Số lạ gọi đến thông báo người thân nợ tiền, gây sức ép không trả sẽ mang quan tài đến đòi nợ

CTV
Những đối tượng lừa đảo qua mạng có cách thức mới khi nhắn tin thông báo người thân đang nợ tiền nhiều năm chưa trả, bài bản đến mức soạn sẵn hợp đồng vay tiền và dọa dẫm nếu không trả sẽ có cách đòi nợ tiêu cực.

Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều chiêu thức lừa đảo mới thông qua tin nhắn, gọi điện thoại khiến không ít người “nhẹ dạ cả tin” bị “sập bẫy”. Mới nhất là thủ đoạn đánh vào tâm lý của người thân trong gia đình, như thông báo bị tai nạn nhập viện yêu cầu chuyển khoản tiền phẫu thuật hay nhắn tin đòi nợ vì anh/chị/em mượn lâu năm không trả.

Mới đây, chị Thu H. (quận Bình Thạnh, TP.HCM) bất ngờ nhận được tin nhắn thông báo anh trai đang có khoản nợ vay tín dụng 2 triệu đồng từ năm 2018 đến nay chưa trả. Vì biết được mạng xã hội có nhiều hình thức lừa đảo, chị H. ngay lập tức liên hệ với anh trai để hỏi lại và nhận được câu trả lời không hề có khoản vay 2 triệu nào.

Chị H. nhận được tin nhắn thông báo người thân đang nợ 2 triệu đồng từ năm 2018 chưa trả

Sau khi kiểm tra với người thân, chị H. muốn tìm hiểu xem chiêu thức mà các đối tượng này tiến hành là gì nên vẫn duy trì cuộc nói chuyện qua tin nhắn. Chị H. làm theo hướng dẫn đó là liên lạc qua Zalo với một số điện thoại được cho sẵn. Có một nhân viên tên Cường Lê tiếp chuyện, liên tục yêu cầu phía chị H. thanh toán khoản nợ 2 triệu đồng cho anh trai.

Thậm chí đối tượng lừa đảo rất bài bản khi đưa ra hợp đồng vay nợ có đầy đủ họ tên, số chứng minh nhân dân, ngày sinh, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng… của anh trai chị H. Thông tin bên cho vay được để là Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Vạn An Phát, địa chỉ ở: 529/60A Huỳnh Văn Bánh (phường 14, quận Phú Nhuận, TP.HCM). Tuy nhiên khi tìm kiếm thông tin theo tên công ty này lại có địa chỉ và người đứng tên khác.

Thông tin trên hợp đồng vay nợ được đối tượng lừa đảo cung cấp

Nếu tinh ý đọc kỹ tin nhắn thông báo nợ, có thể thấy rất nhiều lỗi chính tả, sử dụng chấm phẩy lung tung. Đồng thời bản hợp đồng vay nợ cũng có nhiều điểm lỗi đánh máy, phông chữ… Dựa vào đây có thể nhận biết được dấu hiệu khả nghi lừa đảo.

Đáng chú ý dù trên hợp đồng ghi lãi suất vay là 10,95% nhưng khi được hỏi hiện tổng cộng cả gốc lẫn lãi bao nhiêu, phía bên kia cho biết chỉ thu tiền gốc, hỗ trợ không lấy lãi. Khi chị H. hỏi về tính chất pháp lý, mã số thuế và muốn liên hệ trực tiếp với giám đốc để xác minh thông tin, người tên Cường liên tục vòng vo. Sau đó người này gửi một số tổng đài yêu cầu chị H. liên hệ để gặp giám đốc nhưng chị H. không gọi vì không phải là số điện thoại di động.

Vay 2 triệu từ năm 2018 nhưng "bên cho vay" rất "tốt bụng" chỉ thu tiền gốc, không lấy lãi

Khi chị H. yêu cầu cung cấp số điện thoại giám đốc và địa chỉ cụ thể công ty để đến xác minh, đối tượng bắt đầu doạ sẽ "làm việc" nếu không trả tiền

Đối tượng lừa đảo nhắn tin liên tục để đánh vào tâm lý ngại phiền phức của nhiều người

Sau một hồi nói chuyện qua lại, thấy không thể lừa đảo được, phía người tên Cường tỏ rõ thái độ, nhắn tin cộc lốc hơn so với “anh - em” ban đầu và gửi tin nhắn thúc giục mặc cho chị H. không trả lời. 

Được biết không riêng chị H. mà một số người thân và bạn bè khác cũng nhận được tin nhắn yêu cầu trả nợ thay cho người nhà tương tự. Mô típ chung là chỉ đòi đúng số nợ gốc là 2-3 triệu đồng, không tính lãi, yêu cầu chuyển vào số tài khoản cá nhân, đồng thời gây sức ép bằng việc dọa dẫm nếu không trả tiền sẽ đem bình ga, quan tài… đến tận chỗ làm để đòi nợ. Nhiều người nếu nhẹ dạ sẽ dễ dàng làm theo, không kiểm chứng lại với người thân, tặc lưỡi chuyển vài triệu cho xong mà không biết đã bị lừa.

Người thân và bạn bè của chị H. cũng từng gặp sự việc tương tự

Trên thực tế, chiêu thức lừa đảo bằng việc thông báo khoản nợ này không mới nhưng được các đối tượng xấu “nâng cấp” tinh vi và “chơi đòn” tâm lý hơn thông qua việc báo nợ khoản tiền nhỏ vài triệu, đánh vào người thân, dồn dập nhắn tin hay gọi điện để “con mồi” không kịp xác minh.

Để tránh bị mắc bẫy lừa đảo trên mạng xã hội, mỗi người cần nâng cao cảnh giác, đề phòng cao độ trước những tin nhắn từ số lạ, thông báo về các khoản nợ.

Những dấu hiệu cho thấy có khả năng rất cao bạn đang nhận được tin nhắn lừa đảo:

- Tin nhắn đến từ đầu số điện thoại di động lạ, với nội dung thông báo việc người thân đã nợ một khoản tiền lâu năm chưa trả.

- Nội dung tin nhắn lủng củng, có nhiều lỗi chính tả, chấm câu...

- Yêu cầu kết bạn Zalo với một số điện thoại để biết thêm thông tin

- Hợp đồng, giấy tờ vay nợ với nội dung chung chung, thông tin không rõ ràng.

Hãy cẩn trọng với tất cả tin nhắn, cuộc gọi thông báo trả các khoản nợ cho người thân từ đối tượng lạ hoặc tự xưng là đại diện cho các công ty tín dụng

Hơn hết hãy giữ sự tỉnh táo để xác minh thông tin chính xác. Không nên nóng vội, mất tính tĩnh sẽ dễ dàng bị các đối tượng xấu lợi dụng. Đồng thời không cung cấp những thông tin cá nhân như: số điện thoại di động, địa chỉ nhà ở và nơi làm việc, số tài khoản ngân hàng, số CMND/CCCD… cho bất kỳ đối tượng lạ nào trên mạng xã hội. Nếu liên tục bị nhắn tin, gọi điện làm phiền, đe doạ hãy trình báo sự việc với cơ quan Công an để nhờ pháp luật can thiệp giải quyết.