Bộ Y tế ghi nhận số ca COVID-19 trong 7 ngày qua tăng gấp 4 lần so với tuần trước đó. Cụ thể, 3 - 9/4, cả nước thêm 419 ca COVID-19. Trước đó, mỗi tuần, nước ta ghi nhận khoảng 60 - 120 ca. Đáng chú ý, 2 ngày gần đây (10 - 11/4), số bệnh nhân mắc COVID -19 tăng cao, từ 113 đến 183 ca.
Hà Nội là địa phương có số ca mắc cao nhất. Tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), trong những ngày qua, số lượng bệnh nhân COVID-19 nhập viện gia tăng. Cụ thể, trong tháng 3, cơ sở y tế này ghi nhận 25 bệnh nhân mắc COVID-19, nhưng riêng 10 ngày đầu tháng 4 đã tiếp nhận 75 bệnh nhân (tăng gấp 3 lần).
Còn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, ngày 11/4, đơn vị đang điều trị cho 74 bệnh nhân COVID-19. Trong đó, 5 trường hợp thở máy, 10 ca thở ôxy gọng kính.
Trao đổi với Tri thức trực tuyến, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết số ca mắc COVID-19 gia tăng nhưng không đột biến.
Nguyên nhân là gần đây thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, nhiệt độ nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, không chỉ có COVID-19 mà bệnh nhân cúm cũng tăng. Bên cạnh đó, sau một thời gian dài tiêm vaccine COVID-19, hệ miễn dịch chúng ta có được từ vaccine cũng đã suy giảm, khiến nhiều người tái nhiễm với nCoV.
"Số ca mắc có tăng nhẹ nhưng thành phố vẫn duy trì được sự kiểm soát đối với dịch COVID-19 và chưa ghi nhận sự xuất hiện biến chủng mới của SARS-CoV-2. Đa số ca mắc đều có biểu hiện nhẹ và được chỉ định điều trị tại nhà. Những trường hợp phải nhập viện đều là người cao tuổi, có bệnh nền", ông Khổng Minh Tuấn nói.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng sự gia tăng từ 69 người lên 113 người hay 183 người về bản chất không phải là quan ngại lớn do tính chất dao động của số ca mắc COVID-19. Sự dao động này là do sự quan tâm nhiều hay ít của người dân với COVID-19. Điều này dẫn đến tỷ lệ xét nghiệm, tỷ lệ khai báo y tế và khám tại cơ sở y tế khác nhau ở các giai đoạn.
"Ở các quốc gia khác, số ca mắc có thể tăng lên gấp 3 lần trong một ngày và sau đó trở về lại như cũ. Vì vậy, chúng ta cần phải theo dõi lâu dài tính khuynh hướng của số ca mắc", PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói.
Trao đổi với VTC News, ông Vũ Tùng Sơn - Phó Chủ nhiệm Khoa Dịch tễ, Học viện Quân y cho biết nguyên nhân có thể do miễn dịch cộng đồng giảm xuống, cùng với đó có sự chủ quan trong chủ động tự phòng bệnh của người dân.
Để phòng bệnh, người dân nên tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt khi đến chỗ đông người hoặc hội họp vẫn cần đao khẩu trang và vệ sinh bàn tay. Người dân cũng cần phát hiện ca bệnh có triệu chứng và đến cơ sở y tế điều trị khi xuất hiện biểu hiện tăng nặng, đặc biệt ở người có bệnh mạn tính và người già.
Đồng quan điểm trên, BS Nguyễn Trọng Hưng - Phó trưởng đơn nguyên Truyền nhiễm, Bệnh viện Thanh Nhàn cho rằng, người dân đang chủ quan với dịch COVID-19 nên việc tụ tập đông mà không đeo khẩu trang làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Ngoài ra, sau hơn một năm tiêm vaccine COVID-19 kháng thể phòng bệnh suy giảm nên nguy cơ tái nhiễm sẽ tăng lên. Thực tế, bệnh nhân đang điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn đều thuộc nhóm cần tiêm mũi 4, nhưng hầu hết mới chỉ tiêm 2 hoặc 3 mũi, thậm chí có người chưa tiêm mũi nào.
Linh Chi (T/h)