Chị Nguyễn Ngọc Mai - ngụ đường số 10, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TPHCM - cho biết ngày 21/10 chị nhận phiếu báo tiền nước kỳ 11 bao gồm tháng 8, 9, 10 với giá gần 7,5 triệu đồng. Gia đình chị hoang mang vì số tiền nước tăng đột biến, gấp hàng chục lần so với những tháng trước.
Theo khách hàng này, bình thường gia đình chị dùng khoảng 200.000 đồng tiền nước. Tháng 8, tháng 9, gia đình nằm trong khu phong tỏa nên nhân viên ngành nước không đến ghi chỉ số và thu tiền.
Đến tháng 10, chị nhận thông báo dùng hết 479 m3 nước trong vòng 74 ngày (8/8 - 21/10), tức bình quân dùng 6,47 m3 nước/ngày. Phiếu báo tiền nước gần 7,5 triệu đồng làm chị "choáng váng".
"Ngay sau khi nhận giấy báo, tôi đã gọi nhân viên công ty cấp nước đến kiểm tra. Họ cho rằng bể phốt nhà vệ sinh bị rò rỉ. Tuy nhiên, gia đình tôi sinh hoạt bình thường và theo dõi đồng hồ thì lượng nước đo được là 1 m3/ngày" - chị Mai nói.
Chị Mai cho rằng, phiếu báo tiền nước đang không đúng với lượng nước sinh hoạt thực tế của gia đình và mức giá 7,5 triệu đồng mọi người không có khả năng chi trả.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Ngọc Hùng - Giám đốc Công ty CP Cấp nước Thủ Đức - cho hay đơn vị đã nắm thông tin vụ việc của gia đình chị Mai. Công ty sẽ cho nhân viên đến tháo đồng hồ nước đem đi kiểm định, việc này do một đơn vị độc lập thực hiện.
Nếu đồng hồ chính xác, gia đình chị Mai phải thanh toán số tiền nước đã được thông báo. Nếu đồng hồ sai, công ty cấp nước sẽ tính lại tiền cho khách hàng dựa theo mức sai số, thời gian kiểm định khoảng một tuần.
Ông Hùng khuyến nghị, người dân nên kiểm tra đồng hồ nước thường xuyên để phát hiện những bất thường có thể xảy ra.
Trên thực tế, việc vỡ đường ống hay hỏng van phao bình chứa nước trên cao là tình huống hay xảy ra. Nước bị rò rỉ sẽ theo cống thoát ngầm chảy ra ngoài và người dân rất khó phát hiện. Hiện tượng rò rỉ nước thường xảy ra vào ban đêm khi áp lực nước mạnh do ít người sử dụng. Chính vì vậy, người dùng nước cần hết sức lưu ý.
Theo Dân Trí