Trần Thị Lệ được biết đến như là một “nữ tướng” đã thành công trong việc đánh thức Nutifood – một tập đoàn “đang ngủ quên” để rồi giờ đây vươn mình ra thị trường quốc tế. Từ một bác sĩ "bất đắc dĩ" chuyển hướng sang kinh doanh sữa đặc trị từ những năm 2000, bà Lệ được tạp chí danh tiếng Forbes bầu chọn là một trong số 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2019. Cạnh đó, nữ tướng NutiFood cũng được vinh danh trong top 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019, 2017.
Mới đây, trong sự kiện trao Giải thưởng Kinh doanh xuất sắc Châu Á (APEA) năm 2020, Trần Thị Lệ - Tổng giám đốc công ty sữa NutiFood là nữ lãnh đạo duy nhất của ngành sữa được vinh danh ở hạng mục "Doanh nhân xuất sắc châu Á". NutiFood cũng là công ty sữa duy nhất lập hat-trick nhận 3 giải thưởng tại sự kiện này, bao gồm "Doanh nghiệp Xuất sắc châu Á" và "Thương hiệu truyền cảm hứng châu Á".
Cú rẽ ngang định mệnh
Trần Thị Lệ sinh năm 1973 tại miền quê Phù Cát, tỉnh Bình Định. Hồi nhỏ, Trần Thị Lệ chỉ mơ ước trở thành bác sĩ để chữa bệnh cứu người, đóng góp cho cộng đồng. Về sau, bà học Đại học Tây Nguyên ngành y và làm việc tại Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM.
Vào những năm 90, bà Lệ thấy rằng cứ 10 trẻ em đến nhập viện thì có 2-3 trẻ tử vong vì tình trạng suy dinh dưỡng, không thể đáp ứng được yêu cầu điều trị. Lúc bấy giờ, một vị bác sĩ đã mày mò kết hợp các loại thực phẩm cho vào chiếc máy xay sinh tố xay nhuyễn kèm men tiêu hóa, giúp nuôi các em ăn qua ống thông dạ dày. “Việc làm tưởng chừng đơn giản đó đã cứu sống hàng ngàn trẻ em” – bà Lệ nhớ lại.
Thế nhưng đó chỉ là biện pháp nhất thời, các bác sĩ ở trung tâm cảm thấy thực sự cần phải có một cơ sở sản xuất thực phẩm dinh dưỡng. Từ đó, họ cùng nhau nghiên cứu và lập nên một cơ sở như vậy, mang cái tên rất ý nghĩa là Đồng Tâm.
Lúc đó, Trần Thị Lệ yêu thích nghiên cứu dinh dưỡng, lại có khiếu kinh doanh nên từ năm 1999 đã được phân công về làm trợ lý cho chủ nhiệm cơ sở Đồng Tâm. Mặc dù quy mô còn rất nhỏ, bản thân bà cũng chưa hiểu biết nhiều về kinh doanh nhưng đã tham vọng đưa thương hiệu vượt khỏi dải đất hình chữ S.
Năm 2000, Trần Thị Lệ đổi tên cơ sở thực phẩm Đồng Tâm sang NutiFood - tên mới dễ gọi, dễ nhớ, đồng thời liên quan đến định hướng dinh dưỡng. "Tại sao chúng ta không thể xây dựng những doanh nghiệp lớn và phát triển không chỉ ở Việt Nam, mà còn vươn tầm thế giới", bà Lệ tự vấn.
Là một bác sĩ đi làm sữa đặc trị, Trần Thị Lệ có sẵn nền tảng kiến thức về y khoa cũng như cái tâm hết lòng vì người tiêu dùng. Suốt nhiều năm, bà cho biết mỗi ngày chỉ ngủ chưa tới 5 tiếng vì ban ngày vừa sản xuất vừa bán sữa, đến tối lại cắp sách đi học thêm quản trị doanh nghiệp, marketing…
Đáp lại, nỗ lực của bác sĩ Lệ đưa bà lên vị trí CEO, giúp công ty phát triển thần tốc. Có lúc tốc độ tăng trưởng vượt bậc từ 200 đến 300% mỗi năm, doanh số đã cán mốc trên 500 tỷ đồng vào năm 2007. Tuy nhiên, vì một số lý do riêng, bà Lệ không làm ở Nutifood trong một thời gian ngắn. Năm 2008 khi Nutifood gặp khó, bà Lệ đã trở lại với vai trò CEO.
Vực dậy từ khó khăn, vươn mình ra biển lớn
Nhìn lại suốt 20 năm kinh doanh của mình, bà Trần Thị Lệ chia sẻ đã trải qua 3 lần khủng hoảng là lúc 31 tuổi, 35 tuổi, 39 tuổi, và đến Covid-19 là lần thứ 4. Trong đó, giai đoạn năm 35 tuổi là khó khăn nhất.
"Khi đó, chúng tôi lỗ 147 tỷ đồng, gần hết vốn điều lệ, thiếu tiền mặt. Sản phẩm mới nhất vừa giới thiệu ra thị trường không bán được, trong khi ngân sách marketing đã chi hết. Chúng tôi còn hàng hóa tồn kho khoảng 3-6 tháng, chưa kể tồn bao bì ở nhà cung cấp, tồn hàng ở nhà phân phối. Nhân viên nhà máy lúc đó chỉ chờ nghỉ việc", bà kể lại.
Nữ giám đốc điều hành tự mình thuyết phục nhân viên ở lại, đồng cam cộng khổ. Bà cũng trực tiếp thương thảo với hàng trăm phân phối khắp các tỉnh thành, thay vì giao phó cho nhân sự cấp dưới. Bà lao vào làm ngày làm đêm gần 5 năm liên tục để giúp công ty phục hồi, thoát lỗ và tìm lại lợi nhuận.
Đồng thời, bà Lệ cũng nhờ “quyền trợ giúp” từ chồng là ông Trần Thanh Hải. Là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực bất động sản, ông Hải đã chấp nhận thoái vốn ở nhiều nơi để lấy tiền mua lại cổ phần NutiFood, vì lúc đó đã có nhiều cổ đông rời đi…
Nhưng cũng như bà Trần Thị Lệ đã nói, chuyện kinh doanh đã nốt trầm thì cũng có lúc cất cánh nếu người lãnh đạo quyết tâm và tìm được hướng đi đúng. Theo Forbes, kể từ năm 2013 khi đã trở lại là những cổ đông lớn của Nutrition Food - một tập đoàn "đang ngủ quên", bà Lệ và ông Hải đã nhanh chóng thay đổi cục diện, đưa các sản phẩm NutiFood dẫn đầu mảng sữa dinh dưỡng của Việt Nam.
Đến giờ, bà Lệ vẫn là CEO NutiFood trong khi ông Trần Thanh Hải là Chủ tịch. Cùng nhau, họ hướng tới mở rộng tập đoàn vươn ra quốc tế thông qua liên doanh và sáp nhập. Gần đây, NutiFood đã liên doanh với Asahi từ Nhật Bản để cung cấp thực phẩm bổ sung và các sản phẩm dành cho trẻ em dưới thương hiệu Wakodo NutiFood.
Ở tuổi 47, bà Trần Thị Lệ vẫn nuôi những hoài bão lớn với thị trường sữa nội địa cũng như hướng ra quốc tế, bao gồm châu Âu và Hoa Kỳ. Bà thật sự là một nữ doanh nhân nói ít làm nhiều, chỉ lo làm sao để tạo ra những sản phẩm tốt nhất, hiệu quả nhất phục vụ người tiêu dùng chứ không phải vì hướng tới các danh xưng hào nhoáng.
Tìm thế hệ kế cận, lan tỏa tư duy tích cực
Triết lý kinh doanh được CEO NutiFood cùng tập thể 5.300 nhân viên giữ vững xuyên suốt hành trình 20 năm là: "Mỗi sản phẩm ra đời trước hết không nhằm mục đích lợi nhuận, mà giải quyết nhu cầu bức xúc về dinh dưỡng của cộng đồng, vì một thế hệ trẻ Việt Nam phát triển toàn diện tầm vóc và trí tuệ".
Đồng thời, nữ lãnh đạo tiếp nối việc xây dựng và phát triển đội ngũ kế thừa. Bà cho rằng bản thân không thể tiếp tục làm việc trong 20 năm tới với tinh thần minh mẫn. NutiFood theo đó triển khai lịch trình đào tạo kỹ thuật bài bản cho các nhân sự trẻ năng lực. Những điều bà Lệ tích góp từ các thế hệ đi trước đều truyền đạt lại cho lớp trẻ.
Khi được hỏi về bí quyết đứng sau thành công của doanh nghiệp, Trần Thị Lệ chia sẻ con người là yếu tố quan trọng hàng đầu trong sự phát triển của công ty. Bà cho hay, môi trường làm việc toàn diện phải hội đủ 3 yếu tố. Đầu tiên là trân trọng và giữ chân nhân sự tài giỏi, gắn liền sự phát triển của công ty và nhân viên qua việc xác định rõ vai trò và giá trị của họ. Thứ hai là phát triển tài năng của nhân viên, có một lộ trình phát triển cụ thể ứng theo nguyện vọng cá nhân mà vẫn hài hòa với định hướng của công ty. Cuối cùng là thu hút nhân tài bên ngoài bằng cách tích cực chia sẻ tầm nhìn và những giá trị tích cực của doanh nghiệp hướng đến cộng đồng, sẵn sàng chiêu mộ những nhân tài cùng chí hướng.
Về phần mình, nữ tướng NutiFood cho rằng người điều hành doanh nghiệp phải cảm thấy hạnh phúc và cân bằng cuộc sống thì mới có thể quan tâm và dẫn dắt đội ngũ. "Đừng lấy lý do bận rộn công việc, phải biết sắp xếp thời gian để cân bằng" là những gì bà luôn nhắc nhở bản thân và các nhân viên.
Và để vượt qua những giai đoạn khó khăn như hiện nay, điều cần thiết nhất là người lãnh đạo có thể giữ vững tâm lý và niềm tin. Hằng ngày, bà Lệ thường đọc sách, học hỏi kinh nghiệm chuyên gia, thiền, và đặc biệt là tập thể dục thể thao để nâng cao tinh thần cũng như thể lực. Ngoài tập gym, mỗi tuần bà chạy bộ 3 lần, mỗi lần 6 km.