Theo Thanh Niên, thông tin từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa ngày 19/9 cho biết, do tình trạng bệnh diễn biến quá nặng, bệnh nhi 15 tuổi đã tử vong dù được các y bác sĩ điều trị tích cực gần một tháng qua.
Theo Báo Thanh Hóa, trước khi chuyển đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, từ ngày 22/8, bệnh nhi đã xuất hiện một số triệu chứng như: Ho, sụt cân nhiều, sau đó sốt cao liên lục, mệt mỏi. Bệnh nhân được gia đình mua thuốc về uống ở nhà, sau đó đưa đi khám, điều trị tại một số cơ sở y tế nhưng tình trạng ngày càng nặng hơn.
Đến sáng 4/9, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa trong trạng thái suy tuần hoàn hô hấp, mạch nhanh, nhỏ, tụt huyết áp, tím tái, hôn mê, tình trạng nguy kịch.
Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore. Ảnh: Aljazeera
Theo đánh giá ban đầu của các bác sĩ, bệnh nhi bị viêm phổi nặng, suy gan, suy thận, trên nền bệnh tiểu đường và béo phì. Kết quả xét nghiệm bệnh nhân mắc Whitmore. Bệnh nhi lập tức được điều trị hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu, điều trị kháng sinh, điều chỉnh đường huyết.
Theo Báo Thanh Niên, sau thời gian điều trị, tình trạng bệnh nhi vẫn diễn tiến ngày càng nặng và đến chiều 17/9 thì tử vong.
Tại Thanh Hóa, hồi tháng 11/2022, cũng có một bệnh nhi ở Thị xã Nghi Sơn tử vong sau hơn một tháng mắc bệnh Whitmore.
Bệnh Whitmore có nguy hiểm không và phòng ngừa thế nào?
Whitmore còn gọi bệnh Melioidosis, là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm. Vi khuẩn gây bệnh sống trong đất. Đường lây nhiễm qua các vết trầy xước trên da tiếp xúc đất hoặc nước có vi khuẩn, hoặc qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người bệnh nếu có các vết loét ở ngoài da, sốt, nhức mỏi tay chân, ho, đau bụng, đi lỏng nhiều lần cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán kịp thời.
Theo Sức khỏe & Đời sống, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh Whitmore, vì vậy phụ huynh cần lưu ý thực hiện khuyến cáo của Bộ Y tế để chủ động phòng tránh bệnh này cho bản thân và con cái:
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng, trước khi ăn.
- Thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/ gần nơi bị ô nhiễm.
- Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn.
- Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.
- Những người có bệnh nền như đái tháo đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch… cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
- Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.