Nguy cơ tan vỡ gia đình vì chồng quá hiếu thảo
Lan lấy chồng là con trai thứ 2 trong một gia đình có 3 anh em trai. Tuy vậy, Tuấn, chồng Lan, lại là người hiếu thuận bố mẹ hơn hẳn. Mỗi khi có bất cứ việc gì liên quan tới bố mẹ, thay vì bàn bạc cùng anh em trai để cùng nhau giải quyết thì anh luôn tự sốt sắng lo lắng một mình.
Bố mẹ ốm, anh giục vợ đi vay tiền để đưa đi viện. Sửa nhà cho ông bà, anh hỏi vợ lấy sổ tiết kiệm để chi trả...
"Sao anh không bảo bác cả và chú út lo cùng, bố mẹ có 3 anh em mà cứ như có mỗi mình anh vậy!". Lan từng dỗi hờn mà nói vậy. Nhưng Tuấn luôn ôm vợ vào lòng mà sẻ chia: "Anh em mỗi người mỗi phận. Được lo cho cha mẹ chả phải là hạnh phúc của mình sao em? Sợ nhất là mình không có khả năng lo cho ông bà. Sau này các con nó nhìn vào mình mà học tập em ạ!". Lan chẳng biết nói gì hơn nữa.
Lan bất an, cô cảm thấy đôi khi mệt mỏi vì chồng quá hiếu thảo. Cô hiểu chồng cô không sai, hiếm người con có được tấm lòng hiếu thảo như vậy, chỉ có điều đôi khi cô mệt mỏi vì nghĩ cho gia đình riêng của mình. Cô kẹt trong những cảm xúc trái chiều như vậy nhưng vẫn trân quý người đàn ông bên cạnh mình. Bởi Tuấn tốt với gia đình mình và tốt cả với gia đình cô nữa.
Có cùng hoàn cảnh tương tự nhưng không được may mắn như Lan, chị Sương ở Thanh Xuân (Hà Nội) đã phải tính đến chuyện ra ở riêng vì chồng chị quá hiếu thảo.
Hai vợ chồng chị Sương quen nhau khi còn học cùng đại học. Khi yêu anh Phương – chồng chị bây giờ, chị đã biết anh là một người có hiếu với gia đình. Bố mất sớm, chỉ còn mình mẹ anh. Anh là một người con trai rất thương và nghe lời mẹ. Bởi vậy, ra trường mà anh Phương đã biết đưa em lên nuôi cho em đi học đỡ đần mẹ. Thấy anh vậy, chị mừng vì nghĩ hẳn anh sẽ là người chồng tâm lý và trách nhiệm. Thực tế lại không được như thế.
Mẹ chồng Sương là một người rất khó tính, thích lô đề và có dính líu tới cờ bạc. Chuyện này chị biết được thông qua một người bạn, sau đó, chị mới chia sẻ với chồng mình. Mới đầu, chồng chị không tin nhưng sau đó chứng kiến mẹ không ít lần thua to, thậm chí phải cắm cả sổ đỏ anh ta mới vỡ lẽ.
"Chồng tôi biết mẹ ham cờ bạc thua tới mức cắm sổ đỏ nhưng vẫn "thương mẹ". Không ít lần anh rút sổ tiết kiệm, rồi mang cả tháng lương đi trang trải nợ nần giúp bà. Tuy nhiên, lẽ ra thấy con trai khổ cực như thế bà phải thương, đằng này mẹ chồng tôi cứ được đà mà "vòi vĩnh". Lần nào cũng hứa "nốt lần này mẹ không chơi nữa", là chồng tôi lại tin. Dồn nén quá, không chịu được nữa tôi có nói với chồng ý định ra ở riêng thì anh bảo 'Vợ có thể bỏ chứ mẹ thì không, cô thích đi đâu thì đi một mình'", chị Sương kể.
Chị Minh Khuê (ở Hưng Yên) cũng cảm thấy vô cùng chán nản và muốn ly hôn chỉ vì chồng chị quá mức chăm lo cho bố mẹ, anh em trong nhà hơn gia đình riêng của mình.
Anh luôn tự hào về bố mẹ và răm rắp nghe lời, lúc nào cũng chỉ sợ làm phật lòng ông bà. Sau kết hôn, chị muốn vợ chồng có một chút vốn liếng riêng để nuôi con và sau có ngôi nhà riêng. Nhưng anh thì vẫn gửi tiền đều về lo trả nợ cho bố mẹ dù anh còn nhiều anh chị em nữa. Số nợ đó là em trai anh chơi bời phải cắm sổ đỏ nhà đất.
Ấy vậy nhưng với gia đình nhà vợ anh lại rất thờ ơ, lạnh nhạt. Anh chưa bao giờ nghĩ đến chuyện biếu quà Tết cho ông bà ngoại nếu như vợ không nhắc. Khi tới nhà vợ, anh vẫn thường nói “dâu là con, rể là khách” nên chỉ ngồi ở phòng khách không làm việc gì.
"Tôi thực sự cảm thấy chỉ như một người ở, người đẻ thuê trong gia đình anh ấy. Tôi đã có ý định ly dị anh nhưng bố mẹ tôi ngăn cản. Họ bảo anh ấy chưa bao giờ có cư xử gì quá đáng, cũng không trăng hoa ngoại tình, không rượu chè bài bạc như thế là may rồi. Với tôi thì việc anh quá hiếu thảo với cha mẹ mà không lo cho vợ con đã khiến mình muốn dừng lại", chị Sương chia sẻ.
Hiếu thảo không phải là nhu nhược, không chính kiến
Theo TS xã hội học Phạm Thị Thúy (TP.HCM), phụ nữ đừng nghĩ rằng người đàn ông luôn chăm lo cho bố mẹ, anh chị em mình thì sẽ làm chồng, làm cha tốt. Cần phải xem người đó có thực sự là người có chính kiến, người độc lập hay không.
Việc người đàn ông hiếu thảo với bố mẹ hay chăm lo cho bên nội sẽ không gây bất hòa với vợ nếu họ đã làm tròn trách nhiệm làm một người chồng, một người cha. Có điều, nhiều người vẫn lầm tưởng rằng chữ hiếu là cần phải luôn làm theo lời ý nguyện của bố mẹ mới là có hiếu. Không phải cứ nghe lời bố mẹ một cách mù quáng là có hiếu. Bố mẹ nào cũng thương con nhưng không phải lúc nào họ cũng đúng. Việc quá nghe lời cha mẹ lại trở thành nhu nhược.
Theo các chuyên gia tâm lý, khi người chồng thiếu chính kiến, luôn áp đặt vợ phải nghe theo ý kiến từ gia đình mình sẽ làm cho người phụ nữ cảm thấy bị bỏ mặc, không được tôn trọng. Thực tế đã có không ít cuộc hôn nhân đi vào ngõ hẹp chỉ vì chồng quá nhu nhược, quá nghe lời mẹ.
Thường người đàn ông thiếu tự tin, khi nghe nhiều lời tác động từ những người ruột thịt cộng thêm việc người vợ quá cằn nhằn, càu nhàu, than phiền về gia đình chồng sẽ khiến người chồng cảm thấy không tin tưởng vợ. Khi đó, họ dễ nghe lời người nhà mình hơn.
Bởi vậy, dù có thế nào, chị em cũng nên cố gắng kìm nén để tìm cơ hội nói với chồng sao cho anh ấy thấy hợp tình, hợp lý. Nếu là người chồng hiểu chuyện sẽ dễ nghe theo và có trách nhiệm với vợ con. Bạn có thể chia sẻ với chồng rằng 'Mẹ có góp ý là cũng tốt cho chúng mình và em biết anh rất tin tưởng mẹ, em không phản đối gì hết. Nhưng đây là chuyện gia đình mình, em muốn vợ chồng cùng bàn bạc với nhau, tham khảo ý kiến của mọi người rồi cùng đưa ra quyết định'.