“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho các nhà đầu tư

Doanh nghiệp luôn đặt vấn đề nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động và phát huy tiềm năng của Thái Nguyên lên hàng đầu.

Ông Phan Chiến Thắng - Giám đốc Truyền thông cộng đồng và quan hệ đối ngoại, Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo đã có chia sẻ với Người Đưa Tin (NĐT) về chiến lược kinh doanh của công ty, cũng như đánh giá những bước tiến trong môi trường đầu tư tại Thái Nguyên.

NĐT: Hoạt động trong lĩnh vực khai thác chế biến khoáng sản, sở hữu mỏ đa kim Núi Pháo có trữ lượng Vonfram lớn nhất thế giới. Trong năm vừa qua, Khoáng sản Núi Pháo đã đạt được những bước tiến gì trong quá trình sản xuất kinh doanh?

Ông Phan Chiến Thắng: Công ty đã đạt được những thành tích tiêu biểu đáng khích lệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022. Doanh thu thuần tăng 196 tỷ đồng so với năm 2021; nộp ngân sách năm 2022 tăng 345 tỷ đồng; thu nhập bình quân của người lao động đạt 13 triệu/người/tháng,tăng 109,24% so với với năm 2021 và 100% người lao động được đóng BHXH, BHTN, BHYT.

Đồng thời, công ty đóng góp trên 4.320 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện.

Hồ sơ doanh nghiệp - “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho các nhà đầu tư

Ông Phan Chiến Thắng - Giám đốc Truyền thông, Cộng đồng và Quan hệ Đối ngoại, Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo.

NĐT: Thời gian tới, doanh nghiệp xác định kế hoạch sản xuất kinh doanh như thế nào?

Ông Phan Chiến Thắng: Công ty đang tiếp tục nghiên cứu triển khai dự án xây dựng nhà máy tái chế Vonfram đầu tiên tại Việt Nam. Mục tiêu của dự án là đưa Việt Nam trở thành trung tâm phát triển công nghệ tái chế Vonfram hàng đầu khu vực, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu sơ cấp từ hoạt động khai thác khoáng sản.

Không dừng lại ở đó, chúng tôi còn muốn đưa Vonfram vào ứng dụng pin điện để đáp ứng xu thế sử dụng nhiên liệu sạch đang diễn ra trên thế giới. Với việc đầu tư tái chế và thế mạnh công nghệ, Núi Pháo tham vọng sẽ tham gia và dẫn dắt ngành công nghiệp pin điện đang phát triển nhanh.

NĐT: Khai thác chế biến khoáng sản thường gắn với vấn đề môi trường, Núi Pháo đã và đang làm gì để vừa tối ưu chi phí vừa đảm bảo tuân thủ các yếu tố bảo vệ môi trường?

Ông Phan Chiến Thắng: Tại mỏ Núi Pháo, công tác quản lý môi trường luôn song hành cùng hoạt động sản xuất và được thực hiện đồng bộ từ việc tuân thủ các hồ sơ pháp lý đến công tác kiểm soát hiện trường.

Trong quá trình hoạt động, toàn bộ nước thải được công ty thu gom, xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường. Các loại chất thải sinh hoạt, chất thải thông thường và chất thải nguy hại được thu gom, phân loại tại nguồn và chuyển giao cho nhà thầu đủ chức năng xử lý. Việc cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác mỏ cũng được công ty đầu tư thực hiện. 

NĐT: Doanh nghiệp đã có sự đồng hành như thế nào với địa phương cũng như cán bộ công - nhân viên trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội vì sự phát triển của cộng đồng?

Ông Phan Chiến Thắng: Nhằm thực hiện mục tiêu đảm bảo mọi người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án Núi Pháo có cuộc sống “tốt hơn nơi ở cũ”, công ty đã xây dựng các chương trình phục hồi sinh kế bền vững. Trong giai đoạn 2006-2022, công ty đã chi gần 4.000 suất phục hồi kinh tế, với số tiền khoảng 23 tỷ đồng thông qua các chương trình đào tạo nghề và các chương trình khuyến nông.

Bên cạnh đó, công ty còn hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng thông qua các chương trình phục hồi kinh tế. Đã có khoảng 6.000 người dân địa phương được hưởng lợi trực tiếp từ các chương trình của Núi Pháo. Công ty cũng đầu tư hạ tầng cho các khu tái định cư như Nam Sông Công, Hùng Sơn 3 và Đồng Bông.

Ngoài ra, ban lãnh đạo công ty và công đoàn của Núi Pháo luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc làm và đời sống của cán bộ - công nhân viên, duy trì môi trường làm việc thuận lợi, đảm bảo phúc lợi cho người lao động một cách minh bạch và bình đẳng.

Hồ sơ doanh nghiệp - “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho các nhà đầu tư (Hình 2).

Nhà máy khai thác khoáng sản tại mỏ Núi Pháo.

NĐT: Trong quá trình đầu tư kinh doanh tại Thái Nguyên, ông cảm nhận như thế nào về những bước tiến trong môi trường đầu tư của tỉnh?

Ông Phan Chiến Thắng: Với vị trí địa lý tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, cơ sở hạ tầng cùng hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào chất lượng cao và đặc biệt tầm nhìn và cam kết hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp và nhà đầu tư đến với Thái Nguyên, doanh nghiệp chúng tôi vô cùng tin tưởng vào tiềm năng phát triển của tỉnh nhà.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, tôi rất ấn tượng với câu nói của đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên: “Chính quyền tỉnh Thái Nguyên cam kết luôn sẵn sàng hỗ trợ các nhà đầu tư bất kể mới hay cũ, đầu tư trong hay ngoài khu công nghiệp đều sẽ nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời trong quá trình thực hiện các dự án”.

Có thể thấy, với những lợi thế sẵn có và bằng năng lực sáng tạo, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự tham mưu tích cực của các cơ quan chuyên môn, sự đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Thái Nguyên đã trở thành địa phương có môi trường “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho các nhà đầu tư trong đó có Núi Pháo.

NĐT: Xin chân thành cảm ơn ông về những chia sẻ trên! .