Sạt lở bờ sông Lam sát nhà dân, đe dọa tính mạng hàng chục người

Sau mưa lớn, đất đá dọc bờ sông Lam đoạn chạy qua cầu Tri Lễ bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng và tài sản người dân.

Các phương án cứu vãn như “muối bỏ bể”

Gia đình anh Nguyễn Quang Linh, trú tại xóm 1, xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An có diện tích đất khoảng 700m2 nằm sát bờ sông Lam. Tuy nhiên, sau trận mưa lũ vào cuối tháng 9, đầu tháng 10/2023 vừa qua, hàng nghìn m3 đất đá đã đổ xuống dòng sông khiến cho diện tích của gia đình chỉ còn… 400m2.

“Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài và nước từ thượng nguồn đổ về nên nước sông Lam đoạn qua xóm 1, xã Lạng Sơn dâng cao. Khi nước rút, nền đất yếu nên kéo theo sạt lở nghiêm trọng. Hiện, nhà dân gần nhất cách điểm sạt lở chỉ 5m”, anh Linh nói.

Dân sinh - Sạt lở bờ sông Lam sát nhà dân, đe dọa tính mạng hàng chục người

Khi nước rút đã dẫn đến nền đất bị đứt gãy, kéo dài dọc theo vườn nhà.

Được biết, có 10 gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp bởi vụ sạt lở này. Sự cố sạt lở cuốn theo nhiều công trình phụ của người dân như: chuồng gà, kho đựng nông cụ, đất vườn trồng rau… Cho đến thời điểm hiện nay, dù trời không còn mưa nữa nhưng đất đá vẫn tiếp tục sập xuống sông theo các vết nứt ngày càng nhiều. Nền đất yếu, những vết nứt sâu hoắm kéo dài dọc theo vườn nhà của 10 hộ gia đình.

Ông Nguyễn Đình Cả, xóm trưởng xóm 1, xã Lạng Sơn cho biết, các hộ gia đình này vốn là dân vạn chài. Năm 1997, các hộ dân lần lượt “lên bờ”, mua đất của xã để định cư. Hộ nhiều thì 700 - 800m2, hộ ít cũng 150 - 200m2, sau sạt lở, đất của các hộ đều bị thu hẹp, chỉ còn một nửa hoặc 2/3 so với diện tích trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất.

“Tình trạng sạt lở diễn ra nhiều năm nay. Mỗi năm sạt lở một ít nhưng lần này là nghiêm trọng nhất. Sạt lở đã lấn sát nhà dân, nếu mưa to sẽ rất nguy hiểm. Đe doạ tính mạng và tài sản của nhân dân”, ông Cả nói.

Dân sinh - Sạt lở bờ sông Lam sát nhà dân, đe dọa tính mạng hàng chục người (Hình 2).

Vị trí sạt lở ngay chân cầu Tri Lễ, huyện Anh Sơn.

Nhận được tin báo của người dân, trong hai ngày (7/10 và 8/10), UBND huyện Anh Sơn và xã Lạng Sơn đã huy động máy móc tiến hành san gạt đất, hạ thấp điểm sạt lở, xử lý các vết nứt, tránh việc sạt lở lan rộng. Tuy nhiên, sau đó trời tiếp tục mưa, nước mưa chảy khiến khu vực sạt lở có dấu hiệu tái diễn. Người dân đã mua bạt về phủ lên mặt đất, tránh việc sạt lở lan rộng thêm.

Ông Phạm Văn Bắc, có nhà sát vết sạt lở cho biết, các hộ dân nóng ruột nên những nhà có điều kiện thì mua bạt che chắn, còn gia đình lại tận dụng tấm lợp xi măng cũ, đưa ra che chắn phần đất sạt lở trước nhà. Mặc dù đã nỗ lực để cứu vãn tình thế đất sạt lở, song các hộ cũng biết cũng chỉ như “muối bỏ biển” khi đất đã ngấm “no nước” lâu ngày, chân nền đất yếu nên sạt lở vẫn tiếp diễn.

“Gia đình tôi và nhiều hộ khác mấy hôm nay đêm lo lắng nhà sập, cuốn trôi xuống sông nên chia nhau canh gác, không dám ngủ. Mong muốn của người dân là được các cấp chính quyền quan tâm, sớm có hướng khắc phục cho người dân, kè bờ sông, chống sạt lở”, ông Bắc nói.

Sẵn sàng sơ tán trong tình huống khẩn cấp

Ông Đặng Ngọc Thiện, Chủ tịch UBND xã Lạng Sơn cho biết: “Qua phản ánh của người dân, ngày 3/10, xã đã cử cán bộ xuống nắm bắt tình hình, thống kê thiệt hại, chăng dây lập barie để cảnh báo người dân không ra sinh hoạt, sản xuất ở phần đất sạt lở, tránh nguy hiểm. Đồng thời, chúng tôi cũng báo cáo tình hình lên huyện để có cách khắc phục”.

Dân sinh - Sạt lở bờ sông Lam sát nhà dân, đe dọa tính mạng hàng chục người (Hình 3).

Ngôi nhà gần vị trí sạt lở chỉ cách khoảng 5m.

Qua kiểm tra đánh giá sơ bộ, chiều dài sạt lở 120 m, chiều rộng 20m, chiều sâu 12 m, diện tích đất sạt lở ước 15.000m3. Hiện nay các vết nứt đang vào sâu dần, nguy cơ sạt lở tiếp là rất cao. Ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản và tính mạng của 10 hộ dân đang sinh sống khu vực đó.

Theo dự báo, trong những ngày tới, do ảnh hưởng của cơn bão số 4 nên ở Nghệ An có mưa vừa, mưa to đến rất to, nguy cơ sạt lở sẽ tái diễn. Do đó, huyện Anh Sơn, UBND xã Lạng Sơn và ban chỉ huy thôn 1, xã Lạng Sơn đã lên các phương án chủ động di dời dân để bảo vệ tài sản, tính mạng của các gia đình khi có nguy cơ sạt lở tiếp diễn.

Dân sinh - Sạt lở bờ sông Lam sát nhà dân, đe dọa tính mạng hàng chục người (Hình 4).

Tình trạng này sẽ tiếp tục diễn ra nếu trời tiếp tục mưa.

Chiều 6/10, ông Hoàng Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Anh Sơn đã đi kiểm tra tình hình sạt lở đất tại bờ sông Lam đoạn qua thôn 1, xã Lạng Sơn. Qua đi kiểm tra thực tế tại điểm sạt lở, Phó chủ tịch huyện yêu cầu UBND xã Lạng Sơn thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình, diễn biến tại khu vực sạt lở; lập hàng rào, biển cảnh báo, giăng dây bảo vệ, không cho người và gia súc vào khu vực sạt lở đề phòng thiệt hại; sẵn sàng triển khai các phương án sơ tán/di dời dân cư đang sinh sống ở khu vực bị sạt lở đất.

Cùng với đó, xã cũng phải phân công lực lượng thường xuyên kiểm tra và báo cáo các sự cố kịp thời về UBND huyện, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện. Hiện, huyện Anh Sơn đã làm tờ trình và báo cáo lên UBND tỉnh để xin kinh phí, có phương án khắc phục sớm nhất.

Theo báo cáo của huyện Anh Sơn, đợt mưa lũ cuối tháng 9/2023 vừa qua đã khiến địa phương này bị thiệt hại 1 căn nhà kiên cố, 7 phòng nội trú và 2 phòng trường mầm non. Ngoài ra, toàn huyện bị thiệt hại 674ha lúa và hoa màu; Gần 500 con gia súc, gia cầm bị thiệt hại; Có 303m đường giao thông bị sạt lở, 1 cây cầu bị hư hỏng.