Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), những ngày đầu tháng 11, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng và vươn lên mức cao nhất so với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới.
Có thời điểm giá gạo 5% tấm đạt tới 663 USD/tấn, trong khi giá gạo Thái Lan và Pakistan ở mức 560 - 570 USD/tấn. Gạo 25% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức 648 USD/tấn, trong khi gạo cùng loại của Thái Lan giá chỉ 520 USD/tấn và Pakistan 488 USD/tấn.
Giá gạo thời gian vừa qua duy trì ở mức cao khiến doanh thu ở hầu hết các doanh nghiệp đều ghi nhận tăng mạnh so với cùng kỳ. Dù vậy nhưng lợi nhuận doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn dừng ở mức thấp, thậm chí có doanh nghiệp đã báo lỗ trong quý III/2023. Trong bối cảnh kém sáng đó, Angimex và Vinafood II là 2 doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng dương sau thời gian dài chìm trong thua lỗ.
Lợi nhuận “bốc hơi”
Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023 với kết quả đáng buồn dù doanh thu tăng trưởng mạnh.
Theo đó, Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.461 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, dưới sức ép từ biên độ tăng của giá vốn dẫn tới lãi gộp “quay đầu" giảm 69% xuống còn 152 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp của công ty cũng theo đó mà giảm thê thảm từ 18% trong quý III năm trước về 3% trong quý này.
Trong quý, Lộc Trời đã nỗ lực tiết giảm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, giảm 25% xuống còn 216,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính “phình to" là một trong những yếu tố bào mòn mạnh lợi nhuận của Lộc Trời.
Sau khi trừ các chi phí, ông lớn ngành gạo lỗ hơn 327 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 63,8 tỷ đồng. Đây là kết quả đáng buồn nhất của Lộc Trời kể từ khi niêm yết tới nay, ngay sau khi quý II/2023 ghi nhận mức lãi kỷ lục với 424 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Tập đoàn Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần đạt 10.440 tỷ đồng, tăng 18%. Trước sức bào mòn mạnh bởi chi phí, lợi nhuận sau thuế của Lộc Trời co lại chỉ còn 19 tỷ đồng, giảm 91% so với cùng kỳ.
Tương tự, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (Afiex; UPCoM: AFX) cũng ghi nhận tình trạng doanh thu tăng nhưng lợi nhuận lại giảm mạnh.
Theo đó, doanh thu thuần trong quý của công ty đạt 609 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ. Do biên độ tăng của giá vốn hàng bán nhỏ hơn biên độ tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp của Afiex “phi mã" 89%, đạt 21 tỷ đồng.
Về doanh thu hoạt động tài chính, quý III/2023, khoản tiền này của Afiex ghi nhận sụt giảm mạnh hơn 16 lần, từ gần 14 tỷ đồng xuống còn vỏn vẹn 863 triệu đồng. Nguyên nhân là do công ty không còn ghi nhận khoản lãi kinh doanh chứng khoán trị giá 13,2 tỷ đồng như tại quý III/2022.
Ở chiều ngược lại, chi phí lãi vay của Afiex tăng mạnh, gấp 2,2 lần cùng kỳ lên 12,6 tỷ đồng; kéo theo đó là chi phí tài chính của công ty cũng nâng lên đạt 13 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tiết giảm lần lượt 25% và 37% xuống còn 2,9 tỷ đồng và 3,6 tỷ đồng.
Kết quả, sau khi trừ các chi phí, Afiex báo lãi 2,6 tỷ đồng, “bốc hơi" tới 71% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, doanh thu thuần của Afiex đạt 1.531 tỷ đồng, tăng 54%. Công ty ghi nhận 15,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Sau thuế, công ty báo lãi 12 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ.
Lãi tăng bằng lần nhờ tiền cổ tức
Theo báo cáo tài chính mới công bố, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Gạo Trung An; HNX: TAR) ghi nhận doanh thu thuần đạt 966 tỷ đồng trong quý III/2023, tăng 94% so với cùng kỳ.
Dù doanh thu “phi mã” mạnh nhưng do giá vốn hàng bán tăng mạnh nên lãi gộp của Gạo Trung An chỉ đạt 48,8 tỷ đồng, tăng 27%. Cùng chung xu hướng trên, doanh thu hoạt động tài chính của công ty trong kỳ tăng 9,8 lần cùng kỳ nhưng cũng chỉ đạt vỏn vẹn 3,5 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính của công ty ghi nhận 29 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ, trong đó phần lớn là chi phí lãi vay.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Gạo Trung An đạt 12,2 tỷ đồng, gấp gần 6 lần cùng kỳ năm trước. Công ty cho biết một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận tăng còn tới từ việc nhận được khoản cổ tức, lợi nhuận năm 2022 được chia từ Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An Kiên Giang.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Gạo Trung An ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.479 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ. Sau khi trừ các chi phí, công ty báo lãi 12,8 tỷ đồng, giảm 75%.
Ngược dòng báo lãi
Từng là doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn, các quý gần đây, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex; MCK: AGM) liên tục chìm trong thua lỗ với nhiều chỉ số đáng báo động. Tuy nhiên, quý III/2023 Angimex đã lần đầu tiên báo lãi trở lại sau 5 quý.
Cụ thể, Angimex ghi nhận doanh thu thuần 223,6 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp ở mức 10,4 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm 86% còn 8,8 tỷ đồng cùng chiều chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm 62% chỉ còn hơn 3 tỷ đồng.
Nhờ không ghi nhận thuế TNDN hiện hành và hoãn lại nên Angimex báo lãi ròng quý III ở mức 1,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn lỗ 28,8 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên, Angimex có lãi trở lại kể từ quý I/2022.
Lũy kế ba quý đầu năm nay, Angimex mang về 545 tỷ đồng doanh thu thuần, chưa bằng 1/5 doanh thu cùng kỳ năm 2022. Sau thuế của doanh nghiệp là âm 56 tỷ đồng, lỗ đậm hơn mức 35 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Đối với Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II, UPCoM: VSF), quý III/2023 công ty ghi nhận tình hình kinh doanh tiếp tục cải thiện, có lãi trở lại nhưng vẫn còn “ôm" khoản lỗ lũy kế lên tới 2.800 tỷ đồng.
Theo đó, công ty ghi nhận doanh thu theo quý cao nhất kể từ khi cổ phần hóa với 7.328 tỷ đồng. Sau khi trừ giá vốn, lãi gộp của Vinafood II đạt 629 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, các chi phí đồng loạt tăng cao khiến lợi nhuận của công ty bị bào mòn mạnh. Cụ thể, chi phí tài chính tăng 250% lên 166 tỷ đồng chủ yếu là do lãi tiền vay, lỗ chênh lệch tỉ giá. Đồng thời, chi phí bán hàng đạt gần 327 tỷ đồng và chi phí quản lý tăng 186 tỷ đồng, tăng lần lượt 52% và 30% so với cùng kỳ.
Sau khi trừ các chi, Vinafood II báo lãi 10 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với số lỗ 4 tỷ đồng vào cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vinafood II đạt hơn 1.665 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng mạnh 72% so với cùng kỳ. Sau khi trừ các chi phí, công ty báo lãi trước thuế đạt 47 tỷ đồng, tăng 139% so với cùng kỳ.
PV