Sở Công Thương TP.HCM đề nghị các quận, huyện triển khai 'đi chợ hộ' qua ứng dụng trực tuyến

Sở Công Thương TP.HCM đề nghị các quận, huyện phổ biến mô hình "đi chợ hộ" qua ứng dụng trực tuyến để tránh tình trạng quá tải, ùn ứ đơn hàng và khó khăn trong khâu vận chuyển.

Theo Zing, sở Công Thương TP.HCM có văn bản gửi UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức về việc hỗ trợ triển khai mô hình "đi chợ hộ" thông qua nền tảng ứng dụng trực tuyến.

Cụ thể, sở Công Thương TP cho biết vừa qua nhận được đề xuất hỗ trợ miễn phí sử dụng nền tảng công nghệ sẵn có và bổ sung lực lượng giao hàng từ các doanh nghiệp giao hàng công nghệ và sàn thương mại điện tử.

Đồng thời nhằm kịp thời bổ sung nguồn hàng, thực phẩm thiết yếu kịp đến tay người dân, Sở đề nghị UBND các quận, huyện TP Thủ Đức nghiên cứu, xem xét mô hình phù hợp để lựa chọn kênh bổ trợ bán hàng và các kênh mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử lớn nhằm gia tăng các điểm bán cung ứng hàng hóa cho người dân.

z2688396636498cab9ec8be6440ba88bec6a85734bd103-16302260449381918784182-1630461643.jpg
Lực lượng shipper được phép "đi chợ hộ" cho người dân TP.HCM. Ảnh: Người lao động

Sở Công Thương cung cấp thông tin các giải pháp ứng dụng đi chợ hộ của các doanh nghiệp giao hàng công nghệ, sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Be, Sendo, Grab.

Sở đề nghị UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức phổ biến các mô hình "đi chợ hộ" thông qua nền tảng ứng dụng trực tuyến đến các phường, xã, thị trấn, các hệ thống phân phối trên địa bàn để triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ kênh cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân địa phương.

Trong những ngày qua, lực lượng đi chợ hộ tại một số địa phương xuất hiện dấu hiệu quá tải, gây ùn ứ đơn hàng và khó khăn trong khâu vận chuyển, cung ứng cho người dân.

Theo nhiều siêu thị, việc một số đơn vị công nghệ đề xuất ứng dụng hạ tầng công nghệ để hỗ trợ cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân sẽ góp phần gỡ khó cho địa phương cũng như người dân, giúp các siêu thị dễ dàng quản lý thông tin mua hàng, giao hàng và thanh toán.

Chuyên gia kinh tế cũng cho rằng nên để các doanh nghiệp vận chuyển chuyên nghiệp tham gia cung ứng hàng hóa cho dân giúp chia sẻ, giảm gánh nặng cho đội ngũ hiện tại đang rất mỏng. Đây là giải pháp phù hợp vào thời điểm này.

Trước khi dịch bệnh bùng phát, các ứng dụng của shipper công nghệ đã có chương trình “đi chợ hộ” để phục vụ nhu cầu của nhóm khách hàng bận rộn. Xuất phát từ nhu cầu của thị trường, hệ thống này đã tự tối ưu hóa quy trình như cách thức chọn hàng; giao hàng; thanh toán; kết nối với hệ thống siêu thị…

Thông tin trên báo Tuổi trẻ cho biết thêm, trước đó, Be Group, Grab cũng đã đề xuất sở Công thương TP.HCM việc cùng hỗ trợ tham gia chương trình "đi chợ hộ" bằng cách cung cấp miễn phí hạ tầng ứng dụng cho TP Thủ Đức, miễn phí sử dụng ứng dụng cho đối tác cửa hàng GrabMart, miễn phí giao hàng cho người dân. 

TP Thủ Đức sẽ hỗ trợ nơi ở (nếu cần), chi phí ăn uống, xăng xe, liên lạc điện thoại cho đội ngũ đối tác tài xế tình nguyện của Grab, hỗ trợ xét nghiệm Covid-19.

Be cũng đề xuất tham gia "đi chợ hộ" trong nội quận khi tận dụng khoảng 3.000 tài xế sẵn có và chuyên nghiệp để triển khai liền mạch, tránh các rủi ro về nhân lực.

Phía đơn vị cung ứng hàng hóa sẽ tạo lập một gian hàng trực tuyến trên ứng dụng với trường hợp chưa đăng ký. Gian hàng sẽ hiển thị đầy đủ các mặt hàng có sẵn theo combo với mức giá niêm yết bình ổn, có thể cập nhật theo từng thời điểm nhưng cần thông báo đến cho khách hàng trước tối thiểu 24 giờ.

Theo đó, người dùng sẽ chỉ đặt hàng được tại các đơn vị cung ứng theo danh sách mà UBND quy định trước và đã có ký kết hợp đồng với Be để đảm bảo bình ổn giá cho người dân. Đồng thời mỗi tài khoản của người dùng chỉ được đặt hàng một lần mỗi ngày trong khung giờ từ 6h - 17h.