Tàu giã cào, kích điện – “thủ phạm” gieo nỗi khiếp đảm cho ngư dân làng chài cổ Hải Hậu, Nam Định (Bài 2)

Nhiều tàu cá lớn đã bất chấp quy định tiến vào sát bờ đánh bắt, tận thu triệt để các nguồn lợi hải sản khiến ngư dân đánh bắt ven bờ vô cùng bức xúc.

Theo phản ánh của người dân địa phương, thời gian qua, những con tàu sử dụng giã cào đôi thường xuyên hoạt động tại các vùng biển ven bờ thuộc huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Thậm chí, các tàu này còn sử dụng kích điện để khai thác khiến nguồn thủy hải sản đang độ sinh trưởng cũng khó thoát.

Tận diệt thủy hải sản

Bám biển mưu sinh đã hơn 30 năm, chưa bao giờ ngư dân Ngô Văn Sỹ (xóm Nam Giang, xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) lại chứng kiến tình trạng khai thác bằng hình thức lưới giã cào đôi tận diệt thủy hải sản ngang nhiên và hoành hành như thời gian gần đây. Những chiếc lưới được ông thả gần bờ đều bị các con tàu này kéo trôi tuột lúc nào không hay.

Mới đây nhất, vào cuối tháng 8/2020, ông Sỹ đánh tàu ra khu vực ngư trường cách bờ khoảng 1 hải lý. Vừa thả hơn 10 cheo lưới xuống biển thì cùng lúc, một đôi tàu giã cào đôi đi qua.

“Tôi và anh em đã ra hiệu cho tàu này nhưng họ vẫn cố tình đi vào khu vực chúng tôi thả lưới. Hậu quả là tôi mất 2 cheo lưới, mỗi cheo lưới trị giá 1.5 triệu đồng. Dân chài đi biển kiếm kiếm sống trong tình cảnh này, “đủ ăn” còn gọi là khó, vì thế nên riêng tiền dành cho khoản mua lưới mới cũng đã đủ chật vật. Ngư dân đã nghèo lại còn thêm túng, đời sống cứ ngày càng khó khăn, sinh kế bị đe dọa trầm trọng” - ông Sỹ cho hay.

Ông Sỹ giờ đây đang hoang mang và không biết sắp tới lấy gì trang trải khi việc chài lưới phải làm cầm chừng.

Cũng theo lời ông Sỹ, những tàu giã cào đôi có công suất lớn, đi theo từng cặp chạy song song áp sát vùng bờ khai thác. Họ dùng loại lưới lớn, mắt dày và có nhiều lớp để “quét” hải sản từ tầng đáy đến mặt nước nên cá to, cá nhỏ đều bị vợt sạch, nguồn thủy hải sản đang độ sinh trưởng cũng không thoát được.

Trước đó, năm 2019, ngư dân Phạm Văn Hiển (xóm Xuân Hà, xã Hải Đông, huyện Hải Hậu) cũng bị mất hàng chục triệu đồng tiền lưới bởi tàu giã cào đôi. Thế nhưng, theo người đàn ông này, điều đáng lo lắng hơn cả là những chiếc tàu kích điện vẫn tiếp tục ngày đêm hoạt động công khai trên khu vực ngư trường ven bờ.

“Ngày xưa, họ dùng kích điện 200Kv, bây giờ họ đánh thẳng nguồn điện trực tiếp xuống biển (ước có thể lên 500 tới 1000Kv) khiến nguồn thủy hải sản ven bờ bị tận diệt. Ngư dân làng chài như chúng tôi chỉ có một nguồn sống duy nhất là ngư trường ven bờ, chính vì thế, khi bị các tàu này “chiếm vùng” và hoành hành ngày đêm, chúng tôi gần như không muốn ra khơi hành nghề nữa, bởi có chấp nhận “lấy công làm lãi” cũng không đủ bù lỗ” - ông Hiển bức xúc.

Nhiều tàu nhỏ của ngư dân Hải Hậu đã phải đắp chiếu cả tháng, không thể ra khơi.

Chân dung “thủ phạm”

Lần theo những phán ánh của ngư dân, qua tìm hiểu tại địa bàn, phóng viên ghi nhận, ban ngày, những con tàu giã cào đôi xuất hiện công khai tại ngư trường, có khi vào cách bờ chỉ hơn 500 mét.

Thời điểm đêm xuống, khi những thuyền mủng đánh bắt bằng phương pháp truyền thống vẫn đang nghỉ ngơi thì những tàu giã cào này lại hành nghề nhộn nhịp, đặc biệt là tàu kích điện. Lúc này, ngoài khơi sáng rực bởi sự xuất hiện của cả “tập đoàn” tàu giã cào cùng lúc.

Dưới đây là những hình ảnh PV ghi lại được ở khu vực biển cách bờ chưa tới 2 hải lý:

Việc tiếp cận những con tàu này rất khó khăn bởi các tàu rất cảnh giác. Tuy nhiên, qua quan sát, có thể thấy, chỉ với thiết bị thô sơ nhưng nguồn điện lớn sẽ truyền thẳng xuống biển và các tàu sẽ vợt thủy hải sản từ "thượng vàng" cho tới "hạ cám".

Được biết, khu vực này vốn tồn tại khoảng chục làng chài cổ. Những năm trước, tàu thuyền tấp nập ra khơi rồi trở về đầy ắp cá tôm. Thế nhưng, thời gian gần đây, khi xuất hiện các tàu giã cào, kích điện "chiếm lĩnh" ngư trường vùng ven, ngư dân bị đẩy vào tình cảnh không mấy mặn mà với nghề bởi ngư trường cạn kiệt hải sản, mỗi chuyến ra khơi không đủ bù lỗ chi phí dầu máy.

Tàu giã cào đươc trang bị những thiết bị có vẻ thô sơ đang ngày đêm tận diệt hải sản ở Hải Hậu

Ngư dân trong vùng lo ngại, nếu cứ kéo dài tình trạng này thì bản thân họ cũng không thể duy trì nghề của làng chài cổ, và con cháu họ cũng không thể nối nghiệp đi biển.

Từ thực tế trên, rất mong cơ quan chức năng liên quan vào cuộc làm rõ, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm nêu trên để dân làng chài có thể yên tâm ra khơi, đảm bảo đời sống.

Xem thêm: Hải Hậu (Nam Định): Tàu giã cào tận diệt hải sản ven bờ, ngư dân kiệt nguồn sống

Khoản 3, Điều 20, Mục 5, Chương II, Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16-5-2019 quy định: Phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với chủ tàu cá có một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam;

b) Khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực mà không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn hoặc không có giấy chấp thuận hoặc giấy chấp thuận hết hạn;

c) Tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn;

d) Sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải thành viên để khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển thuộc thẩm quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực;

đ) Sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản không theo quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc thẩm quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực;

e) Sử dụng tàu cá vi phạm quy định về quản lý và bảo tồn tại vùng biển quốc tế thuộc thẩm quyền quản lý của các Tổ chức nghề cá khu vực mà Việt Nam là thành viên;

g) Không trang bị thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên theo quy định;

h) Che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong trường hợp tái phạm;

i) Khai thác thủy sản quá hạn mức do Tổ chức nghề cá khu vực cấp phép trong trường hợp tái phạm.