Phương án tuyển sinh tại các trường đại học năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2024.

Theo báo Pháp luật Việt Nam, tại hội nghị do Đại học Quốc gia Tp.HCM tổ chức vừa qua, TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo cho biết, năm 2023, 97 trường đại học, cao đẳng trên cả nước đã sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức để xét tuyển, tăng gấp 14 lần so với kỳ thi đầu tiên vào năm 2018.

“Kết quả này cho thấy kỳ thi đánh giá năng lực đã giúp mở rộng phương án xét tuyển của các cơ sở giáo dục đại học, góp phần đánh giá chính xác và toàn diện hơn năng lực của thí sinh, từ đó tuyển chọn được người học có năng lực phù hợp” - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo nhận định.

Cũng theo ông Chính, năm nay, các đơn vị đã dành tối thiểu 40% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực. Điểm của thí sinh đăng ký xét tuyển vào Đại học Quốc gia Tp.HCM thuộc nhóm những thí sinh có điểm cao của kỳ thi...

Dự kiến năm 2024, Đại học Quốc gia Tp.HCM tiếp tục tổ chức 2 đợt thi ĐGNL trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh đăng ký thi đợt 1 dự kiến từ ngày 21/1 - 4/3/2024 và đợt 2 từ ngày 16/4 - 7/5/2024.

Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 dự kiến tổ chức vào ngày 7/4/2024 tại 23 tỉnh, thành (tăng 2 địa phương là Bình Phước và Tây Ninh so với năm 2023). Đợt 2 dự kiến vào ngày 2/6/2024.

Kết quả của 2 đợt thi sẽ công bố lần lượt vào ngày 15/4/2024 và 10/6/2024, tức khoảng sau một tuần của mỗi đợt thi.

Vừa qua, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đã chính thức công bố các đợt thi đánh giá tư duy (TSA) năm 2024. Theo đó, trường sẽ tổ chức 6 đợt thi, từ tháng 12/2023 đến tháng 6/2024. Về nội dung và hình thức thi được giữ nguyên như năm 2023. Thống kê cho thấy, năm 2023 có 32 trường ĐH, học viện sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội làm căn cứ xét tuyển năm 2023.

ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, năm 2024 sẽ tổ chức 6 đợt thi đánh giá năng lực (HSA) với quy mô khoảng 75.000 lượt thi, ít hơn năm 2023 là hai đợt. GS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: Dự kiến, đợt thi sớm nhất tổ chức vào ngày 23-24/3/2024 và đợt cuối dự kiến vào ngày 1-2/6/2024. Lịch này có thể thay đổi theo số lượng thí sinh đăng ký và lịch thi tốt nghiệp THPT năm sau.

Trường Đại học Thương mại xây dựng 8 chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế và 2 chương trình đào tạo chuẩn trình độ đại học. Các chương trình đào tạo này sẽ được đưa vào tuyển sinh từ năm 2024.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề tuyển sinh, PGS,TS Nguyễn Hoàng Việt – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, 8 chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế được trường xây dựng và đưa vào tuyển sinh từ năm 2024, gồm các: Quản trị kinh doanh (ngành Quản trị kinh doanh), Quản trị khách sạn (ngành Quản trị khách sạn), Marketing thương mại (ngành Marketing), Kế toán tích hợp chứng chỉ quốc tế (ICEAW CFAB) (ngành Kế toán), Logistics và xuất nhập khẩu (ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng), Thương mại quốc tế (ngành Kinh doanh quốc tế), Tài chính – Ngân hàng thương mại (ngành Tài chính – Ngân hàng), Quản trị nhân lực doanh nghiệp (ngành Quản trị nhân lực).

Trong đó nhấn mạnh 5 điểm nổi bật của các chương trình đào tạo bao gồm: Tính thực tiễn; Tính toàn diện; Tính quốc tế; Đội ngũ giảng viên, cố vấn học tập có chuyên môn, nhiều kinh nghiệm thực tiễn với cơ sở vật chất bị hiện đại; Cơ hội việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Trường đại học Công thương Tp.HCM, tuyển sinh năm 2024 cơ bản giữ nguyên để chuẩn bị cho năm 2025 sẽ thay đổi hoàn toàn cách xét tuyển do là năm đầu tiên sẽ tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nhà trường dự kiến giữ nguyên phương thức xét tuyển và tỉ lệ xét tuyển 4 phương thức (50% - 60% xét tuyển bằng kết quả tốt nghiệp THPT, 20% - 30% xét tuyển bằng học bạ THPT, từ 10% - 15% xét điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Tp.HCM và 10% - 15% xét tuyển thẳng theo đề án của trường)...

Trường Đại học Văn Lang cũng dự kiến công bố đề án tuyển sinh năm 2024 vào tháng 1/2024 và đề án sẽ không có thay đổi so với năm 2023. Cụ thể, chỉ tiêu xét tuyển tương đương năm 2023, tức khoảng 14.000. Các phương thức xét tuyển gồm xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả học tập cấp THPT (học bạ), xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Tp.HCM, xét tuyển kết hợp thi tuyển các môn năng khiếu và xét tuyển thẳng.

Thông tin trên Sức khỏe & Đời sống, ngoài ra, Trường ĐH Tài chính - Marketing và Trường ĐH Công nghệ Tp.HCM sẽ công bố đề án tuyển sinh năm 2024 vào vào khoảng tháng 12 trên tinh thần giữ ổn định như năm 2023 cả về phương thức xét tuyển và chỉ tiêu.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2024; chuẩn bị các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo báo Đầu Tư, Bộ Giáo dục và đào tạo vừa có văn bản gửi các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm.

Hoàn thiện đề án, phương án tuyển sinh năm 2024, khắc phục các bất cập hiện nay trên cơ sở phân tích dữ liệu, trong đó đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa theo đúng quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh.

Xây dựng và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 cần bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nội dung, cấu trúc của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Bộ cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hệ thống quản lý, trong dạy và học.

Tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các cơ sở đào tạo theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và triển khai hiệu quả việc đánh giá mức độ chuyển đổi số của các cơ sở đào tạo theo bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Xây dựng và triển khai Đề án thí điểm mô hình giáo dục đại học số trên cơ sở triển khai nền tảng dạy học trực tuyến dùng chung, phát triển hệ thống khóa học trực tuyến dùng chung của một số nhóm ngành đào đạo trình độ đại học.

Trúc Chi (t/h)