cho người sử dụng.
Đối với nước có gas được nén khí đóng thành lon, khi gặp nhiệt độ cao có thể làm tăng áp suất bên trong lon và phát nổ khi lực nén quá cao. Ngoài ra, với nhiệt độ cao trong cốp xe sẽ làm cho thức uống dễ bị biến chất khi để lâu.
Kem chống nắng
Tuýp kem chống nắng là vật bất ly thân với các chị em phụ nữ trong mùa hè lại có thể gây hậu quả đáng sợ nếu được cất trong cốp xe giữa trời nắng nóng.
Nếu phải chịu sức nóng quá lâu trong cốp vừa nóng vừa kín, tuýp kem chống nắng của bạn có thể phát nổ. Mặc dù, sức nổ của tuýp kem chống nắng không gây hại như lon nước ngọt, thiết bị điện tử hay bật lửa, nhưng cũng khiến bạn phải cất công dọn dẹp lại cốp xe của mình.
Ngoài ra, khi để kem chống nắng hóa học trong cốp xe, phản ứng hóa học của các thành phần chống nắng sẽ xảy ra nhanh hơn ở môi trường có nhiệt độ cao (trên 26 độ), lúc này khả năng chống nắng của sản phẩm sụt giảm rất nhanh chóng.
Mỹ phẩm
Các loại mỹ phẩm thường được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát. Nếu để trong cốp xe, khi di chuyển thường tạo nên nhiệt độ cao, những sản phẩm mỹ phẩm sẽ bị hỏng dần, không còn tác dụng, thậm chí có thể gây tác dụng phụ như mẩn ngứa, dị ứng cho người dùng.
Son môi khi để trong cốp xe gặp nhiệt độ cao có thể nóng chảy và biến chất. Nước hoa ở trong nhiệt độ cao của cốp xe sẽ bị biến đổi về mùi hương và gây cháy nổ khi quá nóng.
Các loại kem dưỡng da, kem chống nắng nếu để quá lâu trong nhiệt độ cao sẽ mất hết tác dụng. Những tuýp bằng nhựa có thể gây phát nổ ở môi trường có nhiệt độ cao.
Thuốc
Thuốc là sản phẩm cần phải bảo quản nơi khô ráo và thoáng mát để đảm bảo được những tác dụng vốn có của chúng. Chính vì thế, nếu một số loại thuốc dự phòng được bạn để ở cốp xe, lâu ngày sẽ biến chất làm giảm chất lượng của thuốc, thậm chí gây nguy hiểm cho người dùng.
Chất lỏng dễ cháy
Các chất lỏng dễ cháy đều được cảnh báo trên mặt hộp như xịt gôm, xịt khoáng,… cũng gây ra nguy hiểm nếu để quá lâu trong cốp xe. Nhiệt độ cao có thể làm áp suất của những vật phẩm đó tăng cao, khí bị nén mạnh dẫn đến phát nổ.
Tương tự nhiều sản phẩm khác, các đồ vật này để trong môi trường có nhiệt độ cao sẽ làm mất chất lượng, tác dụng vốn có của chúng.
Nước hoa
Trong nước hoa có một hàm lượng cồn nhất định. Đó là lý do mà chúng rất dễ bị bắt lửa. Vì vậy không nên để nước hoa trong cốp xe, nhiệt độ cao sẽ khiến mùi hương của chúng bị biến đổi đồng thời có thể gây cháy nổ khi quá nóng.
Kính râm
Những chiếc kính râm thường được chị em để trong cốp xe sau khi sử dụng xong. Tuy nhiên, nếu để cốp xe quá nóng và nhiệt độ môi trường cao, nhất là vào mùa hè, thành phần nhựa trong kính sẽ nóng chảy, gây nguy hại cho đôi mắt, da và tiềm ẩn nguy cơ ung thư khi mình đeo vào.
Như Quỳnh (T/h)