Phụ nữ tố cáo sau khi bị xâm hại thể hiện trách nhiệm xã hội

"Nếu phụ nữ đã trở thành nạn nhân của việc cưỡng bức mà chấp nhận im lặng, sẽ kéo theo nhiều nguy cơ. Bởi thế, việc họ dũng cảm lên tiếng không chỉ là cách để tự bảo vệ mình, mà còn là trách nhiệm với xã hội", chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy nêu quan điểm.

“Tại sao có những nạn nhân chỉ lên tiếng sau thời gian dài?”

Điều này được PGS.TS Trần Thành Nam (Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, trường đại học Giáo dục, đại học Quốc gia Hà Nội) lý giải trên góc độ tâm lý như sau: “Trước hết, trải nghiệm của bản thân nạn nhân cho thấy những vụ việc này, nếu lên tiếng, có khi chưa bắt được thủ phạm đền tội mà cá nhân họ phải chịu thêm rất nhiều thiệt hại, xấu hổ và trả đũa. Nhiều người bị cưỡng bức hay xâm hại, trong thời gian đó đều tìm cách thức quên đi, họ cho rằng quên đi thì sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra, quên đi thì mình sẽ được yên.

Vì thế, cơ chế tâm lý của họ tự chối bỏ rằng đó là vụ việc bị xâm hại, hành động như vậy chỉ là vì người ta thích mình quá hoặc tự đổ tội cho bản thân là do mình đã không phản đối một cách quyết liệt, hay mình cũng có thể có một chút tình cảm...

photo1632303941763-16323039431631639282463-1649614602.jpg
Nhiều phụ nữ không dám lên tiếng khi trở thành nạn nhân bị xâm hại. (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, chiến lược này chỉ có thể giúp họ ổn một thời gian. Thường thì sau khi chú tâm với cuộc sống bận rộn và thành đạt, đến tuổi nghỉ ngơi, những ký ức tồi tệ này bắt đầu trở lại hành hạ họ.

Nó cũng giống như hội chứng của những cựu binh Mỹ sau chiến tranh: Họ trải qua sự khốc liệt của chiến tranh, trở về, họ có thể sống hạnh phúc một khoảng thời gian bằng cách phớt lờ, né tránh và quên đi những tàn khốc cướp đi sinh mạng trong cuộc chiến”.

Tuy nhiên, cũng theo PGS.TS Trần Thành Nam, có thể sau 10-15 năm, bản thân những người lính ấy thấy rằng chiến lược phớt lờ, né tránh, cố quên không còn hiệu quả nữa. Đã đến giới hạn mà “khi cố quên là khi lòng nhớ thêm” rồi.

277355393-10226080732699930-2160138659325618540-n-1649614602.jpg
PGS.TS Trần Thành Nam phân tích một số nguyên nhân khiến phụ nữ không lên tiếng ngay lập tức sau khi bị xâm hại, thậm chí có người chỉ lên tiếng sau một thời gian dài, đến mấy chục năm sau. (Anh: FBNV).

Vị Chủ nhiệm khoa trường đại học Giáo dục cho biết: “Những hình ảnh ghê sợ giờ lại hiện về trong ký ức một cách sống động như cá nhân đang ở trong tình huống thực, hiện về trong giấc mơ dưới những cơn ác mộng lặp đi lặp lại khiến cá nhân trở nên hoảng loạn, cảnh giác và cảm thấy không còn nơi nào an toàn, cảm thấy tội lỗi.

Trước tất cả những kích thích bình thường trong cuộc sống như tiếng động cơ ô tô, tiếng pháo hoa cũng có thể kích hoạt những hình ảnh máu me, chết chóc. Họ không thể tiếp tục làm mình quên. Nhiều người muốn thoát khỏi sự hoảng loạn này bằng cách tự cắt tay để lấy nỗi đau cơ thể làm xao lãng đi nỗi đau về tinh thần. Nếu không hiệu quả, họ có thể chọn tự sát.

Hoặc những người trưởng thành hơn, được hỗ trợ tâm lý bởi các chuyên gia sẽ chọn cách đương đầu, hay nói ra sự việc. Họ được sự hậu thuẫn về tinh thần từ những người xung quanh để báo cáo”.

“Tuy nhiên, vì trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi triệu chứng rối loạn stress sau sang chấn, họ có thể không cân nhắc được kỹ càng về những lợi, hại, đường đi nước bước để báo cáo sự việc và đánh giá xem sự việc đó có ảnh hưởng tiêu cực đến họ thế nào.

Trong khi đó, thì nhiều người chỉ lên tiếng dựa trên cảm nhận chủ quan. Cách đánh giá thiên kiến nhiều khi là sự phóng chiếu từ chính nội tâm mình, một kiểu suy đoán từ bụng ta ra bụng người, mà hoàn toàn không dựa trên sự thấu hiểu.

Xin hãy lưu ý rằng “lời nói đọi máu”. Những bình luận của bạn có thể đẩy một cá nhân đến những cách thức giải quyết cực đoan như tự hại, tự sát sau khi công khai thông tin”, PGS.TS Trần Thành Nam phân tích.

Phụ nữ phải tự bảo vệ mình và thực hiện trách nhiệm xã hội

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (nguyên Tổng Biên tập báo Phụ nữ Thủ đô) cũng nhìn nhận: “Một phần lý do khiến không ít phụ nữ khi trở thành nạn nhân bị xâm hại mà không dám lên tiếng ngay, là bởi, họ xấu hổ, sợ cái nhìn của dư luận, sợ mang tiếng, họ sợ những sự đồn đại ác ý kiểu: “Chắc phải hớ hênh, lẳng lơ thì người ta mới làm vậy...”, sợ những suy diễn, tưởng tượng còn tệ hơn cả sự thật đã xảy ra.

Chưa kể, có những người còn sợ bị trả thù, nếu người xâm hại là sếp thì nạn nhân còn sợ nếu tố cáo sẽ bị trù dập, “không ngóc đầu lên được”. Tất cả những điều ấy đều trở thành rào cản, ngăn phụ nữ nói ra sự thật”.

trao-nham-con-benh-vien-da-khoa-ba-vi-1-1649614660.jpg
Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy, phụ nữ lên tiếng khi bị xâm hại không chỉ là tự bảo vệ mình, mà còn thể hiện trách nhiệm với xã hội.

“Tuy nhiên, nếu phụ nữ đã trở thành nạn nhân mà chấp nhận im lặng, sẽ kéo theo nhiều nguy cơ, trong khi bản thân một mình chịu đựng thì thủ phạm vẫn còn nhởn nhơ, thoải mái, thậm chí sẽ có thể có thêm nhiều nạn nhân khác, vì không được cảnh báo kịp thời. Đó sẽ trở thành một tệ nạn.

Bởi thế, việc phụ nữ dũng cảm lên tiếng không chỉ là cách để tự bảo vệ mình, mà còn là trách nhiệm với xã hội.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần xử lý công tâm, nghiêm minh và có các biện pháp kịp thời bảo vệ nạn nhân, tránh nguy cơ nạn nhân bị trả thù khi đứng lên tố cáo. Đồng thời, các tổ chức xã hội cũng cần sát sao hơn, chăm lo cho quyền lợi thiết thực, trở thành chỗ dựa tâm lý vững chắc cho chị em phụ nữ, bênh vực và động viên phụ nữ đấu tranh cho quyền lợi của chính mình và của những người xung quanh”, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Thành Nam cũng bổ sung một số lý do tại sao ngay thời điểm bị xâm hại, nạn nhân không báo cáo, bao gồm:

Quyền riêng tư, bí mật cá nhân bị xâm phạm (gia đình, bạn bè có thể biết);

Không cảm thấy được hỗ trợ, hay có cảm giác tin tưởng bởi những người trong hệ thống tư pháp hình sự. Cơ quan công an có thể thấy khó xử lý vụ việc (ví dụ như vị thế của thủ phạm) nên có xu hướng làm giảm nhẹ sự việc để không phải bắt tay điều tra. Nhiều người không có kinh nghiệm làm việc với người bị xâm hại tình dục sẽ làm cho vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn;

Nạn nhân phải trải nghiệm lại những trải nghiệm bị xâm lại ngày càng chi tiết và nặng nề hơn (bị xâm hại lần 2);

Không thể chắc chắn nghi phạm bị kết tội; thậm chí nạn nhân còn bị đổ tội;

Nạn nhân có thể cảm thấy không hài lòng với mức án mà tòa xử;

Kết án nhẹ không đảm bảo thủ phạm không tái phạm;

Tin rằng Kết án không đem lại cảm giác sự việc đã kết thúc. Thậm chí làm kích hoạt cái vòng luẩn quẩn, đau khổ và bị trả thù.