Sau nhiều lần đi khám tại các bệnh viện lớn trong nước, bé Dương Anh H. (30 tháng tuổi), con trai của chị Trang bị chẩn đoán điếc sâu hai tai bẩm sinh. Thời điểm phát hiện thính giác của con có vấn đề, chị Trang đã mượn máy trợ thính để đeo cho con. Đến khi Anh H. được 29 tháng tuổi, máy trợ thính đã không còn tác dụng.
Chị Trang hạnh phúc khi thính giác của con đang tiến triển từng ngày.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng chị Trang là lao động duy nhất của gia đình, hằng tháng phải trả tiền trọ, chi phí sinh hoạt cũng như chạy chữa cho con khiến cuộc sống của vợ chồng chị Trang vốn khó nay lại càng khó hơn.
Chia sẻ với người viết, chị Trang ngậm ngùi: “Ai có con nhỏ sẽ hiểu, bé không ngồi yên được một chỗ, hay chạy nhảy lung tung. Con đi đâu, làm gì thì phải chạy theo thôi. Vì con không nghe nên mình có nói gì cũng không được. Sợ bé chạy ra đường lại va phải xe cộ”.
Nhìn thấy con mình không có khả năng nghe, chị Trang rơi nước mắt mỗi khi nghĩ đến cảnh con mình không được sống bình thường như bao bạn cùng trang lứa. Vì thế, hai vợ chồng hết lòng chạy chữa tại các bệnh viện lớn nhỏ khắp cả nước với ước mong tìm lại thính giác cho con.
Qua sự giới thiệu của chị Chữ Thị Thanh Hương, Chủ tịch Hội Cha mẹ trẻ khiếm thính, chị Trang đã tìm tới sự giúp đỡ của bác sỹ Trần Phương Nam, Chủ tịch Hội Tai-Mũi-Họng tỉnh Thừa Thiên-Huế, trưởng khoa Tai-Mũi-Họng, Bệnh viện Trung ương Huế.
Sau quá trình hội chẩn, đến ngày 8/7, bé đã được các y bác sỹ khoa Tai- Mũi Họng, Bệnh viện Trung ương Huế cùng sự hỗ trợ của chuyên gia PGS.TS. Cao Minh Thành, trưởng khoa TMH Bệnh viện Đại học y Hà Nội phẫu thuật cấy ốc điện tử thành công.
Xúc động hơn, với chi phí phẫu thuật, cùng thiết bị hơn 300 triệu đồng nhưng biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị Trang, mọi chi phí đều được bệnh viện và phía công ty Quang Đức miễn phí.
Các y bác sỹ đang tiến hành phẫu thuật cho bé Dương Anh H.
“Khi bé con được cấy thành công ốc tai, tôi thật sự mừng lắm, hạnh phúc phát khóc luôn. Giờ tôi chỉ mong sau khi tháo băng bé có thể nghe được và nói hai tiếng mẹ ơi thôi. Như vậy là tôi mãn nguyện lắm rồi”, chị Trang không cầm được nước mắt chia sẻ.
Chị Thu Trang xúc động nói: “Không có từ nào có thể diễn tả nổi niềm hạnh phúc của vợ chồng tôi lúc này. Xin được cám ơn Ban giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, bác sỹ Nam cùng tập thể y bác sỹ Khoa Tai- Mũi-Họng. Đặc biệt là PGS.TS. Cao Minh Thành, chị Chữ Thị Thanh Hương, Chủ tịch Hội Cha mẹ trẻ khiếm thính... những người đã hỗ trợ gia đình tôi hết sức trong việc tìm lại thính giác cho con”.
Thông tin từ Khoa Tai- Mũi –Họng, Bệnh viện Trung ương Huế, hiện tại sức khỏe của bé Duowg Anh H. đã dần ổn định. Phẫu thuật cấy ốc điện là phương pháp phẫu thuật nhanh, giảm xâm lấn, không khoan giường, bộ cấy nhỏ gọn. Với việc cho phép bảo tồn độ dày xương sọ, bộ cấy đặt gần tai hơn, vết cắt phẫu thuật nhỏ hơn, thời gian gây mê ngắn hơn, thời gian hồi phục sau cấy nhanh hơn, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng... là những lợi điểm vô cùng to lớn, rất an toàn và phù hợp với trẻ em.