Nhà không cửa
Hiện nay, ấp Mũi, xã Đất Mũi có hơn 340 hộ gia đình, trong đó có gần 40% hộ cất nhà nhưng không làm cửa. Đây cũng là nơi còn tồn tại nhiều ngôi nhà không cửa nhất trên địa bàn xã. Được biết, ấp Mũi là xóm dân cư đầu tiên của xã Đất Mũi. Theo lời của các cụ cao niên, cách đây hơn 20 năm, không chỉ riêng ấp Mũi mà toàn xã Đất Mũi có đến hơn 90% nhà không cửa.
Nhà không cửa gần gũi, thân thiện, vừa minh chứng cho sự yên bình, gắn bó tình làng nghĩa xóm của một làng quê, vừa tạo cảm giác an tâm, tin tưởng cho những ai đặt chân đến nơi cuối cùng trên mảnh đất hình chữ S. “Cái đáng quý nhất ở những ngôi nhà không cửa chính là sự gắn bó, đậm đà tình làng nghĩa xóm.
Nhà bè
Thành phố ngã ba sông Châu Đốc có lẽ là nơi nổi tiếng nhất với những nhà bè di động này, những nhà bè kiên cố, vững chắc được làm từ những loại gỗ tốt nhất, phía trên là nơi để ở, sinh hoạt của gia đình, phía dưới quây lưới lại làm chuồng nuôi cá.
Nhà bè ở Châu Đốc kèo dài cả cây số trên một khúc sông rộng lớn tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp, là địa điểm yêu thích của rất đông du khách khi đến với vùng đất này.
Nhìn xa, làng bè một dãy nhưng không bè nào giống bè nào. Bè người nuôi cá làm ăn khá giả thì giá trị của chiếc bè lên đến hàng trăm triệu đồng, có khi cả tỉ đồng: cột săn, cây chắc, mái tôn cao cấp, phòng lạnh, máy điều hòa.
Độ bền vững của mỗi nhà bè từ bốn, năm chục năm. Và cũng có những chiếc bè gác tạm trên mặt nước, người ta chỉ cần kết vài ba thùng phuy lại cho chặt, rồi gác cây lên, che mái tôn, dựng vách ván hoặc lá. Ở vài ba năm "bè giạt", lại kết cái mới ở tiếp.
Ở làng bè cư dân đủ thành phần, sinh sống bằng đủ thứ nghề. Người không đất ở đành đóng bè neo sống; người làm ăn thất bát trên bờ, bán đất, bỏ bờ xuống bè ở; cũng có người ở bè như một thú vui tiêu khiển; có cả bè làm quán nhậu thâu đêm...
Dù khó, nhiều hộ gia đình vẫn bám bè để sống, họ không nuôi cá tra, basa nữa mà chuyển nuôi các loài cá nước ngọt khác theo cơ chế thị trường, để giữ danh tiếng làng bè đã đi vào thơ ca của một vùng đất "trên cơm, dưới cá".
Nhà sàn chống lũ
Đến vùng rốn lũ An Giang, Đồng Tháp, một trong những dấu hiệu nhận biết người dân “sống chung với lũ” là những ngôi nhà sàn cao chót vót của bà con nơi đây. Vì thế dọc theo các tuyến lộ, con đê, từ ấp ra xã, đến huyện,… đâu đâu cũng thấy nhà sàn, dưới những căn nhà sàn chi chít những cây cột cao lêu ngêu, gồng mình đỡ nhà, chống lũ.
Tùy theo kinh tế của mỗi hộ mà liệu xây nhà, người nghèo thì dùng cây tràm, bạch đàn làm cột, người khá giả thì dùng trụ bê tông,…
Dù người dân dùng vật liệu gì để xây nhà thì yêu cầu đầu tiên là nền nhà phải cao bằng con đê thì mới mong thoát lũ.
Nhà có bàn thờ Ông Thiên trước cửa
“Bàn Thiên” có nhiều loại. Trước đây, người Việt thường làm “bàn Thiên” bằng cây gỗ đơn sơ, gồm một cây cột cao khoảng 1m, phía trên đặt một tấm ván hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 0,4m.
Cây gỗ làm trụ “bàn Thiên” lâu ngày rất dễ bị mưa nắng làm mục, nên một số gia đình người Việt còn dùng cây vông nem hoặc cây gòn làm trụ, vì các loại cây này khi cắm xuống đất sẽ đâm rễ ra nhánh nên trụ sẽ sống từ năm này qua năm khác không sợ mục.
Về sau, một số gia đình khá giả, dựng bàn Thiên bằng cột bê-tông, bên trên bàn thờ dán gạch men. Xung quanh bàn thờ được xây xi măng khoảng từ 0,1 m, tạo sự vững chắc cho bàn thờ. Trên bàn thờ lúc nào cũng có một lư hương dùng để cắm nhang và mấy ly nhỏ dùng để rót nước cúng ông Thiên.
Vào những ngày quan trọng như mồng một, ngày rằm hoặc những dịp cúng tổ nghề, lễ, Tết, người Việt cúng ở bàn thờ Thiên trang trọng hơn, có thể là chén gạo, muối, chè, và ngày Tết còn có thêm đĩa hoa quả.
Nhà lá
Ai đã từng ghé qua vùng nông thôn miền Tây sống nước chắc hẳn tò mò với những ngôi nhà lá, đơn sơ nhưng thoáng mát ẩn hiện trong những vườn trái cây thơm ngon, dịu ngọt.
Đó không đơn giản chỉ là đặc trưng trong kiến trúc nhà ở nông thôn Tây Nam Bộ mà còn là “đặc sản”, là nét đẹp duyên dáng của con người nơi đây được lưu giữ từ bao đời trong nhịp chảy hiện đại.
Có lẽ đối với những người miền Tây, họ đã không còn xa lạ gì với những rặng cây dừa nước mọc um tùm, xum xuê dọc theo những bờ sông, che chắn trong vườn nhà.
Trong khi những ngôi nhà sang trọng, những biệt thự đẹp hiện đại mọc lên như nấm ở phố xá thì tại những vùng nông thôn miền Tây, du khách đến đây lại yêu thích kiến trúc của những mẫu nhá mái lá dừa độc đáo, đơn sơ mà mát mẻ như những mẫu biệt thự sân vườn nhỏ kiểu cổ xưa vậy.
Theo Tinnhanhonline